Xử lý xe chở hàng cồng kềnh: Xin đừng "bắt cóc bỏ đĩa"
Cảnh sát giao thông Hà Nội đã ra quân kiểm tra xử lý phương tiện chở quá khổ nhưng việc ra quân này kéo dài được bao lâu?
Sau 2 cái chết oan uổng do xe chở cồng kềnh gây ra, Cảnh sát giao thông Hà Nội đã ra quân kiểm tra xử lý phương tiện chở quá khổ, quá tải. Nhưng điều người dân quan tâm là việc ra quân này kéo dài được bao lâu?
Những chiếc xe chở hàng cồng kềnh đã giảm từ đợt ra quân của Cảnh sát giao thông Hà Nội. |
Phương tiện chở hàng cồng kềnh giảm
Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội bắt đầu ra quân từ ngày 25/9 xuất phát từ vụ việc một bé trai 9 tuổi (Tân Mai, Hà Nội) đạp xe ngoài đường không may bị tấm tôn trên xích lô cứa vào cổ gây tử vong. Ngay trong ngày đầu ra quân lại thêm một phụ nữ xấu số 66 tuổi quê Hòa Bình tử vong trong Bệnh viện 103 sau 1 giờ cấp cứu cũng vì nguyên nhân tương tự. Ngay sáng hôm qua (ngày 28/9), xe ba bánh gắn logo thương binh chở hàng cồng kềnh đã va chạm với một nữ sinh đi xe đạp điện ngay trước cổng Sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội làm cả hai bị thương nặng.
Trong ngày 25/9, trên trục đường Giải Phóng, Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT CA TP.HN) lập nhiều chốt xử lý xe chở hàng cồng kềnh. Ngoài ra, Đội CSGT số 14 còn có các đội tuần tra để phát hiện vi phạm trên các tuyến đường. Trong ngày đầu CSGT ra quân có khá nhiều xe chở hàng cồng kềnh bị xử phạt. Sau khi xử phạt, CSGT yêu cầu chủ phương tiện dỡ hàng chờ phương tiện khác đủ tiêu chuẩn đến chở đi.
Sau 1-2 ngày đầu CSGT ra quân, quan sát trên các đường phố lớn tại Hà Nội thấy xe chở hàng cồng kềnh, nhất là xe ba bánh của thương binh tham gia giao thông có giảm. Sáng ngày 27/9, trên một số tuyến đường mà ngày thường hay có xe chở hàng cồng kềnh tham gia giao thông như: đường Đê La Thành, Cát Linh, Giải Phóng… thỉnh thoảng mới gặp một xe chở hàng cồng kềnh. Trên đường Nguyễn Văn Cừ, Trần Duy Hưng tình trạng cũng tương tự.
Quan sát tại một điểm chốt của CSGT đầu cầu Chương Dương từ 8h30-9h ngày 27 và ngày 28 thấy CSGT ngoài bắt giữ những xe phạm luật thì chỉ bắt giữ được 1-2 xe máy chở hàng cồng kềnh. Một cảnh sát tại chốt này cho hay, có lẽ biết thông tin nên chủ phương tiện xích lô, xe ba gác, xe gắn máy… không dám nhận chở hàng cồng kềnh nữa, lượng phương tiện xuất hiện trên đường phố Hà Nội trong 1-2 ngày nay có giảm.
Tuy nhiên, người đi đường vẫn không khó để bắt gặp những loại xe này lưu thông trên đường. Hiện, chủ xe chở hàng thường chọn thời điểm vắng bóng CSGT hay chọn những đường phố mà không có chốt CSGT để lưu thông.
9 tháng đầu năm 2016, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý 3.357 trường hợp chở hàng cồng kềnh, quá chiều cao, chiều dài cho phép, trong đó xe máy là 2.078, xe ba bánh là 557 và xe thô sơ, xích lô 57 - (Báo cáo của Phòng CSGT CA TP.HN). Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình chỉ đạo các tỉnh thành tuần tra phát hiện, xử lý xe thô sơ, xe máy chở hàng cồng kềnh. Từ tháng 11/2016 đưa kết quả quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tại địa phương vào nội dung báo cáo thường kỳ về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. |
Kiểm soát được bao lâu?
Trước 2 vụ tai nạn gây chết người trong tháng 9 nêu trên, xe chở hàng cồng kềnh cũng đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, là nỗi khiếp sợ với người tham gia giao thông bởi hầu hết những xe này đã chở hàng cồng kềnh còn đi rất ẩu. Chị Hoàng Huyền (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Đi trên đường gặp những xe chở hàng cồng kềnh, tôi rất sợ, luôn phải giữ khoảng cách bởi họ rất coi thường sự an toàn của người đi đường thường luồn lách, hầu như họ không để ý xem đuôi hàng có thể gây va quệt cho người đi đường hay không. Thế nhưng điều tôi thấy lạ là những xe này thường xuyên qua mặt các chốt CSGT mà không bị bắt giữ. Tôi mong rằng việc xử lý xe vi phạm kiểu này không chỉ dừng ở đợt ra quân để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông”.
1 |
Mức phạt chưa đủ sức răn đe?
Theo số điện thoại ghi trên một chiếc xe ba gác nhận chở hàng, PV gọi điện trao đổi với chủ xe là muốn thuê xe chở mấy tấm tôn về lợp mái, chủ xe từ chối: “Thời gian này, anh không dám nhận chở hàng cồng kềnh vì công an đang ra quân xử phạt, đợi một hai tuần tới xem tình hình thế nào, anh sẽ gọi điện lại cho”.
Trung tá Phạm Tuấn Anh, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14 cho biết, CSGT sẽ ra quân xử lý đến khi nào dứt điểm tình trạng xe chở hàng cồng kềnh trên địa bàn thì mới dừng đợt cao điểm.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, hành vi “xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác” bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng. Nhưng theo nhận xét của CSGT, chế tài xử phạt đối với các lỗi vi phạm chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng người dân sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục vi phạm./.
Theo VOV