Phòng chống tác hại của thuốc lá trong công nhân, viên chức, lao động

Đã có chuyển biến tích cực

Thứ Sáu, 09/09/2016, 09:48 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người hút mà còn gây hại tới người xung quanh (hay còn gọi là hút thuốc thụ động). Để xây dựng nếp sống văn minh, môi trường làm việc không khói thuốc, thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh…

Ngày 1/6/2015, LĐLĐ tỉnh đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo PCTH của thuốc lá trong CNVCLĐ tỉnh. Ngay sau khi thành lập, căn cứ vào tình hình thực tế, Ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ cho các thành viên; xây dựng quy chế hoạt động, chương trình, kế hoạch cụ thể cho từng quý, 6 tháng và 1 năm. Song song với đó, LĐLĐ tỉnh ban hành nhiều văn bản về đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai hoạt động PCTH của thuốc lá trong CNVCLĐ; đồng thời chỉ đạo các cấp công đoàn tích cực tổ chức hoạt động tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, chủ động phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về thuốc lá đến năm 2020.

d
Biển “Cấm hút thuốc lá” được Công đoàn Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh gắn tại khu vực làm việc, hành lang, giảng đường, hội trường, bàn uống nước… để mọi người dễ dàng nhận biết và cùng thực hiện.

 

Bà Phạm Thị The, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Căn cứ hướng dẫn của LĐLĐ tỉnh, thời gian qua, LĐLĐ các huyện, thị, thành phố, công đoàn ngành, công đoàn cơ sở trực thuộc đã chủ động lồng ghép tuyên truyền, vận động CNVCLĐ phòng chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Đồng thời, đưa nội dung PCTH của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào nội quy, quy chế nội bộ của đơn vị. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: Tổ chức tập huấn, hội thảo; tuyên truyền qua băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích… Nội dung tuyên truyền tập trung vào: Thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, môi trường sống; các biện pháp cai nghiện thuốc lá; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác PCTH của thuốc lá… Từ đầu năm đến nay, các cấp công đoàn đã tổ chức 5 lớp tập huấn và 1 buổi hội thảo cho gần 800 CNVCLĐ, lắp đặt 1 cụm pa nô tuyên truyền về tác hại của thuốc lá.

Thực hiện chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh, các cấp công đoàn tổ chức kiện toàn, thành lập ban chỉ đạo PCTH của thuốc lá; xây dựng, củng cố mạng lưới cộng tác viên pháp luật lao động và PCTH của thuốc lá. Hiện đã có 5/8 công đoàn ngành, 2/10 huyện, thị, thành phố thành lập ban chỉ đạo PCTH của thuốc lá, các đơn vị còn lại đang xây dựng kế hoạch thành lập ban chỉ đạo. Để thực hiện hiệu quả công tác PCTH của thuốc lá trong CNVCLĐ, các cấp công đoàn đặc biệt đề cao trách nhiệm cá nhân, vai trò gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông; tích cực vận động đoàn viên, CNVCLĐ nghiêm túc thực hiện quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng như: Rạp chiếu phim, nhà văn hóa, khu vui chơi, bến xe… Tổ chức gắn biển “Cấm hút thuốc” tại điểm dễ quan sát của phòng làm việc, phòng họp, hành lang để mọi người dễ nhận biết và thực hiện; tổ chức đăng ký xây dựng môi trường làm việc văn hóa để đoàn viên, CNVCLĐ cùng phấn đấu thực hiện, coi đây là tiêu chí trong việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa…

Là 1 trong 5 đơn vị điểm được LĐLĐ tỉnh lựa chọn để triển khai các biện pháp xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, Công đoàn Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Không chỉ thành lập được Ban chỉ đạo PCTH của thuốc lá, Công đoàn trường còn tổ chức cho các phòng, khoa ký cam kết không có người hút thuốc lá hoặc hút thuốc đúng nơi quy định. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền qua giờ giáo dục công dân, chào cờ, sinh hoạt tập thể; treo biển “Cấm hút thuốc lá” tại khu vực làm việc, giảng đường, hội trường… Đối với những CNVCLĐ đang hút thuốc lá, công đoàn vận động có kế hoạch hạn chế, tiến tới không hút thuốc lá; đưa tiêu chuẩn không hút thuốc lá vào đánh giá thi đua của cán bộ viên chức và học sinh, sinh viên. Nhờ vậy, tình trạng hút thuốc lá tại nơi làm việc, số lượng người hút thuốc lá giảm đáng kể.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, thiết thực, công tác PCTH của thuốc lá trong CNVCLĐ tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Theo thống kê chưa đầy đủ của LĐLĐ tỉnh, 6 tháng đầu năm 2016 có 45 CNVCLĐ bỏ thuốc lá (giảm 0,4%) so với năm 2015; nhận thức, ý thức chấp hành việc không hút lá tại nơi làm việc của CNVCLĐ được nâng lên rõ rệt. Đây là kết quả đáng ghi nhận, tạo động lực để các cấp công đoàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác PCTH của thuốc lá trong thời gian tới.

 

Đức Linh
 

.