Thực trạng phòng chống dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Thứ Tư, 28/09/2016, 15:37 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thời gian qua mặc dù các cấp ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống bệnh dại lây từ động vật sang người nhưng trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn xảy ra những cái chết thương tâm do bệnh dại. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 5 ca chết do bệnh dại tăng 4 ca so với cùng kỳ năm 2015. Chính vì vậy việc nâng cao ý thức cho nhân dân về phòng chống dịch bệnh dại là vấn đề cấp bách hiện nay.

 

s
Thời gian qua mặc dù các cấp ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống bệnh dại lây từ động vật sang người nhưng trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn xảy ra những cái chết thương tâm do bệnh dại.

 

Gia đình anh Lò Văn Hải, bản Nà Hý, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên là trường hợp có người nhà bị tử vong do bệnh dại. Nạn nhân là vợ anh chị Quàng Thị Thu, 26 tuổi do bất cẩn đã bị chó cắn trong quá trình bắt nhốt con chó của gia đình. Tuy nhiên, do chủ quan không đi tiêm phòng, hơn 2 tháng sau nạn nhân đã phát bệnh dại dẫn đến tử vong.

Anh Lò Văn Hải - Bản Nà Hý, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên cho hay: Vợ bị chó cắn do chủ quan, gia đình lại có hoàn cảnh khó khăn không đưa vợ đi khám, khoảng 2 tháng sau vợ bị phát bệnh dại tử vong.  Tôi cũng khuyên mọi người nếu bị chó cắn cần phải đi khám luôn, tránh tình trạng đáng tiếc như gia đình tôi

Không riêng gì trường hợp của gia đình anh Hải mà rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn tâm lý chủ quan, sợ tiêm vacxin ảnh hưởng đến sức khỏe nên không đi tiêm phòng khi bị các loài động vật như: chó, mèo cào, cắn. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trong 9 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh ta đã có 5 ca tử vong do dịch bệnh dại; gần 2.100 ca phơi nhiễm phải đến cơ quan y tế để tiêm phòng vacxin, huyết thanh kháng dại. Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Vi rút bệnh dại sau khi đi vào cơ thể sống sẽ tác động vào hệ thần kinh làm cho con vật và người bị nhiễm trở nên điên dại rồi chết. Khi người bị nhiễm bệnh dại lên cơn thì không có bất cứ loại thuốc nào có thể chữa khỏi, tỷ lệ tử vong là 100%. Chính vì vậy, bệnh này chỉ có thể điều trị dự phòng ngay từ đầu bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.

Bác sỹ chuyên khoa II – Dương Thị Quỳnh Châu Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết: Bệnh dại là bệnh rất nguy hiểm, người dân khi bị chó cắn cần đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Người dân cần nâng cao ý thức trong việc phòng tránh chó cắn đặc biệt không được thả chó ra đường.

 

s
Một buổi tuyên truyền về tác hại của việc bị chó cắn của cán bộ trung tâm y tế xã Hua Thanh, huyện Điện Biên đến bà con trong bản

 

Để giảm số người tử vong vì bệnh dại đã có sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ tỉnh đến cơ sở. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về phòng, chống, khống chế bệnh dại trên đàn vật nuôi; ngành Nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chuẩn bị đầy đủ vắc xin, cấp phát kịp thời cho các huyện, thành, thị; thực hiện tốt các nội dung quy chế phối hợp với ngành y tế trong điều tra, giám sát, trao đổi thông tin dịch bệnh dại. Ngành Y tế chỉ đạo đơn vị chuyên môn thực hiện tốt công tác giám sát, tư vấn, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. Các xã cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai tại cơ sở, thông qua lực lượng cán bộ trạm y tế đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn về phòng chống dịch bệnh dại đến từng điểm bản. Nhờ đó, trong 9 tháng đầu năm đã có trên 2.000 người đến các cơ sở y tế tiêm phòng vacxin phòng chống dịch bệnh dại, tăng trên 1.000 người so với cùng kỳ năm 2015.

Để bệnh dại không còn là nỗi lo của cả cộng đồng, bên cạnh các biện pháp quyết liệt của các ngành chức năng rất cần sự tham gia, vào cuộc tích cực của các cá nhân và toàn xã hội. Đặc biệt, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong phòng chống dịch bệnh dại, tiêm vacxin phòng bệnh khi bị chó mèo cắn để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân, gia đình và toàn xã hội.

 


Nguyễn Hằng – Hoàng Út

.