ĐBQH: Đã hết thời công chức "ngồi chơi xơi lương cao"

Thứ Ba, 15/11/2016, 10:02 [GMT+7]

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Nguyên tắc của tiền lương là phải làm theo năng lực và chi trả theo số lượng và chất lượng lao động.
 
Các đại biểu Quốc hội rất thẳng thắn và lên án những công chức không có đóng góp gì cho cơ quan và ngồi không một chỗ lại đòi hưởng lương cao là không thể chấp được. Đây cũng là một trong những chủ đề nóng sẽ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời trong phiên chất vấn trực tiếp.

Trả lương cao cho những người làm việc năng nổ, hiệu quả

Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với VOV.VN, ĐBQH Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho biết: Hiện tại, nhiều cơ quan nhà nước đã trả lương theo năng suất, hiệu quả làm việc cao hơn là thâm niên công tác. Đất nước càng phát triển thì không có chuyện anh dựa vào thâm niên công tác ở trong cơ quan nhà nước, không tạo ra năng suất lao động, làm việc kém hiệu quả lại đòi hưởng lương cao hơn rất nhiều so với những người làm việc rất vất vả, hiệu quả công việc cao hơn được. Như thế là không công bằng.
 

1
ĐBQH Hoàng Quang Hàm


Nếu chúng ta không khuyến khích cho người làm việc năng nổ nhận phần lương xứng đáng họ sẽ cảm thấy bất mãn. Làm ở trong nhà nước cũng giống như đi làm thuê, nếu cơ quan không trả lương xứng đáng với công sức họ bỏ ra, họ sẽ chuyển đi cơ quan khác ngay lập tức. Như thế thì chảy máu chất xám mất.

Ông Hoàng Quang Hàm cho hay, chúng ta đang triển khai trả lương theo kết quả đầu ra. Thứ nhất, chúng ta đang tiếp cận ngân sách đầu ra, khoán chi hành chính và tự chủ công lập. Nói cụ thể hơn là trả thu nhập tăng thêm cho những người có đóng góp cao hơn.

ĐB Hàm cũng thừa nhận, trong việc vận hành của bộ máy công quyền cũng còn có một bộ phận công chức chưa đáp ứng yêu cầu công việc nhưng vẫn đòi hưởng lương cao.

Hiện nhiều đơn vị vẫn đang chia lương bình quân, cùng lắm là xếp A,B, C và chưa xác định rõ. Trong quy định về tiền lương, như đơn vị nhà nước là tăng không quá một lần nhưng 1 lần đó là quỹ lương bình quân, có người sẽ không có được đồng nào và thậm chí có người có thể được 10 lần vì họ có đóng góp cao.

“Khi còn làm việc ở Kiểm toán Nhà nước, tôi thường quản lý công chức theo hiệu quả công việc là trên hết. Việc để anh em đảm bảo 8 tiếng ở cơ quan là tuân thủ theo kỷ luật hành chính. Công việc tôi giao cho anh em và thường cho thời điểm để hoàn thành. Nếu anh em làm muộn nộp không đúng giờ hay làm muộn tôi nhắc nhở.

Nếu anh em nộp đúng giờ nhưng kết quả không đảm bảo tôi chỉ nói đừng để mất lòng tin. Làm tốt, tôi kịp thời khen thưởng và động viên. Chúng ta phải xác định hiệu quả công việc theo kết quả nhiệm vụ chứ không phải cứ ngồi đủ 8 giờ hành chính là xong việc đâu”- ĐB Hàm nói.

Vì thế, theo ĐB Hàm, chúng ta phải đánh giá đúng sức lao động và đi kèm đó là lương. Chúng ta không thể nói suông được và phải làm rất quyết liệt. Muốn làm được như vậy, người đứng đầu cơ quan (người lãnh đạo) thật quyết tâm. Cuối năm, các cơ quan bình bầu công chức phải làm thật nghiêm túc, mới có cơ sở để đánh giá sát thực tế, trả lương cho xứng đáng.

Tăng lương đồng nghĩa với việc tinh giản biên chế?

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho rằng: trách nhiệm của các cơ quan là phải trả lương công khai và minh bạch, đúng pháp luật. Theo ông Lợi, đội ngũ cán bộ công chức của chúng ta quá nhiều, nếu không tinh giản biên chế, sắp xếp cán bộ theo đúng vị trí việc làm thì đội ngũ công chức lớn như thế nào cũng không cải cách tiền lương được.

1
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi


Ông Lợi phân tích, chúng ta phải chuyển 2,3 triệu người làm tại khu vực sự nghiệp công sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm và khoán theo chi phí kết quả đầu ra chứ không thể để như hiện nay được.

