Cuộc sống đồng bào Khơ Mú ở Mường Pồn
Điện Biên TV - Chính sách định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước, được thực hiện từ sau khi đất nước thống nhất, giúp cho đồng bào Khơ Mú trong tỉnh dần ổn canh, ổn cư. Nhưng sinh sống ở vùng đất dốc, tập quán canh tác lạc hậu, đất đai cằn cỗi, nên đời sống đồng bào gặp nhiều khó khăn. Ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, trên 60% số hộ người Khơ Mú vẫn sống trong cảnh nghèo đói quanh năm. Thiếu đất ở, đất sản xuất, thất học, nghèo đói, đang tạo ra lực cản đối với việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa cộng đồng Khơ Mú với các dân tộc khác trên địa bàn.
Ở tỉnh ta người dân tộc Khơ Mú có số dân khoảng trên 16.200 người. Riêng xã Mường Pồn có 179 hộ, 826 nhân khẩu, sống tập trung ở hai bản Tin Tốc và Huổi Chan. Các chương trình dự án đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai trên địa bàn trong những năm gần đây, dần giúp đồng bào ổn canh, ổn cư. Tuy nhiên, do điều kiện về địa hình, đất đai trong khu vực cùng với những hạn chế về kỹ thuật canh tác, tri thức xã hội, đời sống của phần đông đồng bào Khơ Mú ở Mường Pồn vẫn rất khó khăn.
Vào thăm hai bản Tin Tốc và Huổi Chan, những nếp nhà sàn chắc chắn mái lợp prô xi măng cùng tiếng í ới của trẻ em, cho thấy bà con hai bản này đã giã từ cuộc sống du canh du cư từ lâu. Tìm hiểu cội nguồn chúng tôi được biết, những nếp nhà xinh xắn bà con dân bản dựng được, phần lớn đều do hỗ trợ của Nhà nước. Bản Tin Tốc có 68 hộ dân thì có tới 52 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở từ chương trình 134, chương trình 167 của Nhà nước. Kết quả của chính sách hỗ trợ nhân văn này là đồng bào đã có nhà ở kiên cố, bộ mặt bản nghèo thay đổi khá nhiều. Không những thế hàng năm các hộ đặc biệt khó khăn trong bản còn được hỗ trợ đời sống: gạo, muối, tiền điện thắp sáng. Họ cũng được hỗ trợ giống lợn, trâu, bò để chăn nuôi cải thiện đời sống. Tuy nhiên đến nay, cả bản vẫn còn tới trên 40 hộ nghèo và cận nghèo. Vậy nguyên nhân nào khiến bà con ở đây khó thoát nghèo, phóng viên chúng tôi đã đi tìm hiểu thực tế.
Trưởng bản Tin Tốc, anh Lò Văn Chựa đưa chúng tôi đến gặp các hộ gia đình đặc biệt khó khăn trong bản. Đầu tiên, chúng tôi nhìn thấy là hai căn lều dựng sát nhau là chỗ chui ra, chui vào của hai gia đình anh em Lò Văn Xê. Chị Vàng Thị Nguyễn về làm vợ anh Lò Văn Xê đã hơn 10 năm. Vợ chồng anh có 3 con nhỏ, gia đình lại đông anh em. Sau khi Xê và em thứ hai lấy vợ, sinh con, họ tách khỏi gia đình lớn. Tách hộ nhưng không có khả năng mua đất ở, hai anh em được bố mẹ chia cho một phần đất nhỏ. Vì đất đai ông cha để lại vốn chật chội, nên mỗi gia đình chỉ được chia khoảng 10m2 đất ở. Không có ruộng, nương, hàng ngày anh Xê đi lấy cây song, cây mây đem về cho chị vợ đan ghế bán. Tiền kiếm được từ món đồ thủ công họ làm ra chẳng được bao nhiêu, nên gia đình quanh năm đói khổ.
Không hơn gì gia đình anh Xê, chị Nguyễn, sống dưới mái lều dột nát, tứ bề trống trải, gia đình chị Lò Thị Hà, bản Tin Tốc, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên cũng phải chật vật với từng bữa ăn. Chị Hà cho biết: "Gia đình tôi chẳng có tiền, cũng không có cơm ăn, giờ con lại còn nhỏ nên cũng không làm gì được."
Nói về cái nghèo của người dân trong bản, anh Lò Văn Chựa trưởng bản Tin Tốc cho rằng, đó là do thất học, lạc hậu và do thiếu đất sản xuất.
