Còn nhiều bất cập trong xả lũ hồ chứa tại Hà Tĩnh

Thứ Tư, 09/11/2016, 07:14 [GMT+7]

Xả lũ hồ chứa gây ngập lụt hạ du là thực tế xảy ra tại tỉnh Hà Tĩnh trong 2 đợt mưa lũ vừa qua.
 
Mặc dù đã chủ động trong ứng phó, nhưng lũ chồng lũ mà nguyên nhân chính do việc xả lũ các hồ chứa gây ra đang khiến người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.
 

1
Hồ Hố Hô xả lũ về hạ du.


“Lũ lên rất nhanh so với bình thường, dân không kịp trở tay, Hố Hô xả lũ không thông báo sớm cho dân. Mưa lũ đợt này thiệt hại rất lớn không chỉ riêng gia đình mà toàn bộ các hộ trong thôn. Nước lũ chảy siết cuốn trôi mọi thứ, gia súc gia cầm không còn gì cả. Nhà khóa cửa nhưng cũng bị lũ cuốn trôi hết mọi thứ”.
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Tiến, người dân xã Phương Điền và chị Nguyễn Thị Thảo ở xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh khi nói về việc xả lũ của nhà máy thủy điện Hố Hô trong 2 đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện nay có khoảng 370 hồ chứa lớn nhỏ. Đợt mưa lũ từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 10 đã làm 9 người thiệt mạng, 36 người bị thương, hơn 32 nghìn hộ dân ngập lụt; nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã bị ngập sâu ách tắc giao thông gây khó khăn cho việc tiếp cận và cứu trợ người dân vùng thiên tai. Lũ đến nhanh, bất ngờ khiến người dân ở huyện Hương Khê không kịp di dời tài sản dẫn đến thiệt hại do lũ rất lớn…
Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh nói: “Làm thế nào xả lũ hợp lý tránh tình trạng xả đột ngột làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đối với công trình thủy điện Hố Hô, đề nghị Trung ương có giải pháp chuyển thành công trình đa mục tiêu có chức năng phòng chống lũ và điều tiết lũ trong mùa mưa lũ đối với huyện Hương Khê đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân. Về lâu dài đề nghị hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng cao để di dời người dân những khu vực thường xuyên ngập sâu trong vùng lũ, giúp người dân sản xuất ổn định và phát triển bền vững”.
 

1
Nhà dân vùng hạ du hồ Hố Hô - Hà Tĩnh ngập chìm trong lũ.


Lý giải về việc xả lũ khiến dân trở tay không kịp, đại diện nhà máy thuỷ điện Hố Hô cho rằng, công trình có công suất nhỏ, mực nước hồ chỉ chứa 38 triệu mét khối nên không có chức năng cắt lũ mà chỉ giúp điều tiết lũ và làm chậm quá trình lũ về ngập.
Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Nhà máy thủy điện Hố Hô phân bua: “Đặc điểm của sông Ngàn Sâu lưu vực dưới Hương Đô, Lộc Yên sông quanh co uốn lượn 9 khúc cho nên việc thoát lũ rất chậm. Thủy điện Hố Hô có dung tích nhỏ chỉ là điều tiết ngày, chức năng điều tiết lũ không có chỉ làm chậm tiến trình của đỉnh lũ”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đặt vấn đề: việc phối hợp điều tiết lũ giữa nhà máy thủy điện Hố Hô với chính quyền địa phương và người dân khu vực hạ du còn nhiều bất cập như cơ chế thông tin chưa được chặt chẽ, chưa có bản đồ ngập lũ vùng hạ du, quy trình vận hành khi xả lũ khẩn cấp khiến chính quyền và người dân bị động mỗi khi hồ xả lũ.
 
Ông Đặng Ngọc Sơn cho biết: “Qua kiểm tra, người dân vùng hạ du cho biết trước kia mưa từng đó đón được lũ ở dưới hạ du, nhưng bây giờ không đón được mà còn phụ thuộc vào vận hành của nhà máy Hố Hô. Vì vậy, mỗi khi Hố Hô xả lũ là người dân “mất vía”. Bản đồ ngập lụt là việc hết sức quan trọng nhưng hiện nay vẫn chưa làm được, bà con vẫn đang ứng phó theo kinh nghiệm là chính, cho nên xả bao nhiêu dưới ngập thế nào là không lượng hóa được”.
Kết luận trong cuộc họp mới đây khi kiểm tra công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ đầu tháng 11 tại tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Quang Hoài, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đề nghị: Hà Tĩnh cần có những giải pháp lâu dài trong ứng phó với mưa lũ nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung. Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp vì vậy phải khẩn trương xây dựng các kịch bản ứng phó thiên tai trong bối cảnh hiện nay.
“Vấn đề của nhà máy thủy điện Hố Hô là phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban nhân dân tỉnh. Phải khẩn trương ban hành bản đồ ngập lụt, với các kịch bản xả lũ và công bố rộng rãi để người dân biết được. Tiếp nữa là hệ thống thông tin chính quyền, người dân khi xả lũ. Trong vận hành hồ mà chúng ta không biết được lượng nước về hồ như thế nào theo đúng quy chuẩn Việt Nam mà chúng ta vận hành theo cảm tính là rất nguy hiểm”. - ông Trần Quang Hoài cho hay.
 

1
Hồ Hố Hô xả lũ làm nhà dân hạ du ngập lụt.


Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai và xây dựng các kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu là việc làm cấp thiết đối với các địa phương hiện nay. Điều này đặc biệt quan trọng khi các địa phương xác định được những yếu tố làm gia tăng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra./.

 

Theo VOV

.