Hiện nay, chính sách tiền lương của chúng ta đã 3 lần “lỡ hẹn” với cán bộ công chức không nâng lương. Kết luận 63 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 5, Nghị quyết Trung ương 7 của khóa 11 và Nghị quyết khóa 12 cũng đã đề cập đến cải cách chính sách tiền lương nhưng chúng ta chưa cải cách được.

Cho nên, Bộ Nội vụ phải tham mưu cho Chính phủ để thực hiện các giải pháp đồng bộ để cải cách chính sách tiền lương một cách toàn diện. Có nghĩa rằng cải cách cả chính sách tiền lương cơ sở để đảm bảo đời sống của cán bộ công chức, cải cách cả thang lương, bảng lương, bội số tiền lương để đúng theo tinh thần phân phối theo lao động.

Nguyên tắc của tiền lương là phải làm theo năng lực, chi trả theo số lượng và chất lượng lao động. Tiền lương là đòn bẩy để tăng năng suất lao động và coi đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho sự phát triển. Có như vậy mới có bộ máy công chức toàn tâm toàn ý (tức là công bộc của dân) được.

Nếu chúng ta không cải cách chính sách tiền lương sẽ có câu chuyện "đói ăn vụng, túng làm càn". Nếu anh không đấu tranh, giữ bản chất của người cán bộ, đảng viên dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Đấy là vấn đề mà chúng ta đáng lưu ý, xem xét. Chúng ta đánh giá cán bộ cả 2 mặt, nâng cao năng lực, phẩm chất tuy nhiên cũng phải cho người ta đủ sống họ mới toàn tâm toàn ý cho công việc.

Nhiều cơ quan đã luân chuyển cán bộ, công chức đúng năng lực và phù hợp với vị trí, công việc của họ. Tuy nhiên, cũng có nhiều nơi cũng không làm được điều đó. Chẳng hạn như, 1 cán bộ đang làm trưởng phòng nhưng không có cách nào đưa họ xuống phó phòng được.

Nếu chúng ta cải cách được chính sách tiền lương, trả đúng lương với số lượng, chất lượng lao động thì họ không nghĩ đến chức tước và sẽ cống hiến cho công việc. Dù họ làm nhân viên nhưng thu nhập vẫn cao hơn lãnh đạo là yên tâm làm việc rồi.

Có những công chức ăn cắp giờ, làm việc chưa đủ giờ

ĐBQH Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh: Trách nhiệm của Bộ Nội vụ phải ban hành hướng dẫn và thực hiện tốt việc xây dựng đề án tinh giản biên chế, đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm, tham mưu cho chính phủ xử lý nghiêm trường hợp vi phạm không thực hiện đúng lộ trình tinh giản biên chế.

Trong việc tinh giản biên chế, Bộ Chính trị sẽ quyết định giảm một số cơ quan. Giảm những công chức không đáp ứng được yêu cầu và không hoàn thành nhiệm vụ hoặc người thích nghỉ hưu sớm. Những cơ quan mới thành lập không cứng nhắc nhưng việc tinh giảm phải tiến hành ở tất cả các cơ quan.

Tuy nhiên, ĐB Hàm lo lắng vì chúng ta rất khó giảm anh em trong cơ quan nhà nước vì năm nào anh em cũng tiên tiến xuất sắc. Nhiều người làm ăn rất "vớ vẩn" cũng được tiên tiến xuất sắc như thế thì làm sao mà giảm được. Cho nên, ở đây có 2 vấn đề là: tiêu chí để đánh giá công chức và người đứng đầu có thể  nắm rõ nhất là ai làm được việc và ai không làm được việc. Họ làm được đến đâu, có phù hợp với khả năng của họ hay không?

Vì vậy, theo ĐB Hàm, từng cán bộ công chức cũng phải nghiêm túc thực hiện quy định, trong các cuộc bình xét chúng ta phải thẳng thắn với nhau và có tinh thần cầu thị, chỉ rõ tồn tại cũng như bất cập của đồng nghiệp.

Dư luận đã có lúc rộn lên là 30% công chức "sáng cắp ô đi tối cắp ô về". Cho nên con số này chỉ là ước đoán, có thể không chính xác nhưng hiện bộ máy nhà nước cồng kềnh và chưa hiệu quả. Có những công chức ăn cắp giờ của nhà nước, làm việc chưa đủ giờ.

Trong việc tái cơ cấu ngân sách, chỉ cần công chức làm việc 8 tiếng hiệu quả để nâng cao năng suất lao động, có thể có một chi phí không đội, đấy cũng là cách để cơ cấu lại ngân sách./.

 

Theo VOV

.