UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Điện Biên TV - Trang Thông tin Điện tử, Đài PT - TH tỉnh đăng tải Báo cáo Số 148/BC-UBND của UBND tỉnh Điện Biên về việc Trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 16; một số tồn tại cần tiếp tục được giải quyết tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XIII. Báo cáo này được Thường trực UBND tỉnh báo cáo tại Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
UBND tỉnh nhận được Văn bản số 252/BC-HĐND ngày 03/12/2015 của HĐND tỉnh về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 16 - HĐND tỉnh khóa XIII; Văn bản số 12/HĐND-VP ngày 19/01/2016 của HĐND tỉnh về tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 16 - HĐND tỉnh khóa XIII. UBND tỉnh đã giao các Sở, ngành, các địa phương xem xét thực hiện và trả lời các kiến nghị của cử tri; UBND tỉnh tổng hợp báo cáo trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 16 - HĐND tỉnh khoá XIII; một số ý kiến, kiến nghị tại kỳ họp thứ 16 của cử tri do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh tổng hợp, đã trả lời và tiếp tục giải quyết, cụ thể như sau:
A. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp
I. Ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 16
1. Cử tri thành phố Điện Biên Phủ
1.1 Cử tri phường Thanh Bình:
- Dự án kè công viên ven sông Nậm Rốm được đầu tư từ năm 2003, đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đề nghị UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành phục vụ nhân dân.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:
Dự án kè và đập công viên ven sông Nậm Rốm đã hoàn thành công tác xây dựng từ Quý III năm 2015 và bàn giao cho UBND thành phố để khai thác sử dụng từng phần, riêng phần Đập mặc dù đã thi công xong phần xây lắp, tuy nhiên để vận hành đập dâng nước sông Nậm Rốm cần phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng vùng ngập lòng hồ. Hiện nay, Quy trình vận hành hồ chứa công viên ven sông Nậm Rốm đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 05/QĐ-UBND ngày 05/01/2016, Chủ đầu tư (Sở Xây dựng) cũng đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành công tác thỏa thuận gianh giới vùng ảnh hưởng ngập phía thượng lưu cầu Thanh Bình khi vận hành đập, làm cơ sở xây dựng phương án, tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng, dự kiến trong Quý IV năm 2016 sẽ đưa vào khai thác sử dụng.
- Đề nghị UBND tỉnh đề ra chỉ tiêu trong việc hoàn thành các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên phạm vi toàn tỉnh.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:
Ngày 07/3/2016, UBND tỉnh - Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đã ban hành văn bản số 535/BCĐNTM-VP về việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2016, theo đó mục tiêu năm 2016 là giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí đối với 01 đơn vị cấp xã đã hoàn thành 19 tiêu chí năm 2015 (xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên); phấn đấu có thêm 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Noọng Hẹt, Thanh Hưng, Thanh Xương, Thanh Luông (huyện Điện Biên); Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng), Lay Nưa (TX. Mường Lay); Thanh Minh (TP.Điện Biên Phủ). Nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM năm 2016 là 08 xã và 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (thị xã Mường Lay).
Giai đoạn 2016-2020 phấn đấu toàn tỉnh có 35 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới bao gồm: huyện Điện Biên 15 xã, huyện Tuần Giáo 03 xã, huyện Mường Ảng 03 xã, Mường Chà 03 xã, huyện Nậm Pồ 03 xã, huyện Mường Nhé 03 xã, huyện Điện Biên Đông 01 xã, huyện Tủa Chùa 01 xã, thành phố Điện Biên Phủ 02 xã, thị xã Mường Lay 01 xã.
Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri |
1.2 Cử tri xã Tà Lèng: Dự án xử lý rác thải đã có quyết định thu hồi đất được 3 năm, đến nay chưa triển khai xây dựng. Đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và môi trường cho nhân dân biết dự án có tiếp tục thực hiện không, bao giờ thực hiện để nhân dân có kế hoạch sản xuất, ổn định đời sống.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:
Về thu hồi đất, giao đất: Dự án được UBND tỉnh thu hồi và giao đất cho Sở Tài nguyên và Môi trường để đầu tư xây dựng công trình: Cải tạo, xử lý triệt để ô nhiễm bãi chôn lấp rác thải Noong Bua thành phố Điện Biên Phủ tại địa bàn xã Tà Lèng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên tại Quyết định số 397/QĐ-UBND ngày 21/5/2015. Do đó không phải đã có quyết định thu hồi đất được 3 năm như cử tri đã nêu.
Đến nay, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng tại Quyết định số 316/QĐ-UBND ngày 18/3/2016 và phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu để triển khai thực hiện dự án tại Quyết định 617/QĐ-UBND. Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện các bước lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án theo Luật Đấu thầu và theo Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được UBND tỉnh phê duyệt. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào Quý III năm 2016, phấn đấu trong năm 2017 sẽ hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm bãi chôn lấp rác thải Noong Bua và cuối năm 2018 sẽ đóng cửa bãi chôn lấp này.
1.3 Cử tri phường Him Lam:
- Quy hoạch khu liên hợp thể thao đã kéo dài nhiều năm, đến nay mọi quyền lợi của người dân như: làm bìa đỏ, tách hộ cho con, xây nhà... không được thực hiện, môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh cho biết dự án có triển khai nữa hay không? Nhà dân đổ, hư hỏng, sửa chữa lại có được nhà nước hỗ trợ không?
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:
Đối với các kiến nghị liên quan đến công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình Trung tâm thể dục thể thao: việc xây dựng nhà ở, tiêu thoát nước đảm bảo vệ sinh môi trường; làm các thủ tục về đất trong khu vực quy hoạch liên quan đến dự án như kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh trả lời tại các báo cáo: Số 342/BC-UBND ngày 08/12/2014 về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 13 - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII; số 391/BC-UBND ngày 04/12/2015 về việc kết quả thực hiện trả lời các ý kiến kiến nghị của cử tri do HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp trước và sau kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIII. Các nội dung này đang được UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện để đảm bảo các kiến nghị của cử tri được xử lý dứt điểm; yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tổng hợp báo cáo cụ thể kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo về UBND tỉnh trước ngày 30/8/2016 để thông báo cho cử tri được biết.
Đối với nội dung kiến nghị, một số nhà dân đổ, hư hỏng trong khuôn viên đất quy hoạch cho công trình, sửa chữa lại có được nhà nước hỗ trợ không: Nội dung này UBND tỉnh giao UBND thành phố cơ quan quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn rà soát lại toàn bộ các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh có liên quan đến kiến nghị này; trên cơ sở đó theo thẩm quyền, chức năng quản lý nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn các hộ dân thực hiện các biện pháp trước mắt để đảm bảo nơi ăn ở sinh hoạt cho người dân; đồng thời phối hợp với các Sở, ngành liên quan của tỉnh kiểm tra thực tế toàn bộ khu đất quy hoạch cho công trình để nắm bắt các nội dung liên quan và tham mưu nội dung xử lý cho UBND tỉnh. Nội dung tham mưu yêu cầu UBND thành phố Điện Biên Phủ trình UBND tỉnh trước ngày 20/8/2016.
- Trước kia nhà nước quy định hành lang bảo vệ công trình kênh thủy nông là 12,5m. Nay theo quy định mới là 5,2m. Số còn lại (7,5m) hiện nay chưa được giao cho cơ quan nào quản lý. Đề nghị UBND tỉnh xem xét giải quyết.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Tại Điều 157, Luật Đất đai năm 2013; Điều 56, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai về xây dựng các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn quy định:
- Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình; trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm công bố công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình, chịu trách nhiệm chính về việc bảo vệ an toàn công trình.
- Trường hợp hành lang bảo vệ an toàn công trình bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời báo cáo và yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hành lang bảo vệ an toàn bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép để xử lý.
