Trục lợi nhà ở xã hội: Cần nhìn lại chính sách nhà ở

Thứ Năm, 18/08/2016, 07:30 [GMT+7]

Nhu cầu quá cao trong khi nguồn cung khan hiếm, nhiều đối tượng đã lợi dụng để trục lợi, đẩy rủi ro, thiệt hại cho những người cần nhà ở.
 
Trong những năm qua, chính sách nhà ở xã hội đã tạo điều kiện về chỗ ở cho hàng vạn người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp ở các đô thị. Tuy nhiên, nhu cầu quá cao trong khi nguồn cung khan hiếm, nên nhiều đối tượng đã lợi dụng nhà ở xã hội để trục lợi, đẩy rủi ro, thiệt hại cho chính những người thu nhập thấp đang cần nhà ở.
 

1
Nhà ở xã hội khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội.

 

Thực tế này đòi hỏi cần nhìn lại việc triển khai, thực hiện chính sách nhà ở, nhất là công tác xét duyệt danh sách mua nhà, thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng cũng như giải bài toán đẩy nhanh nguồn cung nhà giá rẻ, nhà cho thuê phục vụ nhu cầu bức thiết về nhà ở.

Để mua được nhà ở xã hội, nhiều người thu nhập thấp đã bất chấp rủi ro về pháp lý khi mua lại những căn hộ chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, thậm chí bị lừa, mất hàng trăm triệu đồng. Nhiều người mua nhà tại dự án nhà ở xã hội Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã phản ánh về hiện tượng 2 đơn vị có liên quan đến dự án này cùng bán một căn hộ cho nhiều người, hoặc bán cả những căn nhà ở xã hội chỉ để cho thuê; nhiều môi giới, sàn giao dịch tham gia “ăn tiền chênh lệch”...

Gần 100 người đã bỏ ra số tiền 200-300 triệu đồng/người để mua nhà, có hợp đồng góp vốn với một công ty, tổng số tiền góp vốn lên đến gần 20 tỷ đồng, nhưng cuối cùng họ lại “trắng tay”, tiền mất còn nhà không mua được.

Một người dân đang trong cảnh này cho biết, đã mất 80 triệu đồng cho môi giới, 20% giá trị căn hộ tương đương hơn 200 triệu đồng, sau gần 1 năm mới “ngã ngửa” khi biết căn hộ mình mua tại dự án nhà ở xã hội Đại Kim thuộc diện cho thuê: “Trong danh sách 90 người thì có những người đã góp vốn từ năm 2011. Theo hợp đồng thì vẫn cam kết có thể vay được gói 30 nghìn tỷ nên mọi người mới tập trung vào mua, vì thực tế người mua những căn hộ đấy đều thuộc diện thu nhập thấp và không đủ điều kiện để mua trọn gói”.

Bằng mọi giá, tìm mọi cách để mua được nhà ở xã hội là tâm lý chung của không ít người thu nhập thấp hiện nay. Do cần mua nhà có giá phù hợp túi tiền nhưng không thể “bon chen” vào danh sách được mua, nên cứ ở đâu “mách” là họ tìm đến, thậm chí không ít người chấp nhận bỏ cả trăm triệu đồng qua môi giới để có cơ hội mua nhà:

 “Tôi cũng tìm hiểu thông tin trên mạng thấy họ rao bán rất nhiều căn nhà ở xã hội mà họ đang có. Cũng biết là rủi ro, nhưng với số tiền chúng tôi đang có thì không mua được nhà ở thương mại, mà các dự án nhà ở xã hội thì lại rất ít nên cũng phải chấp nhận”

“Sắp tới cần có thêm nhiều dự án nhà ở xã hội hơn nữa để những người thu nhập thấp như tôi và gia đình có thể mua hoặc thuê cho phù hợp với hoàn cảnh, chứ không thì cứ phải mua đi bán lại thế này rất là rủi ro”.

