Ứng phó bão số 3: Kiên quyết sơ tán dân những vùng nguy hiểm
Bão số 3 đang đi rất nhanh với cường độ lớn, các địa phương phải khẩn trương sơ tán toàn bộ người dân ở những vùng nguy hiểm.
Tiếp tục cập nhật diễn biến và triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 3, sáng nay (19/8), tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp với các thành viên Ban chỉ đạo.
Tại cuộc họp, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Xuân Cường, chỉ rõ bão số 3 đang đi rất nhanh với cường độ lớn, các địa phương phải khẩn trương sơ tán toàn bộ người dân ở những vùng nguy hiểm ngoài đê biển chính, vùng mất an toàn trước thời điểm bão đổ bộ; nhất là một số khu vực ven biển ở các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa hiện vẫn còn người dân chưa được di dời.
Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp |
Bên cạnh việc tích cực tiêu nước đệm đón mưa của hoàn lưu bão số 3 tại các tỉnh trọng điểm gồm: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, các địa phương từ Nghệ An trở ra phía Bắc giám sát chặt chẽ các hồ, đập xung yếu, đã tích đầy nước; cử người ứng trực, thường xuyên thông báo diễn biến mưa lũ để kịp thời huy động lực lượng ứng phó sự cố khi xảy ra.
Ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, quan trọng nhất hiện nay là việc thông tin diễn biến của bão đến chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia liên tục cập nhật diễn biến bão, cũng như tham chiếu dự báo của quốc tế để cung cấp các bản tin chính xác phục vụ công tác chỉ đạo và ứng phó bão của các địa phương, lực lượng và cơ quan truyền thông. Bộ đội biên phòng tiếp tục phối hợp địa phương tổng rà soát lại tàu, thuyền sơ tán dân vùng nguy hiểm. Hiện nay, đã xác định phạm vi bão đổ bộ và trọng điểm những vùng có nguy cơ cao, vì vậy cần tập trung lực lượng sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố.
Ứng phó với bão số 3, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã huy động hơn 183.000 lượt cán bộ, chiến sĩ; 4 máy bay trực thăng; 107 tàu và 357 xuồng các loại cùng hơn 1 nghìn 200 xe ô tô phục vụ sơ tán dân, ứng trực trực tại các điểm xung yếu.
Người dân chằng chống nhà cửa (Ảnh: CTV Nguyễn Hải) |
Đại tá Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị, các địa phương cần thông tin kịp thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn và quân đội đứng chân trên địa bàn trong ứng phó với bão.
Tính đến 17 giờ chiều qua (18/8), các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã sơ tán 37.643 người dân ở đầm, chòi canh, nhà xung yếu đến nơi an toàn. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phối hợp với các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 38.539 phương tiện, lồng bè, chòi canh với khoảng 129.000 người biết diễn biến bão số 3. Hiện đã có 34 nghìn 236 phương tiện đã neo đậu tại bến.
** Người và phương tiện đã vào nơi trú ẩn an toàn
Đến cuối giờ sáng nay, hầu hết các ngư dân, tàu bè, tại hai tỉnh Nam Định, Thái Bình đã vào bờ trú ẩn an toàn.
Tại Nam Định, 8h sáng nay, tất cả các ngư dân, người nuôi trồng thủy sản, trông coi lồng bè đã vào bờ an toàn. Tỉnh Nam Định đã di dời hơn 2.000 hộ dân sống ở ven sông, cửa biển với khoảng 5.500 người vào nơi trú ngụ an toàn; tăng cường lực lượng, phương tiện máy móc gia cố các điểm đê xung yếu tại các huyện ven biển, đặc biệt là khu vực huyện Nghĩa Hưng.
Đại tá Hoàng Văn Tiễn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Nam Định cho biết: “Đến giờ phút này, bà con trên địa bàn đã vào nơi tránh trú an toàn, người và phương tiện làm ăn trên biển đã vào bờ. Hiện nay chúng tôi đang đi kiểm tra, đôn đốc gia cố đê kè. Các lực lượng ở địa phương đã sẵn sàng phương châm bốn tại chỗ để phòng chống bão. Riêng bộ đội biên phòng thành lập 3 đoàn đi về ba hướng trọng điểm là Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu”.
Trước đó, trong cơn bão số 1 Nam Định là địa phương chịu thiệt hại nặng nề khi có 8 người bị thương. Tổng thiệt hại toàn tỉnh trên 3.100 tỷ đồng, 75.900ha trong tổng số 77.800ha lúa mùa của tỉnh bị ngập và trên 3.400ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng...
Thuyền của ngư dân được đưa lên cao (Ảnh: CTV Nguyễn Hải) |
** Đến 9 giờ sáng nay, huyện Thái Thụy (Thái Bình) có 553 tàu, thuyền với 1.726 lao động tất cả đã về nơi neo đậu, tránh trú an toàn. Cùng với kêu gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn, huyện Thái Thụy cũng đang tập trung vào công tác sơ tán, di dời nốt những hộ dân còn trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Đặc biệt là rà soát những lao động đang ở các chòi canh ngao ngoài vùng bãi triều và lều trông coi thủy sản ngoài đê biển vào nơi an toàn khi có bão đổ bộ vào.
Hiện nay, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí sắp xếp tàu, thuyền tại khu neo đậu, tránh va đập gây vỡ và chìm tàu; kiên quyết không được để người ở lại trên tàu, thuyền tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào.
Thực hiện phương án di dời nhân dân đến nơi an toàn, đặc biệt các lao động trên các chòi canh coi ngao, lều đầm ngoài đê, lao động khai thác, nuôi trồng và nhân dân sinh sống ngoài đê chính, sống trong các nhà yếu; tổ chức lực lượng canh gác bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự ở những khu neo đậu, khu du lịch và các dự án trọng điểmng khu vực.
Đặc biệt, một chiếc tàu nước ngoài có 10 người, bị mắc cạn tại khu vực biển huyện Thái Thụy sau cơn bão số 1, cách bờ khoảng 3 hải lý trong điều kiện mưa to, sóng lớn đã được chính quyền tỉnh Thái Bình giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi đưa thuyền viên vào bờ tránh trú bão an toàn cuối giờ chiều qua (18/8).
Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đề nghị, các cơ quan chức năng như Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ngoài việc làm thủ tục cần thiết cho đoàn, cần có phương án bảo vệ an toàn và quản lý các thuyền viên chặt chẽ, bố trí chỗ ăn nghỉ một cách tốt nhất theo đúng tinh thần nhân đạo của Việt Nam cũng như quốc tế./.
Theo VOV