Khai giảng năm học mới, bắt đầu một hành trình lo lắng và hy vọng

Thứ Hai, 05/09/2016, 10:06 [GMT+7]

Năm học mới bắt đầu, nhiều bậc phụ huynh lại lo lắng về tình trạng lạm thu, là việc dạy thêm học thêm tràn lan…
 
Hôm nay (5/9), hàng triệu học sinh từ bậc mầm non đến trung học tưng bừng trong ngày lễ khai giảng năm học mới 2016-2017. Năm học mới chính thức bắt đầu, tuy nhiên, nhiều trường đã tựu trường từ cách nay một tháng.
 

1
Học sinh hân hoan trong ngày khai giảng

 

Sau nhiều năm được tổ chức rườm rà, tốn kém, đặc biệt khiến học sinh mệt mỏi, đây là năm học thứ hai, công tác khai giảng được tổ chức theo cách gọn nhẹ, cắt giảm nhiều phần lễ lạt, đặc biệt là những màn chào đón khách mời, phát biểu dài dòng của các quan chức… mà hầu như các em không hiểu gì. Cách thức tổ chức khai giảng gọn nhẹ, trang trọng được nhiều bậc phụ huynh và học sinh, thầy cô hưởng ứng. Một quyết tâm cao trong toàn hệ thống đã giúp các con có một lễ khai giảng ngắn gọn nhưng không mất đi ý nghĩa trong suốt năm học và đặc biệt là ấn tượng sâu sắc của các con lớp đầu cấp.

Thế nhưng, sau tiếng trống khai trường, hàng loạt nỗi lo cũ lại hiện hữu trong tâm trí của nhiều bậc phụ huynh đó là tình trạng lạm thu, là việc dạy thêm học thêm tràn lan và việc nhận xét, chấm điểm cho học sinh (đặc biệt là cấp tiểu học) sao cho phù hợp, công tác đổi mới giáo dục liên tục được thực hiện khiến nhiều người bất an vì mãi chưa tìm ra mô hình chuẩn phù hợp với nước mình… Phụ huynh mong muốn rằng, cũng như việc cải tiến lễ khai giảng, mọi tồn tại lâu nay sẽ được ngành giáo dục rốt ráo khắc phục.

Về dạy thêm, học thêm, nhiều địa phương đã có nhiều cuộc họp, đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này… nhưng xem ra vẫn còn khá gian nan.

Có ý kiến nói rằng, nếu dạy thêm học thêm một cách tự nguyện thì không thể cấm được. Đúng là nếu phụ huynh, học sinh có nhu cầu học thêm thì không thể cấm các thầy cô dạy thêm được. Nhưng thực tế, ranh giới giữa tự nguyện và “ép buộc” rất mong manh. Với những học sinh khá, giỏi, xuất sắc có thể chương trình học chính khóa không đáp ứng được mong muốn học tập và trình độ của các em nên các em có nhu cầu học thêm là chính đáng. Nhưng cũng cần nhìn nhận tình huống, thầy cô “ém” giáo án, không dạy hết chương trình cho học sinh. Nếu các em không học thêm thì không thể làm được các bài thi ở lớp. Những trường hợp như vậy thì đáng bị lên án và cần cấm. Nhưng ai sẽ là người kiểm soát được vấn đề này mới là quan trọng?

Thêm nữa, khi các thầy cô không dạy thêm ở trường thì lại dạy thêm ở các trung tâm hoặc nhà riêng. Đó là chưa kể, không ít những trung tâm này lại là “sân sau” của các cơ quan quản lý giáo dục?!

Còn chuyện lạm thu đầu năm học dường như là câu chuyện nói mãi chưa có hồi kết. Các khoản thu “núp” bóng nhiều “danh nghĩa” khiến phụ huynh không nộp không được. Nhiều khoản thu quá vô lý nhưng phụ huynh không dám lên tiếng vì sợ con em mình bị “đì” khi đến lớp. Và thực tế đã có những em học sinh chịu sự ghẻ lạnh của bạn bè, thầy cô chỉ vì cha mẹ các em đã lên tiếng vì những bất hợp lý trong công tác thu chi của nhà trường. Quan trọng nhất là báo chí lên tiếng nhiều nhưng khi cơ quan quản lý vào cuộc thì không phát hiện ra đơn vị, cá nhân nào vi phạm. Điều đó cũng có nghĩa là không có ai bị xử lý hay phải chịu trách nhiệm về tình trạng lạm thu.

Còn việc nhận xét, chấm điểm học sinh tiểu học theo Thông tư 30 là chủ đề gây nhiều tranh cãi 2 năm qua. Thầy cô thì kêu mệt với cả chồng sổ sách, giấy tờ, quá tải với việc nhận xét hàng ngày và cuối năm cho học sinh. Phụ huynh thì không biết con mình đang học tập ở mức độ nào để nắm bắt, kèm cặp thêm. Chưa kể, đến cuối năm, vì cách hiểu Thông tư chưa thông suốt, nhất quán nên mỗi trường, mỗi địa phương áp dụng một chuẩn khen thưởng, đánh giá học sinh gây nhiều tranh cãi trong cả học sinh, phụ huynh và cả giáo viên.

Và mô hình dạy học VNEN hay kỳ thi THPT quốc gia… sẽ ra sao? Từ bây giờ, những người làm cha mẹ và học sinh lại bắt đầu một hành trình vừa lo lắng, vừa hy vọng./.

 

Theo VOV
 

.