Tăng tuổi nghỉ hưu: Tăng như thế nào khi vẫn hô hào giảm biên chế?

Thứ Ba, 27/09/2016, 08:51 [GMT+7]

Chúng ta không thể kéo dài tuổi nghỉ hưu trong khi đang hô hào giảm biên chế viên chức Nhà nước.

Bộ LĐTB&XH đang nghiên cứu để đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động trình Quốc hội trong năm 2017. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ tăng lên 58 và nam giới tăng lên 62. Tuy nhiên, vấn đề này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, bà Phạm Tuyết Nhung, Phó Trưởng ban Đối ngoại – Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, cho rằng đây là động tác cần thiết phải làm, bởi vì trong bối cảnh quỹ lương hưu có nhiều nguy cơ như: đầu vào không đáp ứng đủ mức chi trả, sự chi trả của một số đối tượng hưởng lương hưu chưa được công bằng, không bền vững. Chính phủ phải có chính sách để đối phó với tình trạng này.

Bộ LĐTBXH là một trong những cơ quan phụ trách vấn đề này làm động tác nghiên cứu, đánh giá và đề xuất những chính sách là việc tất yếu. Do đó, đề xuất tăng tuổi về hưu là một trong những việc họ đã có đánh giá, nghiên cứu. Đây là vấn đề rất nhạy cảm nên được dư luận rất quan tâm.
 

1
Bà Phạm Tuyết Nhung

 

Tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế

PV: Bà đánh giá như thế nào về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu?

Bà Phạm Tuyết Nhung: Tôi nghĩ, thứ nhất, tuổi nghỉ hưu tác động chính đến khối làm công ăn lương của Nhà nước. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hiện Việt Nam có lực lượng lao động khoảng 18 triệu người, trong khi đó khối Nhà nước chỉ chiếm khoảng 30%.

Con số này không nhiều so với cả lực lượng lao động của đất nước. Đối với khối tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, khối không chính thức… họ không có tuổi về hưu. Vậy chúng ta phải xem xét ảnh hưởng của tuổi ở mức độ nào. Nhiều người nghĩ nó ảnh hưởng toàn bộ đến nền kinh tế, dẫn đến sự hiểu lầm.

Thứ 2, theo số liệu của ILO, trong khi vực Nhà nước, lực lượng lao động nam chiếm đến 3/4 (khoảng 70%), số nữ ít. Thế nhưng lại coi việc nữ phải nghỉ hưu sớm, nếu không sẽ ảnh hưởng đến cơ hội của những người khác. Tôi cho rằng như thế không hợp lý.

Theo tôi, giữa nam và nữ tuy có đặc điểm khác nhau về sinh học, sinh lý, khả năng… Nhưng khi người nữ làm đúng việc của họ, tôi không nghĩ đến tuổi 55 họ yếu hơn người nam giới cùng độ tuổi. Sức làm việc của họ vẫn như nhau, chỉ có điểm khác đó là nghĩa vụ của người phụ nữ đối với gia đình nặng hơn. Cho nên nếu họ về sớm để chăm sóc con cháu thì sẽ phù hợp hơn với gia đình, xã hội còn đang “kinh tế nhỏ” như ta. Còn nếu lấy lý do sức khỏe, ưu tiên phụ nữ… mà lại cho về sớm thì đó là quan điểm không đúng và có phần bất bình đẳng giới.

Thứ ba, trong thời đại hiện nay, cùng với sự tiến bộ về kinh tế, mức sống cao hơn, y học tốt hơn thì già hóa dân số nhanh hơn, số người già nhiều hơn. Đồng thời với số người cao tuổi (NCT) nhiều hơn, tuổi thọ cao hơn, thì chất lượng cuộc sống của NCT cũng tăng hơn.

Ví dụ NCT năm 2016 ở tuổi 60 thì khỏe mạnh, minh mẫn, nhiều khả năng hơn so với NCT ở mấy chục năm trước; khả năng làm việc của họ cũng khác. Cho nên tại sao ở những nước phát triển, họ lại nghỉ hưu ở tuổi 65 và 67 - bởi khi đó người ta mới tính đến bắt đầu có sự suy giảm hay không, chứ không phải chúng ta cứ tính như ngày xưa.
 

1
Tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc thiết lập những chính sách phù hợp, linh hoạt (Ảnh minh họa)

 

Ngày trước 50 tuổi đã lên lão làng, bây giờ 70 vẫn khỏe và NCT thì không đồng nhất được. NCT bắt đầu tính từ 60 - 80. Những người từ 60 – 70 tuổi hoàn toàn khác với người ở tuổi 70 – 80 và càng khác với tuổi 80 trở về sau. Cho nên nhiều NCT sau khi về hưu nếu có trình độ, kiến thức… họ vẫn tiếp tục làm việc. Theo số liệu, 70% NCT vẫn đang làm việc và rất nhiều người làm ở khu vực không chính thức như chăn nuôi, trồng trọt…

Thứ 4, trong khi muốn thiết lập một chính sách đúng và phù hợp, thì phải đồng bộ và có đặc thù. Không thể tính các ngành nghề cũng như trình độ giống. Ví dụ một người học xong đại học, rồi thạc sĩ, tiến sĩ, lên giáo sư, đi tu nghiệp… có khi 45 tuổi mới học xong. Vậy họ cống hiến đến đâu? Bao nhiêu người lao động mới được 1 người như vậy. Nếu chúng ta cứ khuôn mẫu bắt ông ta phải nghỉ từ tuổi 60, đó là sự lãng phí rất lớn cho xã hội.

