Tăng tuổi nghỉ hưu không thể làm đại trà
ĐBQH Trần Anh Tuấn: Tăng tuổi nghỉ hưu không thể làm đại trà mà phụ thuộc từng đối tượng, ai có nguyện vọng nghỉ nên tạo điều kiện cho họ.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang cân nhắc các phương án tăng tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức, trước khi đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật lao động.
Dự kiến có hai phương án, tăng từ 60 lên 62 đối với nam và tăng từ 55 lên 58 hoặc từ 55 lên 60 đối với nữ. Việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm ứng phó với già hóa dân số, sử dụng tốt nguồn nhân lực và cân đối quỹ lương hưu. Đề xuất này đang thu hút sự quan tâm của công chúng.
ĐBQH Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM nhấn mạnh nên tăng tuổi nghỉ hưu vì nhiều lý do.
ĐBQH Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM |
Cần loại bỏ cán bộ "sáng cắp ô đi tối lại cắp ô về”
ĐBQH Trần Anh Tuấn phân tích: Đây là xu hướng chung của các nước trên thế giới, do điều kiện phát triển của Việt Nam đã chuyển từ nước kém phát triển sang nước có thu nhập trung bình thấp.
Và độ tuổi bình quân của người dân đã được nâng lên, sức khoẻ, khả năng chung về lao động đối với độ tuổi như hiện nay (bình quân nam 60, nữ 55) đa phần cũng còn sức khoẻ tốt để cống hiến. Tuy nhiên, trong đó có đặc thù một số nhóm đối tượng phải khuyến khích làm việc tiếp như các nhóm có trình độ cao, các nhà khoa học, các giảng viên… Những nhóm đối tượng đó cần khuyến khích làm việc thêm.
Thứ 2, xu hướng về quỹ BHXH của chúng ta đang gặp những khó khăn trong việc chi trả nên cần gia tăng thời gian làm việc để họ có điều kiện đóng góp thêm cùng với xu hướng tăng độ tuổi bình quân, tăng năng suất làm việc.
Theo ông Tuấn, chính phủ đang trong quá trình cải cách về biên chế, dịch vụ công, dịch vụ xã hội hoá được tiến hành xã hội hoá, những đối tượng được lực chọn trong diện hưởng lương ngân sách rất khắt khe. Đơn vị sự nghiệp xã hội hoá họ sẽ chi trả chứ không làm ảnh hưởng tới ngân sách của Nhà nước.
Ông Tuấn cho rằng: Chúng ta phải có cách quản lý hiệu quả để không còn những “cán bộ sáng cắp ô đi tối lại cắp ô về”. Những cán bộ này cần phải sớm loại khỏi hệ thống.
Trong khi đó, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Phó GĐ Sở Y tế TP HCM lại cho rằng: Việc tăng tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức là vấn đề phải suy nghĩ kỹ và hết sức thận trọng. Chúng ta phải dựa trên số liệu cụ thể và tổng hợp báo cáo chi tiết.
Bà Lan nói: “Nếu lấy lý do tăng tuổi nghỉ hưu để tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH thì chúng ta cần đặt câu hỏi ngược là “Nếu tăng tuổi nghỉ hưu liệu có vỡ quỹ không? tôi e rằng sẽ vỡ quỹ sớm hơn”.
Tăng tuổi hưu phải đi song song với tinh giản biên chế
Theo bà Lan, vấn đề bây giờ chúng ta phải tìm cách làm sao chuyện tăng tuổi hưu phải đi song song với tinh giản biên chế để những công chức và lực lượng lao động thực sự làm việc có hiệu quả.
Hiện nay, rất nhiều người vẫn còn sức làm việc, hiệu quả làm việc cao nhưng đã đến tuổi hưu, như vậy thật đáng tiếc. Nhưng nếu họ không làm trong các cơ quan nhà nước, họ có thể làm cho các công ty tư nhân. Trong khi có nhiều trường hợp, tuổi hưu là cứu cánh duy nhất để cho họ nghỉ việc bởi họ không làm được việc mà chúng ta lại không thể đuổi việc họ được.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Phó GĐ Sở Y tế TP HCM |
Bà Lan cho biết, giải pháp tốt nhất là chúng ta phải kiểm soát hiệu quả lao động tốt. Tăng tuổi hưu là điều bất đắc dĩ vì bất cứ xã hội nào, nếu được nghỉ sớm mà vẫn được bảo toàn quyền lợi lại là ưu thế để người lao động nghỉ ngơi, đặc biệt với các lao động nặng nhọc. Về tổng thế, nếu do điều kiện kinh tế xã hội, nước ta còn nghèo, đòi hỏi đóng góp của lao động xã hội nhiều hơn vẫn có thể tăng tuổi hưu để bớt lãng phí những lao động còn có thể làm việc được.
Tuy nhiên, chúng ta phải chứng minh được cái đó có đem lại tác dụng, cùng với đó phải có biện pháp tinh giản biên chế để người lao động được hưởng mức lương xứng đáng mình bỏ ra.
Bà Lan nhấn mạnh: Tăng tuổi lên sẽ kéo theo hệ lụy trong những năm trước mắt là số người trẻ thất nghiệp sẽ rất nhiều. Thực tế, chỉ những người có chức có quyền mới thích tăng tuổi nghỉ hưu, còn người lao động nặng nhọc, độc hại không ai thích.
“Những người có chuyên môn giỏi, tăng tuổi nghỉ hưu hay không không thành vấn đề vì họ vẫn có thể làm ngoài nhà nước. Cho nên, chúng ta không nên đặt nặng vấn đề đó. Chúng ta nên căn cứ vào sự tự nguyện, đánh giá xem sức cống hiến của mình đến đâu, thực hiện theo từng nhóm chứ không nên thực hiện đại trà. Tôi vẫn thiên về hướng nên trẻ hoá, vì hiện nay tuy độ tuổi bình quân tăng nhưng sức khoẻ lại chưa tăng”.
ĐBQH Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: “Việc tăng tuổi nghỉ hưu không thể làm đại trà mà phải phụ thuộc từng đối tượng, ai có nguyện vọng nghỉ nên tạo điều kiện cho họ nghỉ không ép buộc, dần đi đến cơ chế thoả thuận tuổi nghỉ hưu. Chúng ta nên có quy định linh hoạt hơn trong việc này”.
Hiện tuổi nghỉ hưu nam đủ 60 và nữ đủ 55. Những trường hợp làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... được nghỉ trước thời hạn. Theo thống kê của Bộ Lao động, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam đang tăng nhanh, từ 6,9% dân số năm 1979 lên 10,5% hiện nay. Dự kiến đến 2050, Việt Nam có khoảng 10 triệu người cao tuổi. Với chính sách hiện hành thì dự báo tới năm 2050, quỹ lương hưu, tử tuất sẽ bắt đầu mất cân đối và không đủ chi trả các chế độ từ năm 2051. |
Theo VOV