Tăng tuổi nghỉ hưu: Vì sao vấp phải quá nhiều phản đối?

Thứ Hai, 26/09/2016, 14:29 [GMT+7]

Tăng tuổi nghỉ hưu trong lúc hiệu quả quản lý lao động chưa tốt, năng suất lao động chưa cao, quản lý quỹ BHXH còn nhiều yếu kém…
 
Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đang được các cơ quan quản lý nghiên cứu để đưa vào Dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào năm 2017. Đây là một qui định ảnh hưởng đến hầu hết người lao động trong xã hội, gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua.

Trước hết, các lý do cơ quan soạn thảo đưa ra là: nguy cơ vỡ quỹ, già hóa dân số và phù hợp với xu thế chung của nhiều nước trên thế giới. Trước thực trạng già hóa dân số, giải pháp được các nước tiên tiến áp dụng là việc tăng tuổi nghỉ hưu và đã triển khai thành công từ lâu. Nhưng vì sao một giải pháp được các nước tiến bộ, có nền kinh tế phát triển áp dụng hiệu quả mà khi dự kiến đưa vào Việt Nam lại nảy sinh nhiều tranh cãi như vậy?

Qua theo dõi, các luồng ý kiến phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu chủ yếu vì các lý do đang tồn tại trong xã hội và trong chính hệ thống BHXH hiện nay.

Theo đánh giá chung, cách quản lý quỹ BHXH trong suốt thời gian qua và như hiện nay chưa ổn, chưa hiệu quả. Điều dễ thấy, nhân lực để quản lý quỹ (cơ quan quản lý) ngày một phình to. Bộ máy quản lý ăn lương rất cao và nhiều nơi lại xây dựng nhiều trụ sở hoành tráng. Vào làm BHXH là mơ ước của rất nhiều người.

Cán bộ nhân viên ngành BHXH được hưởng mức chi tiền lương gấp 1,8 lần so với chế độ tiền lương cán bộ công chức, viên chức hiện nay. Nguồn chi lấy từ lợi nhuận đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong thời gian qua, hoạt động đầu tư của Quỹ BHXH đã được thực hiện theo Luật BHXH nhưng chưa đạt được mục tiêu bảo toàn và tăng trưởng quỹ. Mặc dù tỷ lệ lãi đầu tư bình quân năm có xu hướng tăng nhưng nhìn chung vẫn tương đối thấp nếu tính theo giá trị thực, thậm chí Quỹ BHXH còn bị mất tài sản do tỷ lệ lãi đầu tư thấp hơn chỉ số lạm phát.

Đội ngũ hùng hậu, lương cao, nhưng quản lý lại yếu kém, bằng chứng là tình trạng lạm dụng trục lợi gây thất thoát quỹ ốm đau, thai sản, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi và chưa được kiểm soát một cách hiệu quả…

Đó là với riêng ngành BHXH, còn mặt bằng chung hiện nay, chúng ta đang nỗ lực thực hiện công cuộc tinh giản biên chế theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Với nguyên tắc “ra 2 vào 1”, tức là có 2 người ra khỏi hệ thống (nghỉ hưu hoặc tinh giản) thì mới được phép nhận 1 biên chế mới vào. Thế nhưng, thực tế thì sao, thời gian qua bộ máy hành chính, các cơ quan quản lý Nhà nước… càng giảm càng phình. Điều đáng nói, cái số phình ra ấy lại không hề hiệu quả mà trở thành gánh nặng cho ngân sách.

Nói đến việc tăng tuổi nghỉ hưu trong lúc chúng ta quản lý biên chế còn lỏng lẻo, hiệu quả quản lý lao động, năng suất lao động chưa cao. Với số lượng công chức, viên chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” còn quá lớn như hiện nay thì kéo dài tuổi nghỉ hưu là một hình thức hợp pháp hóa cho những trì trệ của hệ thống đang ngày càng trở nên trầm trọng.

Thứ nữa, việc bổ nhiệm, sử dụng cán bộ thời gian qua có quá nhiều vấn đề khiến dư luận bức xúc. Tình trạng “cả họ làm quan” không phải là chuyện hiếm. Điều này khiến dư luận không còn lòng tin rằng một chính sách an sinh xã hội ra đời sẽ được thực thi một cách khách quan, công bằng. Biết đâu đấy, trong số những người được kéo dài tuổi nghỉ hưu, phần lớn lại toàn những người có họ hàng thân thích chứ chất lượng nguồn lực lại không có gì nổi trội.

Trong tình hình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ như hiện nay, nhiều người học bằng tiền, bằng quan hệ… thì thử hỏi lấy đâu ra nguồn nhân lực chất lượng. Họ ngồi án ngữ trong hệ thống như những hòn đá tảng, làm tắc nghẽn sự phát triển. Nay lại có qui định hợp pháp cho những “cục máu đông” ấy thì liệu ai muốn ủng hộ?

Trong rất nhiều trao đổi với VOV.VN, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, một người nghiên cứu kỹ về vấn đề tiền lương, luôn nhấn mạnh việc chuyển đổi từ hệ thống hưu trí thực thanh thực chi sang hệ thống tài khoản tích lũy cá nhân nhằm giảm bớt rủi ro do quá trình già hóa dân số và tạo sự công bằng giữa các thế hệ. Với cách làm này, tiền đóng BHXH của người tham gia BHXH sẽ được tích lũy vào một tài khoản riêng và được đầu tư để tạo nguồn chi trả cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu. Tài khoản này giống như một tài khoản tiết kiệm, nếu anh tiết kiệm được nhiều thì về già anh hưởng nhiều, còn đóng ít thì hưởng ít, tránh được tình trạng bất công bằng hiện nay là “đóng ít, hưởng nhiều” vượt quá sức chịu đựng của quỹ.

Khi giải quyết được các “cục máu đông” đang nằm trong hệ thống hiện nay thì chắc chắn việc kéo dài hay không kéo dài tuổi nghỉ hưu không còn là điều tốn quá nhiều giấy mực như hiện nay./.

 

Theo VOV
 

.