Tôi nghĩ ông ấy cũng không buồn, bởi vì nghỉ ở chỗ nọ lại ở chỗ kia “ăn 2 lương”. Nhưng nếu như 1 người công nhân trong ngành may mặc, cao su, chế biến thủy sản chẳng hạn, họ đi làm từ 18 tuổi. Đến 30 – 35 tuổi đã mắc nhiều thứ bệnh. Nếu những người này “bị bắt” nghỉ từ 55 – 60 tuổi thì đó là điều vô lý. Cho nên, chính sách phải mềm dẻo, linh hoạt, có đặc thù mới có thể tạo được sự công bằng và tính khả thi trong tính toán tuổi nghỉ hưu.

Làm sao vừa tăng tuổi nghỉ hưu, vừa giảm biên chế?

PV: Chúng ta đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong khi thất nghiệp vẫn nhiều, quỹ lương hưu có nguy cơ bị vỡ… Theo bà, làm sao để cân bằng được vấn đề này?

Bà Phạm Tuyết Nhung: Đúng là đối với nền kinh tế của chúng ta hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp nhiều, công ăn việc làm thực chất rất khó khăn, việc tăng lương hưu cũng là thách thức rất lớn của Chính phủ. Cho nên muốn giải quyết được bài toán này, vẫn phải giải quyết vấn đề công ăn việc làm, nền kinh tế như thế nào.

Chúng ta không thể kéo dài tuổi nghỉ hưu trong khi đang hô hào giảm biên chế viên chức Nhà nước. Vậy giải quyết mâu thuẫn này như thế nào? Do đó phải tính đến thực tế, đồng thời có những chính sách cho những người nghỉ hưu có trình độ. Tôi không đồng ý với quan điểm ưu đãi, ưu tiên họ, mà là sử dụng, tận dụng họ để họ cống hiến cho đất nước. Còn chúng ta không cần 1 người ngồi ở chức vụ cao để nhận được nhiều bổng lộc, hưởng lợi.

Bây giờ nói tăng tuổi nghỉ hưu thì sẽ có bao nhiêu nhiêu người được tăng, có chồng chéo với việc giảm biên chế hay không, có liên quan tới quỹ lương hưu không? Tôi vẫn cho rằng, phải có sự cải tổ trong hệ thống lương hưu. Bởi hiện nay hệ thống lương hưu chưa công bằng, không bền vững. Nó thể hiện ở chỗ hiện nay tuổi thọ đã cao, có những người đi làm từ năm 18 tuổi, 45 tuổi về hưu mà sống đến 90 tuổi thì ai sẽ đóng thuế để trả?

Trong bối cảnh kinh tế phần lớn là không chính thức thì làm sao thu được thuế, không có BHXH. Trong lực lượng vũ trang cũng vậy: về sớm, lương cao. Vậy chúng ta có cải tổ được không? Các nước đã áp dụng “đa trụ cột”, có nghĩa đóng nhiều thì hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Cho nên dứt khoát phải cải tiến. Tuy nhiên, chưa hẳn đã bắt đầu bằng việc tăng tuổi nghỉ hưu ngay lập tức mà nên có sự sắp xếp dần và sẽ đến lúc tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng phải đồng bộ với các hệ thống khác để hệ thống lương hưu ổn định.

PV: Có ý kiến cho rằng, không nên vin vào lý do nguy cơ vỡ quỹ lương hưu để tăng tuổi nghỉ hưu. Bà nhận xét như thế nào?

Bà Phạm Tuyết Nhung: Tôi được biết là hệ thống lương hưu, BHXH hiện nay là “có vấn đề”. Theo tính toán của Bộ LĐTBXH cách đây vài năm, chỉ tính đến 2032 là đã cạn kiệt rồi. Nếu như thế, chúng ta sẽ lấy ở đâu để có thể đáp ứng được? Lúc bấy giờ dân số già ở Việt Nam có thể lên đến 15 – 16%, đến năm 2038 còn tăng gấp đôi.

Vấn đề liệu có vỡ quỹ? Tôi với tư cách là người có theo dõi, cho rằng sẽ vỡ nếu như không cải tổ. Bây giờ phải làm thế nào? Các nước khác họ làm nhiều rồi, chúng ta phải học họ: Thứ nhất, tăng độ bao phủ BHXH lên, tức là phải có bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm trong khu vực tư nhân; phải có chế tài; phải cho người lao động thấy họ có lợi ích trong đó.

Thứ hai, phải làm cho thu nhập của người hưởng của hệ thống lương hưu, BHXH phải công bằng hơn nữa. Không phải rất nhiều người đóng cho một số người. Thứ ba, phải sinh lợi ích từ nguồn đóng BHXH để số tiền có thể sinh lợi. Thứ tư, tất nhiên phải cải cách hệ thống, trong đó có tuổi về hưu.

PV: Xin cảm ơn bà!./.

 

Theo VOV
 

.