Để bảo vệ bản thân, người tiêu dùng cần thay đổi thói quen mua bán
Đó là lời khuyên của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong lễ kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới (14/10).
Trong những ngày này, gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) cùng tổ chức kỷ niệm “Ngày tiêu chuẩn thế giới” (14/10) nhằm khích lệ mọi quốc gia, vùng lãnh thổ, mọi thành phần và mọi tổ chức cá nhân tham gia tích cực hơn vào hoạt động tiêu chuẩn hóa.
Mỗi năm 3 tổ chức tiêu chuẩn hóa hàng đầu thế giới là ISO, IEC và ITU đều thống nhất đưa ra các chủ đề của Ngày Tiêu chuẩn Thế giới khác.
Một trong những vấn đề được đem ra thảo luận trong buổi Hội thảo. |
Chủ đề năm nay là “Tiêu chuẩn tạo dựng lòng tin” khẳng định vai trò quan trọng của tiêu chuẩn trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong việc xây dựng lòng tin. Các sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn luôn được gắn với một biểu tượng tin cậy về chất lượng, an toàn, khả năng tương thích.
Hưởng ứng chủ đề trên, Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 14/10/2016 cùng chủ đề “Tiêu chuẩn tạo dựng lòng tin” với mong muốn nâng cao nhận thức của các bên liên quan về tầm quan trọng của tiêu chuẩn đối với hoạt động quản lý của nhà nước; hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp; thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại toàn cầu, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã phát biểu tại Hội thảo: "Chủ đề Ngày Tiêu chuẩn thế giới năm nay là “Tiêu chuẩn tạo dựng lòng tin”, lại một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêu chuẩn, là cơ sở nền tảng và định hướng cho các hoạt động khác phát triển, giúp tạo lập lòng tin giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, giúp kết nối khoa học và công nghệ với đời sống xã hội".
Tiêu chuẩn quốc tế mang lại nhiều lợi ích về công nghệ, kinh tế và xã hội.
Đối với doanh nghiệp, tiêu chuẩn quốc tế là những công cụ chiến lược và hướng dẫn giúp giải quyết những thách thức đòi hỏi khắt khe nhất của kinh doanh hiện đại và đảm bảo hoạt động hiệu quả, tăng năng suất, tiếp cận thị trường mới.
Người tiêu dùng có thể tin tưởng rằng sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn an toàn và có chất lượng tốt khi chúng tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.
Tiêu chuẩn quốc tế cũng hỗ trợ các cơ quan quản lý trong việc xây dựng các chính sách công, các quy định quốc gia, đảm bảo các yêu cầu đối với việc xuất, nhập khẩu hài hòa trên toàn thế giới, từ đó thuận lợi hóa việc lưu thông hàng hóa, dịch vụ và công nghệ giữa các quốc gia.
Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chia sẻ về vấn đề hàng hóa trôi nổi ảnh hưởng đến người tiêu dùng Việt Nam và công tác quản lý của nhà nước. |
Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhấn mạnh: "Tiêu chuẩn tạo dựng lòng tin thông qua việc đem lại những lợi ích thiết thực cho tất cả các bên: doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước".
Ông Trần Văn Vinh chia sẻ về vấn đề hàng hóa trên thị trường và người tiêu dùng hiện nay: “Trong thời gian tới, vai trò giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và quản lý nhà nước cần thống nhất vẹn tròn. Người tiêu dùng phải nhận thức được rằng sản phẩm phải có tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng mới mua về sử dụng. Để có thể an tâm về chất lượng cũng như có bằng chứng truy trách nhiệm nhà sản xuất nếu sau khi sử dụng xảy ra bất kỳ vấn đề gì.
Về phía doanh nghiệp sản xuất cũng phải nắm rõ tiêu chuẩn, tiêu chí của khách hàng, doanh nghiệp phục vụ ai để sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn đó tiêu chí đó.
Công tác quản lý nhà nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân không sử dụng sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nếu sản phẩm hàng hóa không được công bố tiêu chuẩn. Quán triệt sản phẩm không nguồn gốc, hóa đơn thì không được tồn tại”.
Ba tổ chức tiêu chuẩn hóa hàng đầu thế giới là ISO, IEC và ITU nêu trong Bản Thông điệp của mình: "Tiêu chuẩn khẳng định tính đa dạng của thế giới liên kết, tạo nên sự thống nhất trên các phương diện chung mà ở đó chúng ta chắc chắn rằng đang cùng nhau trao đổi về cùng một vấn đề"./.
Theo VOV