- Ủy ban nhân dân các cấp nơi có công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ an toàn công trình; công bố công khai mốc giới sử dụng đất trong hành lang bảo vệ an toàn công trình; kịp thời xử lý những trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang bảo vệ an toàn công trình.
Vì vậy để quản lý, xử lý diện tích đất còn lại của hành lang bảo vệ công trình kênh Đại thuỷ nông Nậm Rốm, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Điện Biên Phủ và UBND huyện Điện Biên; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện triển khai phương án cắm mốc bảo vệ công trình thủy lợi; quản lý việc sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ của công trình và diện tích đất còn lại của hành lang bảo vệ công trình theo đúng quy định, trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
1.4 Cử tri phường Nam Thanh: Thời gian trước, hết giờ làm việc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh mở cổng chính phía trên cho người nhà vào thăm bệnh nhân nhưng hiện nay lại mở cổng phía dưới, người nhà bệnh phải đi xa hơn, nhiều người già rất bức xúc. Đề nghị Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh có biện pháp mở cửa hợp lý để tạo thuận lợi cho người dân.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Nội dung này, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế đã làm việc cụ thể với Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên, để trả lời cụ thể với cử tri. Hiện nay cổng bệnh viện là cổng theo đúng thiết kế của bệnh viện để phục vụ người bệnh và người nhà người bệnh, đồng thời đảm bảo công năng và dây chuyền hoạt động của Bệnh viện. Trên thực tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh hàng ngày có khoảng 550-600 người bệnh điều trị và 300-350 người bệnh đến khám bệnh vì vậy số lượng người ra vào bệnh viện là rất lớn, để kiểm soát tốt người ra vào khu vực điều trị, và đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong bệnh viện, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tăng cường đề cao cảnh giác, đảm bảo an ninh trật phục vụ tốt công tác khám và điều trị cho người bệnh, trong đó có BVĐK tỉnh.
Đề nghị cử tri chia sẻ với khó khăn của bệnh viện và ngành Y tế đồng thời tuyên truyền giáo dục để người bệnh cũng như người thân khi vào bệnh viện thực hiện đúng các quy định góp phần đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tự trong bệnh viện.
1.5 Cử tri phường Thanh Trường: Hiện nay các xe có tải trọng lớn tránh trạm cân xe tại địa bàn phường Thanh Trường nên đi vào các đường liên phố như đường phố 3, phố 8, chạy vòng qua khu chợ C13 ra khu nghĩa trang Tông Khao (Thanh Nưa) phá hỏng đường, mất an toàn giao thông. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở giao thông vận tải có giải pháp di chuyển trạm cân về vị trí hợp lý để khắc phục tình trạng trên.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:
Để ngăn chặn các xe có tải trọng lớn đi vào các đường liên phố thuộc Phường Thanh Trường gây hư hại hệ thống đường, mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT và Công an tỉnh phối hợp thành lập Tổ công tác liên ngành Thanh tra Giao thông và Cảnh sát Giao thông phối hợp kiểm soát hàng ngày 24/24 giờ để xử lý hành vi vi phạm, đến thời điểm hiện tại đã cơ bản ngăn chặn được tình trạng trên. Để xử lý triệt để tình trạng này, UBND tỉnh đã giao cho Sở GTVT phối hợp với Cục Quản lý đường bộ I, tiến hành khảo sát, lựa chọn một số vị trí để xây dựng địa điểm đặt Trạm cân theo đúng quy chuẩn. Cụ thể, trên Quốc lộ 12 sẽ đặt tại vị trí Km188+300 (thuộc khu vực Bản Mển xã Thanh Nưa), hiện nay Sở GTVT đang hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư, để đầu tư triển khai xây dựng.