Xã Mường Pồn, huyện Điện Biên có trên 60% số hộ người Khơ Mú vẫn sống trong cảnh nghèo đói quanh năm. (Trong ảnh: Bên trong ngôi nhà của vợ chồng anh Lò Văn Xê và chị Vàng Thị Nguyễn ở bản Tin Tốc, xã Mường Pồn.) |
Rời bản Tin Tốc chúng tôi sang bản Huổi Chan. Bản này có 111 hộ, trong đó 62 hộ nghèo và 28 hộ cận nghèo. Cuộc sống thiếu thốn đủ thứ khiến người dân ở đây vô cùng vất vả. Từ năm 2007 đến nay, cả bản Huổi Chan phải lấy nước ăn, uống từ mó nước này, do công trình nước sinh hoạt tập trung của bản bị doanh nghiệp làm đường phá hỏng. Cả bản chỉ có 8ha nương và khoảng 3ha ruộng. 18 hộ gia đình không có ruộng sản xuất. Nương đồi xung quanh giờ đã là rừng cao su. Dân bản người góp 1ha, người 2 - 3ha đất nương trồng cao su, nhưng cao su chưa đến kỳ lấy mủ. Nương, ruộng ít ỏi, không có nguồn thu nhập nào khác, vậy là họ phải đánh vật với miếng ăn. Không ít người phải tìm đến các địa phương khác làm thuê kiếm sống.
Hỗ trợ những hộ gia đình dân tộc Khơ Mú đặc biệt khó khăn, không chỉ các chương trình mục tiêu của Nhà nước được địa phương vận dụng. Đơn vị biên phòng đứng chân trên địa bàn cũng góp phần giúp bà con ở đây tăng gia sản xuất. Gia đình chị Lò Thị Hoa có 7 nhân khẩu. Ruộng đất ít, cày cấy không đủ ăn, 5 đứa con, 2 đứa lớn học hết lớp 9 đã phải bỏ học. Cuộc sống nghèo đói khiến chồng chị phải đi xa kiếm kế sinh nhai. Vừa mới đây gia đình chị được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Pồn hỗ trợ bò sinh sản. Có bò để chăn dắt chị rất mừng, nhưng cũng lại lo lắng vì bản thân thiếu kinh nghiệm chăn nuôi.
Thất học, lạc hậu, ỷ lại, là nguyên nhân khiến cho người dân ở các bản làng vùng sâu, vùng xa cứ mãi đắm chìm trong nghèo khó. Đồng bào Khơ Mú ở Mường Pồn vốn không quen làm ruộng nước, sống phụ thuộc vào rừng, nhưng ở vùng này sinh cảnh rừng đã thay đổi rất nhiều. Thiếu đất sản xuất, thiếu sinh kế, càng khiến cuộc sống của đồng bào bị dồn đuổi. Làm thế nào để đồng bào Khơ Mú thoát khỏi đói nghèo, thu hẹp khoảng cách với các dân tộc khác trên địa bàn, đây là điều gây không ít trăn trở cho địa phương.
Ông Lù Văn Mấng, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn, huyện Điện Biên cho biết: "Người dân Khơ Mú ở xã chủ yếu là thiếu đất sản xuất. Xã cũng có kế hoạch để cho họ khai hoang nhằm mở thêm diện tích đất sản xuất, đồng thời hướng dẫn họ canh tác 2 vụ lúa nước. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm xóa đói giảm nghèo như giúp về cây con giống. Tuy nhiên, hỗ trợ rồi nhưng họ lại không biết áp dụng và không có đất canh tác."
Là một trong số rất ít người Khơ Mú có kiến thức, có hiểu biết xã hội và được làm việc trong bộ máy chính quyền xã, ông Lò Văn Pâng, Phó Chủ tịch HĐND xã Mường Pồn thì cho rằng, người Khơ Mú ở xã của ông cứ nghèo mãi, khổ mãi không chỉ do thiếu đất sản xuất, nguyên nhân sâu xa là do họ thất học. 99% thanh niên người dân tộc Khơ Mú ở Mường Pồn, hầu hết đều chỉ học hết tiểu học hoặc THCS. Không có nghề nghiệp, không hiểu biết xã hội, khiến con đường thoát nghèo của họ cứ dài mãi, xa mãi.
Các chương trình hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước vẫn tiếp tục được triển khai. Chính sách dân tộc tiếp tục được thực hiện, sẽ giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vượt qua những thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, để họ có thể thoát khỏi đói nghèo, đời sống có sự thay đổi thực sự, đòi hỏi cần nhiều yếu tố. Họ cần có tư liệu sản xuất, cần có học hành, có sinh kế bền vững và hơn thế nữa họ cần có được tinh thần tự lực cánh sinh. Với đồng bào Khơ Mú những điều kiện cần trên không phải là ngoại lệ./.
Minh Giang – Huy Long