Giảm nghèo nhanh và bền vững ở Mường Chà – Nhiệm vụ còn lắm gian nan

Thứ Tư, 09/11/2016, 08:55 [GMT+7]

 Điên Biên TV - Huyện Mường Chà vẫn là một trong những huyện nghèo của tỉnh Điện Biên, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là gần 71%, hộ cận nghèo tăng nên nguy cơ tái nghèo cao. Do đó nhiệm vụ giảm nghèo nhanh và bền vững còn nhiều gian nan.

Thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011 - 2015,  huyện Mường Chà đã đạt được những mục tiêu nhất định. Tỷ lệ hộ đói nghèo giảm bình quân 2,8%/năm, cơ bản không còn hộ đói; thu nhập bình quân đầu người đạt 13,5 triệu đồng/năm, tăng 7,3 triệu đồng so với năm 2010.

1
Mường Chà vẫn là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là gần 71%

 

Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của huyện. Song trên thực tế hiện nay, Mường Chà vẫn là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là gần 71%, hộ cận nghèo tăng nên nguy cơ tái nghèo cao. Do đó nhiệm vụ giảm nghèo nhanh và bền vững còn nhiều gian nan.

Theo đánh giá của Chính quyền huyện Mường Chà thì, do có xuất phát điểm về kinh tế thấp; đặc điểm về địa hình vùng rừng núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư của trên còn dàn trải, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đó là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo chưa đạt được như mong muốn.

Những khó khăn cụ thể như: Kết cấu hạ tầng kinh tế  - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; địa hình chủ yếu là rừng núi chia cắt; hệ thống giao thông hiểm trở; trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực thấp, không đồng đều, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao; một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Chính phủ và đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là những yếu tố khiến việc thực hiện công tác giảm nghèo tại Mường Chà gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại lớn, do cả chủ quan lẫn khách quan đem lại, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2010 – 2015, huyện Mường Chà đã nỗ lực đạt được nhiều mục tiêu, kết quả đáng ghi nhận.

Về nhận thức và chủ trương, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện và cấp ủy, chính quyền ở cơ sở xã đã kịp thời ban hành các nghị quyết, quyết định để chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ.

Từ nguồn vốn chương trình XDNTM, Mường Chà đã phân bổ kinh phí cho 9 xã là 149.952 triệu đồng để xây dựng đường trục xã, liên xã, đường trục chính bản, đường ngõ xóm với tổng chiều dài là 100km.
Từ nguồn vốn chương trình XDNTM, Mường Chà đã phân bổ kinh phí cho 9 xã là 149.952 triệu đồng để xây dựng đường trục xã, liên xã, đường trục chính bản, đường ngõ xóm với tổng chiều dài là 100km.

 

Từ năm 2011 đến năm 2015, huyện Mường Chà đã tập trung nguồn vốn của các chương trình, dự án để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, làm nền tảng và tiền đề thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa. Đồng thời tạo điều kiện cho đồng bào vùng sâu, vùng xa nâng cao mức sống, tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên cho các xã vùng khó khăn nhất.

Từ nguồn vốn gần 80 tỷ đồng thuộc Chương trình 135CP của Chính phủ, huyện Mường Chà đã đầu tư 86 công trình. Trong đó chủ yếu là xây dựng đường giao thông; hệ thống thủy lợi và các công trình nước sinh hoạt. Nhằm giúp đỡ cho bà còn vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn về nước sinh hoạt, huyện Mường Chà đã dành toàn bộ nguồn hơn 6 tỷ đồng từ Chương trình 134CP, xây dựng 10 công trình nước sinh hoạt tại 10 bản, các công trình này phát huy tốt hiệu quả đầu tư, phục vụ nước sinh hoạt cho hơn 400 hộ dân.