2. Cử tri huyện Điện Biên
2.1 Cử tri xã Thanh Nưa:
- Công trình thủy lợi Nậm Khẩu Hu thi công quá chậm (đã 4 năm chưa xong), gây khó khăn và ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của nhân dân hai xã Thanh Nưa và Hua Thanh. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công trình để phục vụ sản xuất.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Công trình thủy lợi Nậm Khẩu Hu xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 705/QĐ-UBND ngày 02/7/2007; điều chỉnh bổ sung dự án đầu tư tại Quyết định số 2315/QĐ-UBND ngày 25/12/2009 và điều chỉnh thời gian thực hiện đến năm 2016 tại Quyết định số 178/QĐ-UBND ngày 21/3/2014; với mục tiêu cấp nước tưới tự chảy cho 298 ha lúa (2 vụ), tạo nguồn cấp nước tưới cho 500 ha hoa màu và cây công nghiệp của xã Thanh Nưa; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 100.000 dân lòng chảo Điện Biên; kết hợp phát điện với công suất 3,0MW; góp phần giảm lũ cho lòng chảo Mường Thanh, tạo cảnh quan môi trường. Với tổng mức đầu tư là 236 tỷ đồng, bằng nguồn vốn TPCP và nguồn vốn ngoài ngân sách để xây dựng thủy điện. Đến nay công trình đã hoàn thành GPMB khu vực đầu mối, tuyến đường thi công kết hợp quản lý, tuyến đường ống áp lực và lòng hồ, và 4/8 gói thầu xây lắp. Do khó khăn về nguồn vốn để thực hiện phương án bố trí, sắp xếp ổn định dân tái định cư hồ Nậm Khẩu Hu, nên chưa thực hiện được di chuyển dân để đắp đập chặn dòng. Nội dung này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh phương án bố trí, sắp xếp ổn định dân tái định cư hồ Nậm Khẩu Hu, để tổ chức di chuyển tái định cư cho số hộ dân ở lòng hồ để tiến hành đắp đập chặn dòng và thực hiện các hạng mục, khối lượng còn lại của dự án. Đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án bố trí sắp xếp, ổn định dân tái định cư hồ Nậm Khẩu Hu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên (QĐ số 762/QĐ-UBND ngày 08/6/2016) theo đó dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 14 tỷ đồng, gồm sử dụng nguồn vốn góp của Nhà đầu tư về thủy điện (9 tỷ đồng) và nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương (khoảng 5 tỷ đồng). Sau khi thực hiện xong dự án bố trí sắp xếp ổn định dân tái định cư hồ Nậm Khẩu Hu, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo huy động nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, dự kiến đưa vào khai thác sử dụng năm 2018.
- Công trình thủy lợi Huổi Un (Mường Pồn) đã hoàn thành, tuy nhiên chưa phát huy hết công suất do diện tích tưới tiêu không nhiều. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo có biện pháp khai thác hiệu quả công trình.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:
Công trình thủy lợi Huổi Un, xã Mường Pồn đã xây dựng hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2011; tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn để đo đạc làm cơ sở đền bù, thu hồi giải phóng mặt bằng, chia lại đất cho nhân dân và kinh phí hỗ trợ khai hoang, nên đến nay công trình cơ bản chỉ phục vụ sản xuất cho một số hộ dân bản Huổi Un. Để giải quyết vấn đề này, đồng thời có giải pháp khai thác hiệu qủa công trình thủy lợi Huổi Un, UBND tỉnh đã có một số văn bản chỉ đạo các cơ quan tham mưu phương án giải quyết những tồn tại, vướng mắc; tuy nhiên đến nay các Sở, ngành liên quan và UBND huyện Điện Biên chưa có phương án giải quyết tối ưu.
Ngày 30/5/2016, UBND tỉnh đã cùng Sở Nông nghiệp và PTNT đi kiểm tra thực địa để xem xét hướng tháo gỡ, theo đó đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, mời gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức liên kết với các hộ dân để triển khai đầu tư các dự án về trồng trọt và chăn nuôi.
- Đề nghị Sở Giao thông vận tải: Làm lại hệ thống tiêu thoát nước dọc quốc lộ 12, đoạn từ trụ sở xã Thanh Nưa tới kênh hữu Nậm Rốm (mùa mưa bị ngập úng thường xuyên).
