Cuối năm, hàng chục nghìn người xin trợ cấp thất nghiệp

Thứ Bảy, 05/11/2016, 09:02 [GMT+7]

Hiện đã có khoảng 30 nghìn người ở Hà Nội nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và con số này vẫn tiếp tục tăng lên.

Thời gian gần đây, mỗi ngày có hàng trăm người tới Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội) làm các thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Có những ngày Trung tâm rơi vào tình trạng quá tải. Thống kê cho thấy, hiện đã có khoảng 30 nghìn người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và con số này vẫn tiếp tục tăng lên.
 

1
Người lao động chờ làm thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp.



Từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, phố Trung Kính luôn tấp nập người ra vào làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Thắm vừa nhận tiền trợ cấp thất nghiệp trong 3 tháng cho biết: “Em làm được gần 1 năm ở công ty cũ, em nghỉ việc do thấy mức lương hơi thấp nên muốn tìm công việc mới để mức lương ổn định hơn. Hiện tại, em được hưởng 3 tháng bảo hiểm thất nghiệp. Ở đây họ cũng tư vấn giới thiệu việc làm cho mình những em cũng sẽ tìm thêm ở ngoài nữa, chắc sẽ khó khăn hơn”.

Chị Phạm Như Quỳnh nói: “Trước tôi làm ở Công ty Samsung nhưng tôi nghỉ việc vì phải làm đêm nhiều, con cái không ai trông. Nên tôi muốn nghỉ một thời gian chăm con, bao giờ ổn định việc gia đình mời tìm việc. Mọi người nói có thể xin tư vấn việc làm ở đây nên nếu có thời gian sẽ xin tư vấn việc làm và tự đi tìm bên ngoài nữa”.

Báo cáo của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội: Số lượng người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm đến nay khoảng 30 nghìn người, số tiền chi trợ cấp thất nghiệp là 405 tỷ đồng. Từ đầu năm tới nay có gần 30 nghìn người đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, hiện Hà Nội có hơn 171 nghìn cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, trong đó có gần 50 nghìn  đơn vị với gần 1,3 triệu người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nguyên nhân chính khiến số lượng người lao động thất nghiệp gia tăng dịp cuối năm do tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa ổn định, trong đó không ít doanh nghiệp phải giải thể, chuyển đổi loại hình sản xuất kinh doanh, thay đổi chủ sử dụng lao động, cắt giảm lao động, cơ cấu lại doanh nghiệp.

Ngoài ra, người lao động hết hạn hợp đồng lao động, doanh nghiệp không có nhu cầu tiếp tục sử dụng hoặc người lao động không thể tiếp tục công việc do nơi làm việc xa nhà hoặc không phù hợp…

Ông Nguyễn Toàn Phong cho biết: “Chúng tôi dự kiến năm nay có khoảng 39 nghìn đến 40 nghìn người mất việc làm và xin hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2015 là 33.500 người xin hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp. Tỷ lệ mất việc làm do bị doanh nghiệp sa thải hay cơ cấu lại sản xuất kinh doanh thì không nhiều mà phần lớn người lao động chủ động tìm kiếm việc làm mới có thu nhập cao hơn”.

Đối tượng lao động nghỉ việc cao nhất là nhân viên chuyên môn sơ cấp, nhân viên kỹ thuật làm việc văn phòng, lao động giản đơn. Nhóm ngành có lao động nghỉ việc nhiều nhất là ngành điện, điện tử, điện lạnh, lắp ráp điện tử, tự động hóa, may mặc, da giày…
 

1
Người lao động chờ làm thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp.



Trước thực trạng thất nghiệp gia tăng dịp cuối năm, bên cạnh việc giải quyết quyền lợi cho người lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội còn hỗ trợ dạy nghề nếu người lao động có nhu cầu. Từ đầu năm đến nay, gần 4 nghìn người lao động được giới thiệu việc làm với số tiền hỗ trợ học nghề là hơn 7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc Hà Nội cũng cho rằng, người lao động thất nghiệp gia tăng không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Cuối năm, nhu cầu lao động trong các ngành dịch vụ, thương mại tăng cao nên lực lượng lao động thất nghiệp sẽ là nguồn cung bổ sung cho thị trường lao động:  “Có nhiều người sau khi được tư vấn đã không nộp hồ sơ nữa và họ tham gia vào thị trường luôn khi thấy được cơ hội việc làm. Một số khác trong quá trình thông báo việc làm hàng tháng thì họ xin chúng tôi hỗ trợ về thông tin thị trường lao động, hỗ trợ việc làm, các ngành nghề mà họ mong muốn, quan tâm. Chúng tôi có những bộ phận chuyên sâu để theo dõi và hỗ trợ họ trong suốt quá trình họ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cho đến nay, tỷ lệ được hỗ trợ việc làm thành công mà chúng tôi quản lý được tăng dần. So với năm 2015 tăng trên 30%”./.

 

Theo VOV

.