Trên thực tế, nhu cầu về nhà ở có mức giá rẻ, được vay vốn ưu đãi rất lớn, nhưng nguồn cung lại ít nên mới có tình trạng người thì lợi dụng chính sách để kiếm lời, người vì mong giải quyết nhu cầu nhà ở trước mắt mà cuối cùng phải chịu thiệt. Trong khi đó, việc điều tra, xử lý các trường hợp sai phạm, sai đối tượng của các cơ quan chức năng còn khoảng trống khá lớn. Kết quả kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước về Chương trình nhà ở xã hội cho thấy, tại thành phố Hồ Chí Minh có 16,7% và Đà Nẵng có 35,5% căn hộ nhà ở xã hội được kiểm tra đang sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước chưa phát hiện, xử lý được những sai sót trong việc xác định đối tượng mua nhà của chủ đầu tư và việc sử dụng căn hộ nhà ở xã hội, dẫn đến nhiều trường hợp sử dụng sai mục đích, đối tượng nhưng chưa bị xử lý. Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, cần thay đổi cách làm hiện nay là giao toàn quyền xét duyệt hồ sơ cho chủ đầu tư, dễ tạo điều kiện cho việc sai đối tượng ngay từ đầu. Đồng thời, cần nhanh chóng có giải pháp thúc đẩy phát triển chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo đô thị.

Ông Trần Như Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô nhận định: “Chúng ta cũng cần xem xét lại chương trình nhà ở, không nên đặt tên là nhà ở xã hội nữa, vì qua hiện tượng này thể hiện mặt trái của thị trường, người cần nhà ở phân khúc 700 triệu – 1 tỷ đồng nhiều quá.

Người ta đi tìm những căn hộ tầm 700 triệu, có thể người ta cũng hiểu làm việc này là sai trái, nhưng không biết mua ở đâu nữa nên chấp nhận mua khi hồ sơ giấy tờ không được chuẩn. Tôi nghĩ là vì sao chúng ta không đặt câu hỏi là tại sao không cung cấp nhiều sản phẩm loại như thế cho thị trường”

Hiện Bộ Xây dựng đã soạn thảo đề án quản lý thị trường bất động sản và chuẩn bị báo cáo Chính phủ. Trong đó nêu rõ 6 giải pháp nhằm kiểm soát tốt hơn thị trường bất động sản, nhấn mạnh giải pháp thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, có cơ chế khuyến khích nhà ở xã hội, tăng cường phát triển nhà ở xã hội nhằm khắc phục lệch pha cung – cầu.

Theo Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, trong vấn đề phát triển nhà ở, nước ta đang đi ngược với thế giới vì chưa phát triển được loại nhà cho thuê: “Theo Chiến lược phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, đến thời điểm hiện nay đãcần có 10 triệu đồng m2 nhà ở xã hội, nhưng thực tế mới đáp ứng được khoảng 3 triệu đồng m2. Như vậy là còn thiếu rất nhiều nhà ở cho phục vụ cho đại đa số người dân có thu nhập trung bình hoặc trung bình thấp và nghèo. Thông thường, đối với các nước, nhà ở cho thuê trong tổng lượng nhà ở chiếm khoảng 60-65%. Trong khi ở Việt Nam, đối tượng cần nhà ở cho thuê rất nhiều nhưng nguồn cung thì rất ít”

Trong khi tiếp tục chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý các hành vi trục lợi từ nhà ở xã hội cũng như có giải pháp để tăng nhanh nguồn cung nhà ở phục vụ người thu nhập thấp, các chuyên gia và luật sư khuyến cáo, người dân trước khi giao dịch, mua bán nhà ở xã hội cần tìm hiểu kỹ pháp lý để tránh rủi ro sau này. Nếu vì lo chỗ ở trước mắt mà vội vàng không tìm hiểu, hoặc biết sai quy định nhưng vẫn chấp nhận mua nhà, thì vô tình chính người dân đã tạo điều kiện cho các hành vi trục lợi từ nhà ở xã hội./.

 

Theo VOV
 

.