Hà Nội cấm phương tiện cá nhân: cần nhìn "miếng cơm manh áo" người dân

Thứ Tư, 21/09/2016, 09:31 [GMT+7]

Đề án cấm phương tiện cá nhân ngoại tỉnh bắt đầu từ năm 2020 mặc dù mới đang xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học nhưng có rất nhiều ý kiến khác nhau.
 
Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội mới đây cho biết đang xin ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, các hội nghề nghiệp… để xây dựng đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đề án đưa ra lộ trình 3 giai đoạn nhằm hạn chế tiến dần đến cấm đối với phương tiện cá nhân trên một số tuyến trục chính và một số khu vực trong vành đai 3.
 

1
Các phương tiện cá nhân gia tăng mạnh so với phát triển hạ tầng giao thông khu vực trung tâm thành phố.

 

Ngay lập tức thông tin này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, nhất là đối với những người ngoại tỉnh làm việc ở Hà Nội. Đa số ý kiến cho rằng việc làm này là gây khó dễ, thiếu công bằng. Vì không phải ai cũng có điều kiện để đổi đăng ký xe từ tỉnh ngoài về Hà Nội ngay cả khi việc cấp đổi biển số là hoàn toàn miễn phí.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nếu Hà Nội chuẩn bị kỹ lưỡng khoa học tính tới cả những yếu tố xã hội như tập quán cộng đồng,… thì vì việc cấm phương tiện cá nhân vẫn có thể thành công bởi thực tế nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đã làm rất tốt việc cấm phương tiện cá nhân này.

Cần cấm phương tiện cá nhân từ 10 năm trước

Trao đổi với phóng VOV.VN về việc triển khai đề án này có khả thi và đem lại hiệu quả chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội hay không? Dưới góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Hoàng Linh, nguyên Giám đốc Sở GT –VT Hà Nội cho rằng đề án này nên triển khai thực hiện sớm hơn từ 10 năm. Tôi cho rằng đây là một đề án mạnh dạn của thành phố: “Nếu phát triển xe buýt rồi sau đó mới cấm xe máy thì rất khó vì xe buýt cần có đường đi nếu xe máy giàn đầy đường thì xe buýt đi vào đâu. Bây giờ cần phải thực hiện song song hai việc hạn chế phương tiện cá nhân và phát triển xe buýt thì xe buýt mới có đường đi. Cứ như hiện nay muốn tăng thêm xe buýt thì cũng khó vì đường kẹt cứng”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, ở những nước không phát triển xe máy tham gia giao thông mới có thể phát triển được vận tải công cộng. Có nhiều giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân (ô tô và xe máy cá nhân) nhưng để thành công thì giải pháp cưỡng bức là quan trọng. Ví dụ như đánh thuế cao và quy định từ vành đai mấy trở vào trung tâm thì chủ phương tiện phải đóng phí không dừng (thu phí điện tử) các nước đều đi theo hướng này. Nhiều chủ phương tiện cá nhân sẽ không muốn vào nữa vì đánh vào kinh tế nên có muốn vào thì họ phải tìm phương tiện khác.

Cấm phải đảm bảo yếu tố thực tiễn

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng: Chủ trương đưa phương tiện vận tải công cộng thay thế các phương tiện cá nhân là việc cần thiết phải làm. Tuy nhiên, cách làm thế nào cần phải nghiên cứu trực tiếp và thực tiễn. Nó phải đảm bảo các yếu tố thực tiễn hợp với tình hình của nhân dân đang sử dụng các phương tiện cá nhân thế nào và cách thức thay thế. Tức là phát triển vận tải hành khách công cộng trước hay loại phương tiện cá nhân để có cơ hội phát triển vận tải hành khách công cộng. Đây là vấn đề cần phải suy nghĩ.

Tiến sĩ Tạo phân tích, nếu Thành phố làm theo hướng phát triển phương tiện công cộng trước sẽ có ưu thế hơn so với phương tiện cá nhân để nhân dân tự động chuyển đổi sang hình thức vận chuyển công cộng như thế sẽ êm thuận và không gây xáo trộn, ảnh hưởng kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, cách làm thế nào thì cần nghiên cứu thật khoa học thì mới làm được thành công. “Người dân luôn có sự lựa chọn phương tiện, hình thức giao thông thuận tiện và hiệu quả hơn. Vì thế tôi cho rằng, nếu xe buýt thuận tiện hơn các phương tiện khác hay tàu điện ngầm, tàu đường sắt trên cao mà thuận lợi đi lại thì người dân ngay lập tức lựa chọn”.

Theo ông Tạo, triển khai đề án cần đầu tư khoa học, không chỉ nghĩ đến một chiều mang tính giáo điều áp đặt thì không có hiệu quả mong muốn mà khi đó lại mang đến “chấn động” xã hội những ý kiến trái chiều.

Phải nhìn nhận thực tại rằng,  phương tiện xe máy là “miếng cơm manh áo” của rất nhiều người dân, gia đình.Vấn đề quan trọng là phải giải quyết trước được đời sống của những con người đang kiếm sống bằng xe máy nếu không giải quyết được điều đó thì có cấm người ta vẫn cứ đi.
 

1
Chất lượng xe buýt và mạng lưới xe buýt khó có thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

 

Về chủ trương xử lý các phương tiện cá nhân trong các trung tâm “nõn” của thành phố, ông Khương Kim Tạo cho rằng đây là chủ trương rất tốt. Tuy nhiên, cấm tuyệt đối không cho xe nào đi vào có những mặt không tiện lợi. Vì người dân còn có những nhu cầu sửa chữa xây dựng nhà cửa, vận chuyển đồ đạc thì cần phải có phương tiện.

Theo ông Tạo, những người dân sinh sống ở trung tâm “nõn” sẽ bị thiệt thòi do không còn cơ hội để buôn bán hàng hóa cồng kềnh…  Nhưng việc “siết” ở trung tâm sẽ đẩy quá trình kinh doanh hàng hóa giãn ra ngoài giúp cho những người bên ngoài có cơ hội phát triển hơn và như thế vừa có thể giải quyết bài toán văn minh đô thị và ùn tắc giao thông.

“Còn nếu cứ phát triển tràn lan như hiện nay thì không bao giờ có thể giải quyết được ùn tắc giao thông khi mà dân số, cường độ đi lại của nhân dân hàng ngày tăng vùn vụt so với phát triển hạ tầng thì dù có thay đổi hình thức vận tải bổ xung thêm phương tiện tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, xe buýt… đều vô vọng không giải quyết được ùn tắc”. Tiến sĩ Khương Kim Tạo nói./.

 

Theo VOV
 

.