Trong 5 năm qua, với nguồn vốn gần 20 tỷ đồng, huyện Mường Chà đã đầu tư xây dựng 17 công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sinh hoạt, cho 6 xã vùng biên giới Việt – Lào như: Na Sang, Mường Mươn, Ma Thì Hồ..v.v.. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, phúc lợi công cộng, huyện Mường Chà chú trọng hỗ trợ nông dân về nguồn vốn, kỹ thuật, cây con giống để xây dựng các mô hình dịch vụ, sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.

Từ năm 2011 đến 2015, huyện đã triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất, với tổng kinh phí đã hộ trợ nông dân là trên 4 tỷ đồng; giải quyết cho các hộ nghèo là đồng bào các dân tộc thiểu số và các đối tượng khác vay hơn 210 tỷ đồng vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ giống sản xuất nông nghiệp trị giá gần 4 tỷ đồng; xây dựng hơn 23 mô hình trình diễn khuyến nông tại các xã, với gần 1.200 hộ gia đình tham gia, kinh phí thực hiện gần 2,5 tỷ đồng.

Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận với nguồn vốn để sản xuất kinh doanh mà huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kiến thức KHKT tại các thôn, bản, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và có kiến thức thị trường để lựa chọn sản xuất những loại nông sản có giá trị, thuận lợi về thị trường tiêu thụ; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai nhiều mô hình trình diễn phát triển chăn nuôi, dự án nông – lâm kết hợp, canh tác trên đất dốc giúp bà con có kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi áp dụng KHKT, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thông qua việc xây dựng các mô hình khuyến nông, người dân đã biết áp dụng các tiến bộ của khoa học – kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Từ đó loại bỏ những tập quán sản xuất lạc hậu, hướng tới sản xuất và phát triển bền vững, mang lại thu nhập cao hơn để xóa đói giảm nghèo. Ngoài được hỗ trợ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nông dân Mường Chà còn được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây trồng.

Không những giúp người dân nâng cao sản lượng cây trồng, cải thiện thu nhập, nâng tỷ lệ che phủ rừng, giúp nông dân có hướng đi đúng trong phát triển nông, lâm nghiệp và canh tác bền vững, thu nhập ổn định, góp phần quan trọng giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương. Nhằm thực hiện chủ trương của trên về xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Chà xác định: Huyện phải có các giải pháp căn cơ nhằm tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng đất nông – lâm nghiệp.

Từ xác định đó, Huyện ủy đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã có những biện pháp triển khai trên thực tế phù hợp. Trước hết, huyện thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất sử dụng theo hướng xác định các diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu, không xung yếu chuyển sang trồng rừng kinh tế. Ủy ban nhân dân huyện Mường Chà đã chỉ đạo tích cực với từng xã để chuyển sang trồng rừng kinh tế với các cây bản địa có lợi ích kinh tế lâu dài như: Cây cọ khiết, dổi, mỡ, thông, trám, chò, lát, keo tai tượng, bạch đàn trên những diện tích được quy hoạch. Cây Cao su là cây công nghiệp dài ngày được xác định là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người nông dân được chỉ đạo phát triển mở rộng, đến nay trên địa bàn huyện đã trồng được gần 1.200 ha cây cao su tại các xã Na Sang, Mường Mươn, Thị trấn, Sa Lông. Nông dân đã và sẽ tiếp tục được hỗ trợ bằng nguồn kinh phí của Tập đoàn cây công nghiệp Cao su Việt Nam và có thu nhập nhờ làm công nhân lao động cho Nông trường Cao su Mường Chà.

Huyện Mường Chà tích cực tuyên truyền, vận động bà con, nhất là tại các xã vùng cao khai hoang ruộng nước, áp dụng KHKT để tăng năng suất trên đơn vị diện tích. Với nhiều chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất của Chính phủ cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân đã tích cực khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang để trồng lúa nước. Nhiều công trình thủy lợi mới được đưa vào sử dụng góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, sản lượng lương thực.

