Tiền lương công chức thấp: Cách nào để cải thiện?
Nhiều lần chúng ta bàn tới cải cách tiền lương. Nhưng khi nói tới "tiền đâu?" thì dừng. Đây là một thách thức phải vượt qua.
Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đã nhấn mạnh điều này tại hội thảo “Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương”.
Với tham luận nhan đề “Cải cách cơ bản chính sách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011 – 2020 - vấn đề và giải pháp”, TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ - một loại lao động đặc biệt – lao động quyền lực. Do đó, các giá trị xã hội của người công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất của tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển đã trở thành vấn nạn của quá trình phát triển đất nước. Do đó, cần phải sớm cải cách cơ bản chính sách tiền lương hiện nay.
Lấy ví dụ về thực tế tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ, ông Phúc nói: “Lương của Thứ trưởng về hưu hiện nay không bằng lương của một ông Trung tá”.
Tiền lương công chức hiện nay đang không đủ sống nhưng nhiều người rất muốn vào cơ quan Nhà nước. |
Mặt khác, cũng theo ông Phúc, việc thiết kế hệ thống bảng lương, mức lương, các loại phụ cấp theo lương ngày càng tỏ ra bất cập, mâu thuẫn, không phản ánh vị trí việc làm của người cán bộ, công chức. Điều này dẫn đến thực tế: “Nhiều lần chúng ta bàn tới cải cách tiền lương. Nhưng khi nói tới "tiền đâu?" thì dừng. Đây là một thách thức phải vượt qua”.
Giải pháp được ông Thang Văn Phúc đưa ra là cần có bước đi cụ thể quá trình tiền tệ hoá tiền lương, các thu nhập ngoài lương phải được kiểm soát. Nguyên tắc chủ đạo là phải có những bứt phá mới trong việc thiết kế lại hệ thống thang bảng lương đơn giản, phù hợp hơn.
Phải tiến hành tổng rà soát, sắp xếp tinh giản tổ chức - biên chế nhà nước, tiến hành quyết liệt việc tách quản lý hành chính Nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước và sự nghiệp dịch vụ công.
“Nước ngoài, người ta chỉ cần thuê vài tầng của một toà nhà là đủ cho một cơ quan cấp Bộ làm việc. Trong khi ở ta cứ xây trụ sở cả ngàn tỉ đồng, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước” – ông Phúc nói.
Cùng với đó, cần tiền tệ hóa các khoản thu nhập hợp pháp, chính đáng như nhà ở, phục vụ, điện thoại, đi lại, dưỡng bệnh... Đối với cán bộ lãnh đạo quản lý Nhà nước, trước mắt xe công chưa tính được ở cấp có bố trí xe phục vụ riêng và lãnh đạo chủ chốt Nhà nước.
"Cần có quy định chặt chẽ các khoản thu nhập ngoài lương khác do hoạt động hợp pháp (nghiên cứu khoa học, báo cáo viên, thưởng, tặng quà vượt quá qui định...) để thực hiện đóng thuế thu nhập và thông qua đó thực hiện qui chế giám sát các thu nhập ngoài lương" - ông Phúc nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến những hệ quả của lương thấp, theo TS Trần Đình Thảo, đây là lý do dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám” từ khu vực nhà nước sang khu vực ngoài quốc doanh, đồng thời là nguyên nhân khó thu hút nhân tài và gây nên các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, tạo lực cản trong cải cách hành chính ở nước ta.
Trong phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Cải cách chính sách tiền lương là một trong những chương trình trọng tâm cải cách hành chính. Trong thời gian qua, cải cách chính sách tiền lương luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, chính sách tiền lương là câu chuyện rất khó, liên quan tới rất nhiều cải cách hành chính, công vụ, công chức. Khi tiến hành cải cách tiền lương chúng ta không thể bỏ qua được.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, Luật công chức, viên chức có rất nhiều nội dung đổi mới trong cơ chế quản lý như xác định vị trí việc làm. Ngoài ra, một nguyên tắc mới là xác định tiêu chuẩn chức danh với vị trí việc làm để quản lý tốt hơn về biên chế. Chính sách tiền lương, chế độ tiền lương đã trải qua 4 đợt cải cách. Qua mỗi lần thì chế độ tiền lương được cải thiện, đổi mới lên 1 bước nhưng đều gắn liền với cơ chế quản lý đội ngũ cán bộ công chức./.
Theo VOV