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải đề xuất với Tổng cục đường bộ Việt nam bố trí vốn để sửa chữa đột xuất xử lý điểm đen về tai nạn giao thông trên QL.12 đoạn ngã ba cầu A1 đến ngã ba bản Phủ và gia cố rãnh dọc thoát nước qua trụ sở xã Thanh Nưa; công tác sửa chữa sẽ được tiến hành, sau khi được Tổng cục đường bộ Việt nam cho phép đầu tư và bố trí nguồn vốn thực hiện. Trước mắt, Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị bảo trì đường bộ thực hiện tốt công tác sửa chữa thường xuyên và nạo vét rãnh dọc tại đoạn đường này, để khắc phục tạm thời tình trạng ngập úng.
- Kiến nghị với Điện lực tỉnh:
+ Điện sinh hoạt khu vực Hua Na, Bản On hiện nay xuống cấp, điện rất yếu không đảm bảo điện cho sinh hoạt và sản xuất. Đề nghị có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:
Công ty điện lực Điện Biên đã lập phương án, kế hoạch đầu tư cải tạo nâng cấp chống quá tải khu vực xã Thanh Nưa trong đó có bản Hua Na, Bản On trình Tổng công ty điện lực Miền Bắc phê duyệt, đến thời điểm hiện tại đã triển khai thực hiện xong.
+ Kiểm tra lại việc tổ dịch vụ sửa chữa điện lấy giá không thống nhất, quá cao (thay 01 cầu chì thu 100.000 đồng).
UBND tỉnh trả lời như sau:
Nội dung kiến nghị này không có địa chỉ của người kiến nghị. Tuy nhiên tiếp thu kiến nghị của cử tri, Điện Lực Điện Biên đã phối hợp với UBND xã Thanh Nưa xác minh làm rõ tại biên bản làm việc ngày 25/01/2016. Công ty điện lực Điện Biên đã chỉ đạo quán triệt đến các tổ đội trực thuộc nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của công ty về công tác dịch vụ khách hàng, đặc biệt coi trọng kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm theo đúng quy định của ngành.
- Hiện nay, chưa có chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với các cháu nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách hỗ trợ.
Nội dung này, UBND tỉnh xin tiếp thu kiến nghị của cử tri và sẽ xem xét, tổng hợp, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ trong thời gian tới.
2.3 Cử tri xã Na Ư: Đề nghị Sở Công thương xem xét, điều chỉnh lại giờ nổ mìn của công ty Hoàng Anh (hiện nay giờ nổ mìn trong ngày được chia làm 4 đợt. Đợt 1:8h30 phút đến 10h, Đợt 2:11h30 đến 13h; Đợt 3:14h30 đến 15h; Đợt 4: từ 17h đến 18h); giờ nổ mìn liên tục, không đảm bảo an toàn cho các hộ dân khi sản xuất và sinh hoạt.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:
Ngày 25/12/2015, Sở Công Thương đã thẩm định và cấp lại Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho Công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Hoàng Anh. Theo đó, Công ty đã được cấp Giấy phép số 64/2015/GP-SCT ngày 25/12/2015 (trong đó, đã điều chỉnh lại thời gian nổ mìn trong ngày được chia làm 2 đợt: Buổi sáng từ 11h30 đến 13h30; Buổi chiều từ 16h30 đến 18h30). Hiện tại, Công ty đã tổ chức sản xuất theo giờ nổ mìn như trên, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với công suất thiết kế đã được phê duyệt và không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, sinh hoạt của dân cư trong vùng.
