Điện Biên: Khó khăn trong bảo tồn đa dạng sinh học ở Mường Nhé

Chủ Nhật, 27/11/2016, 15:10 [GMT+7]

Điện Biên TV - Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nằm trên địa phận huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Với hệ sinh thái (HST) rừng phong phú, có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, và là nơi lưu giữ nguồn gen của nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm. Chính vì vậy, việc bảo tồn đa dạng sinh học của khu bảo tồn luôn được đề cao.

 

s
Loài Cu li nhỏ, một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng.

 

Khu bảo tồn thiên nhiên(KBTTN) Mường Nhé có tổng diện tích 45.581ha, nằm trên địa phạn 5 xã biên giới của huyện Mường Nhé: Sín Thầu, Chung Chải, Leng su Sìn, Mường Nhé, Nậm Kè. Khu bảo tồn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ đường biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh quốc phòng. Ngoài ra, còn KBTTN Mường Nhé còn vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của các xã vùng đệm, cung cấp các sản vật từ rừng, đảm bảo sinh kế cho người dân. Ngoài ra, người dân được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, hiện nay, 26 cộng đồng vùng đệm khu bảo tồn được hỗ trợ 40 triệu đồng/cộng đồng/năm.

Theo quy hoạch, KBTTN Mường Nhé có 44,309,89ha đã được cấp giấy chứng nhận. Theo kết quả kiểm kê rừng năm 2015, diện tích rừng tự nhiên của khu bảo tồn là trên 33.000ha, tỷ lệ che phủ rừng trên 72%. Ở đây có rất nhiều cánh rừng nguyên sinh như: rừng thường xanh trên đất thấp, rừng thường xanh núi thấp, rừng thường xanh trên núi cao và rừng tre nứa đang được bảo tồn nguyên vẹn và là nơi trú ngụ của nhiều loại động vật hoang dã, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Với mục tiêu bảo tồn các loài thú lớn và các hệ sinh thái rừng đặc trưng cho vùng núi cao Tây Bắc, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé được đánh giá là khu bảo tồn thuộc loại lớn ở Việt Nam, có tính đa dạng sinh học cao và hệ sinh thái rừng phong phú.

 

s
Các cán bộ chiến sĩ khu bảo tồn tham gia tuần tra, bảo vệ rừng

 

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu khoa học đã được công bố gần đây, Khu bảo tồn đã tiến hành rà soát, bổ sung loài mới bao gồm 508 loài động vật và 742 loài thực vật. Trong đó, bổ sung được 217 loài động vật, chủ yếu là các loài thuộc khu hệ bướm; một số loài thuộc lớp bò sát và lớp lưỡng cư. Hệ thực vật có khoảng 30 loài nguy cấp, quý, hiếm như: dổi xương, chò nâu, chò chỉ, pơ mu, trầm hương, giổi thơm... Trong tổng số 508 loài động vật, Mường Nhé là nơi cư trú của nhiều loài động vật quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Qua kiểm tra còn phát hiện một số loài như: Sơn dương, Nai, Cu li lớn, Cu li nhỏ, Khỉ mặt đỏ, Khỉ vàng, Vượn đen má trắng... được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.

Thời gian qua, Ban quản lý KBT luôn đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát tại những khu vực trọng điểm về tình trạng phá rừng khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã; Xử lý nghiêm các vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng trên địa phận được giao quản lý. Qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng cán bộ kiểm lâm đã phát hiện, ngăn chăn được nhiều vụ khai thác gỗ và phát rừng làm nương, rẫy trái phép; Phối kết hợp với UBND 5 xã vùng đệm và các lực lượng đóng chân trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn ĐDSH; Mở lớp tập huấn nâng cao năng lực thực thi pháp luật môi trường tại 5 xã Chung Chải, Mường Nhé, Nậm Kè, Sín Thầu, Leng Su Sìn.

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH tại KBTTN Mường Nhé cũng còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn. Ông Diệp Văn Chính, Phó Giám đốc Ban quản lý KBTTN Mường Nhé chia sẻ: Công tác quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học của khu bảo tồn gặp nhiều khó khăn, toàn bộ số liệu điều tra đều kế thừa số liệu điều tra ban đầu, đến nay chưa có nghiên cứu điều tra tổng thể xem số lượng loài biến động, còn hay mất, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý cũng như nghiên cứu ĐDSH.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa đáp ứng được nhu cầu. Đời sống nhân dân trong vùng đệm còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán canh tác lạc hậu nên hiệu quả tuyên truyền về kiến thức bảo tồn ĐDSH chưa cao. Tình hình dân di cư tự do vào rừng để phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản và săn bắt động vật rừng trái phép vẫn còn xảy ra, đặc biệt tại các xã vùng đệm như Chung Chải, Mường Nhé, Leng Su Sìn, gây suy thoái và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của khu bảo tồn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Tâm – Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé cho biết: Thành phần Ban quản lý KBTTN Mường Nhé chỉ có 23 biên chế( bao gồm cả công chức và viên chức). Lực lượng cán bộ công chức, viên chức trong biên chế của đơn vị còn mỏng, đa số là cán bộ trẻ, trình độ chuyên môn chưa đồng đều, kinh nghiệm công tác còn ít nên gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ, bảo tồn ĐDSH.

Tính riêng lực lượng Hạt kiểm lâm của Khu bảo tồn được biên chế với 10 đồng chí. Với lực lượng mỏng, trong khi đó, quản lý diện tích rộng trên 45.000 ha là không xuể. Cùng với đó, địa hình quản lý phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là mùa mưa lũ khiến cho công tác tuần tra bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các cơ quan ban, ngành chức năng chưa thường xuyên liên tục, đồng bộ.

“Hy vọng trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp, UBND tỉnh Điện Biên sẽ có những chính sách phù hợp thu hút, kêu gọi, tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước cũng như quốc tế  đầu  tư cho công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn ĐDSH, kiểm soát và bảo vệ các loài động thực vật trong khu bảo tồn; Tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH; đầu tư xây dựng phân khu dịch vụ hành chính và cơ sở vật chất để phục vụ công tác bảo tồn cứu hộ...” – ông Tâm bày tỏ mong muốn.

 

 


Hà Thuận

.