Đến nay, trên 70% diện tích gieo cấy lúa mùa được đảm bảo nước tưới tiêu, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lương thực cho người dân. Bên cạnh nỗ lực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện còn đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo nghề nhằm giải quyết việc làm, giúp người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người lao động chọn nghề phù hợp, tránh tình trạng người lao động học nghề theo phong trào. Căn cứ vào nhu cầu của thị trường và thế mạnh của địa phương, huyện đã mở các lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, chăn nuôi gia cầm, kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn..v..v.. 5 năm qua, huyện Mường Chà mở gần 60 lớp, với hơn 2.000 học viên. Các lớp đào tạo chủ yếu là phổ biến những kỹ thật, kỹ năng tiến tiến về trồng trọt và chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và các lợp học nghề phi nông nghiệp theo nguyện vọng của chính người dân đang có nhu cầu.

Trong 5 năm qua, huyện Mường Chà đã nghiêm túc quán triệt và thực hiện Chương trình của Tỉnh ủy về giảm nghèo nhanh và bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ gần 62% xuống còn hơn 55%. Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn, thúc đẩy KT – XH phát triển, đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định chính trị và giữ vững trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì những kết quả đạt được của Mường Chà vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Hơn thế, đáng phải chú ý là: Kết quả giảm nghèo chưa thể nói là “Nhanh” và càng chưa không hề bền vững – theo đúng như tinh thần Nghị quyết của Tỉnh ủy. Bởi theo kết quả điều tra cuối năm 2015 và theo chuẩn nghèo mới thì hiện nay huyện Mường Chà có gần 71% số hộ nghèo, số hộ cận nghèo gia tăng so với trước đây và chiếm trên 7,5%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo tại Mường Chà còn cao; số hộ cận nghèo có xu hương tăng, đương nhiên sẽ có nguy cơ tái nghèo. Trong đó, chủ yếu do xuất phát điểm kinh tế thấp, trình độ dân trí còn hạn chế, chênh lệch nhiều so với miền xuôi; kinh nghiệm, trình độ áp dụng khoa học – kỹ thuật vào phát triển sản xuất vẫn còn ở giai đoạn bước đầu; địa hình đồi núi, đất dốc, thiên tai.v.v.. khiến hệ thống thủy lợi, tưới tiêu không có sự chủ động. Và hơn cả là tâm lý, tư tưởng trông chờ, dựa dẫm, ỷ lại vào Nhà nước, không muốn gia đình, địa phương thoát nghèo của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bên cạnh đó, do ngân sách địa phương hạn hẹp, bị động khi phải phụ thuộc hơn 90% vào Trung ương hỗ trợ, khiến tỷ lệ nguồn vốn được phân bổ hàng năm để tổ chức thực hiện các chương trình, dự án “nhỏ giọt”, “dàn trải”, trong khi năng lực của bộ máy làm công tác giảm nghèo ở cơ sở còn nhiều bất cập nên mục tiêu các chương trình, dự án đề ra không đạt hiệu quả như mong muốn.

1
Nhiều công trình thủy lợi mới được đưa vào sử dụng góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, sản lượng lương thực.

 
Giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo ở tỉnh Điện Biên nói chung và ở Mường Chà nói riêng đòi hỏi sự nỗ lực hành động của cả hệ thống chính trị, cần những chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù, các giải pháp đồng bộ phù hợp với vùng, miền, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân. Vấn đề “trao cần câu hay con cá” trong giai đoạn hiện nay vẫn chưa có lời giải cụ thể.

Huyện Mường Chà cần chú trọng thay đổi tư duy trong đầu tư, hoạch định chính sách; chọn lọc các mô hình xuất phát từ thực tiễn đời sống có hiệu quả kinh tế cao, nhằm tạo sức bật trong sản xuất, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ và Tỉnh cần bổ sung một số cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững theo hướng tập trung chính sách, nguồn lực, khắc phục sự chồng chéo và tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong giai đoạn 2015 – 2020, nhằm tạo động lực kích thích người dân phấn đấu vươn lên, từ đó mới có thể thoát nghèo theo đúng nghĩa - Bền vững./.
 

 

Kông Thao – Anh Tuấn
        
 

.