2.4 Cử tri xã Phu Luông: Tuyến xe khách từ Điện Biên vào Mường Lói, Phu Luông mặc dù đã niêm yết giá vé 60.000đ/lượt, tuy nhiên nhà xe vẫn thu của nhân dân là 100.000đ/lượt. Đề nghị Sở giao thông vận tải xử lý các đơn vị vận tải tự nâng giá vé, chấn chỉnh, thực hiện thu giá vé đúng qui định.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:
Sở Giao thông vận tải đã tiến hành thanh tra, kiểm tra xác minh và làm việc với hợp tác xã Tân Thanh yêu cầu hợp tác xã triển khai tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức để các lái xe, nhân viên phục vụ trên tuyến Điện Biên - Mường Lói ký cam kết thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký, niêm yết trên phương tiện vận tải khách. Hiện nay tình trạng tự ý thu vé cao hơn giá đã niêm yết đã được khắc phục. Đề nghị hành khách đi lại trên tuyến tiếp tục giám sát, nếu phát hiện vi phạm đề nghị phản ánh về Sở Giao thông vận tải để xử lý theo quy định.
2.5 Cử tri xã Thanh An: Đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng xem xét lại việc đặt nhà máy xử lý rác thải tại khu vực phía đông của xã. Nhân dân không đồng ý vì vị trí này là khu vực đầu nguồn nước sinh hoạt của 04 thôn, bản đang sinh sống và sử dụng nước suối, nước giếng từ đầu nguồn này; khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:
Việc thỏa thuận lựa chọn vị trí địa điểm xây dựng Nhà máy xử lý rác tại bản Ten Luống, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên căn cứ vào các Tiêu chuẩn, quy định của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch sử dụng đất đã phê duyệt của địa phương trên cơ sở đánh giá sự phù hợp về địa hình, địa chất, đảm bảo giảm thiểu tối đa các tác động xấu tới môi trường và nhân dân. Mặt khác để triển khai dự án đầu tư xây dựng một Nhà máy xử lý rác thải phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về lựa chọn công nghệ, các yêu cầu về bảo vệ môi trường như: Có các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý, chất thải đáp ứng yêu cầu; có hệ thống thiết bị, công nghệ xử lý đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; có chương trình quản lý và giám sát môi trường và phải được cơ quản có thẩm quyền xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường trước khi chính thức hoạt động. Vì vậy yêu cầu huyện Điện Biên tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vân động nhân dân ủng hộ chủ trương, chính sách xây dựng nhà máy xử lý rác của tỉnh.
Để giải quyết kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính và UBND huyện Điện Biên tổ chức đoàn công tác đi khảo sát, nghiên cứu dây truyền công nghệ xử lý rác thải bằng phương pháp sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại tỉnh Yên Bái, công nghệ xử lý rác thải theo phương pháp nhiệt lưu đa điểm (lò đốt) tại Hưng Yên. Qua đó, đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án, lấy ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan; có báo cáo đánh giá tổng hợp, lựa chọn phương án khả thi, tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy, trước khi xem xét, quyết định.
2.6 Cử tri các xã: Noong Luống, Thanh Nưa, Nà Tấu: Hiện nay, chi hội trưởng Hội Người cao tuổi ở thôn, bản, tổ dân phố chưa có chế độ phụ cấp. Đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng này.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau:
Việc thực hiện chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên, dựa trên cơ sở các quy định của hiện hành của Nhà nước và mức khoán quỹ phụ cấp của ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, mức khoán quỹ phụ cấp của ngân sách trung ương cho tỉnh Điện Biên còn hạn chế, bên cạnh đó ngân sách tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách Trung ương khoán cho tỉnh nên chưa có khả năng hỗ trợ các đối tượng theo kiến nghị của cử tri. Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ tiếp tục báo cáo, đề xuất kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương bổ sung nguồn mức khoán quỹ phụ cấp của ngân sách Trung ương cho tỉnh để thực hiện chế độ phụ cấp cho các chức danh không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố. Ngoài ra, khi bố trí những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố cần phải căn cứ vào nhu cầu thực tế, sự cần thiết của công việc để bố trí cho phù hợp, có thể bố trí kiêm nhiệm trên cơ sở khuyến khích người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác.
(Còn nữa)
BBT