Chấn chỉnh quản lý tại các trung tâm cai nghiện

Thứ Năm, 10/11/2016, 14:11 [GMT+7]

Chỉ trong 1 tháng liên tiếp xảy ra 3 vụ phá và trốn trung tâm cai nghiện. Tình trạng này gióng lên hồi chuông về công tác quản lý người nghiện

Sáng 9/11, hơn 100 học viên cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động và dạy nghề tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phá tường rào để bỏ trốn ra ngoài. Trước đó, trong đêm 6 và sáng 7/11, hàng trăm học viên trại cai nghiện tỉnh Đồng Nai cũng đập phá, trốn trại gây náo loạn và bất an cho người dân địa phương. Tình trạng này đang gióng lên hồi chuông về công tác quản lý người nghiện ở một số địa phương.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xung quanh vấn đề này.
 

1
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm.

 

PV: Thưa ông, sau hàng loạt các vụ học viên phá và trốn khỏi trung tâm cai nghiện, ông đánh giá như thế nào về những nguyên nhân xảy ra tình trạng này?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Qua những vụ việc học viên trốn trại cai nghiện vừa qua, chúng ta thấy có những vấn đề cần quan tâm và phải điều chỉnh.

Trước hết về mặt đầu tư cơ sở vật chất, nơi tổ chức hỗ trợ điều trị nghiện cho học viên- nơi tạm tiếp nhận đối tượng xã hội không nơi cư trú ổn định là phải đảm bảo được mức tối thiểu về nơi ăn, nơi ở. Sự quá tải cũng là nguyên nhân để xảy ra sự việc đáng tiếc.

Chúng ta chưa đủ cơ sở vật chất, lại thu gom học viên sử dụng ma túy ngoài cộng đồng đưa vào quá đông nên tình hình càng bức xúc hơn.

Hiện nay, tình trạng sử sụng ma túy đá, ma túy tổng hợp tăng nhanh chóng. Ở các tỉnh phía Nam, những con số các Trung tâm thống kê được có đến 80 đến 82% trong số những người nghiện là sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp.

Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương rà soát để đưa đối tượng vào cần phải làm nghiêm túc hơn, đúng theo pháp luật.

PV: Theo ông, các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý cai nghiện còn bất cập và cần phải điều chỉnh gì cho phù hợp với thực tế, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Về mặt luật pháp, sau khi chúng ta có Luật xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ ban hành Nghị định 111, 221, xem xét, lập hồ sơ để đưa người nghiện về cai nghiện tại cộng đồng, xã phường hay đưa qua tòa án để đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc vẫn còn nhiều bất cập.

Việc tổ chức cơ sở để tiếp nhận các cơ sở không đủ điều kiện vật chất hoặc nhân lực để làm việc này. Chính phủ giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh bố trí cơ sở xã hội và tổ chức tiếp nhận họ trong thời gian lập hồ sơ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết các địa phương sử dụng một phần trung tâm cai nghiện bắt buộc cũ để làm cơ sở tiếp nhận xã hội. Việc đó tạo tâm lý cho những người được đưa vào đây cảm thấy họ bị bắt buộc đưa vào cai nghiện. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người nghiện sẽ bất hợp tác.

Chính phủ giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xây dựng quy chế hoạt động của các cơ sở cai nghiện. Có địa phương xây dựng được nhưng nhiều địa phương chưa xây dựng được quy chế. Đây cũng là những bất cập về mặt văn bản.

Chúng tôi cho rằng tiến tới còn một số vấn đề về luật pháp cũng phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa, ví dụ như Luật phòng chống ma túy với Luật xử lý vi phạm hành chính cũng cần phải thống nhất.

PV: Thưa ông, hình thức cai nghiện tập trung như hiện nay chưa phải là giải pháp tối ưu. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Thực tiễn đã cho chúng ta biết sau thời gian cai nghiện bắt buộc trở về cộng đồng hầu hết là tái nghiện cho nên chúng ta đã phải đổi mới phương thức này theo hướng sẽ tăng cường hỗ trợ điều trị cai nghiện ở cộng đồng bằng các giải pháp y tế và xã hội, cả các loại thuốc truyền thống đang sử dụng.

Đặc biệt là sử dụng biện pháp thuốc thay thế như là methnol đang làm ở cộng đồng hiện nay có những khó khăn, cho nên là số người tham gia cũng chưa được nhiều.

PV: Từ những vụ việc xảy ra thời gian vừa qua, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội rút ra những bài học kinh nghiệm gì trong công tác quản lý tại trung tâm cai nghiện, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Giải pháp cho học viên khi vào trung tâm yên tâm điều trị, phải giải thích nâng cao nhận thức rằng họ vào đây được giúp đỡ chứ không phải vào đây bị quản thúc bị quản lý bị giam hãm. Nếu còn tư tưởng đó mang vào trung tâm thì lúc nào ở trong lòng họ cũng nung nấu không hợp tác.

Các trung tâm phải nâng cao được năng lực khi tiếp nhận rồi tham vấn, tư vấn phải làm việc được với từng trường hợp và quản lý, hiểu được hoàn cảnh của học viên, làm tốt công tác phân loại nắm bắt được tâm tư nguyện vọng.

Bên cạnh đó là phải tổ chức tốt các dịch vụ hỗ trợ trong đó cán bộ trong trung tâm phải thân thiện, là người trợ giúp chứ không phải là người quản trị, quản lý.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.

 

Theo VOV

.