Trồng rừng "kế hoạch"

Thứ Sáu, 26/08/2016, 16:05 [GMT+7]

Điện Biên TV - Rừng phòng hộ là loại rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu góp phần bảo vệ môi trường. Trong đó rừng phòng hộ đầu nguồn được xác lập nhằm tăng cường khả năng điều tiết nguồn nước của các dòng chảy, hồ chứa nước đề hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn, bảo vệ đất trống bồi lấp các lòng sông, lòng hồ. Tỉnh Điện Biên hiện có trên 240 nghìn ha đất có rừng nằm trong vùng phòng hộ đầu nguồn sông Đà đủ điều kiện được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nói như vậy để thấy rõ vai trò, vị trí vô cùng quan trọng của rừng phòng hộ đầu nguồn của Điện Biên trong bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ cuộc sống của con người.

Tuy nhiên, trong những năm qua do nhiều nguyên nhân diện tích rừng tự nhiên nói chung và rừng phòng hộ nói riêng trên địa bàn tỉnh Điện Biên bị xâm hại, tàn phá nghiêm trọng. Mỗi năm có hàng trăm ha rừng bị đốn hạ, đốt phá không thương tiếc trong đó diện tích rừng phòng hộ là không hề nhỏ. Trong khi đó, công tác phát triển rừng, trồng rừng phòng hộ gặp rất nhiều khó khăn và hầu như năm nào cũng không đạt hoặc đạt tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch đề ra.

Điệp khúc không đạt, đạt thấp

Theo kế hoạch của chương trình bảo vệ và phát triển rừng tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh sẽ thực hiện trồng mới 2.018 ha rừng phòng hộ. Nhưng trong 5 năm qua trồng rừng phòng hộ chỉ đạt 694 ha, tỷ lệ trung bình đạt 34% kế hoạch đề ra. Cụ thể: 

 

 

Năm 2011: Kế hoạch giao 210 ha, thực hiện 190 ha đạt tỷ lệ 90%

Năm 2012: Kế hoạch giao trồng mới 242 ha, thực hiện 152 ha đạt tỷ lệ 63%

Năm 2013: Kế hoạch giao 650 ha thực hiện 115 ha đạt tỷ lệ 17,6%

Năm 2014: Kế hoạch giao trồng mới 296 ha, thực hiện 101 ha đạt tỷ lệ 34%

Năm 2015: Kế hoạch giao1270 ha, thực hiện 250 ha đạt tỷ lệ 19%

Bước sang năm 2016 này, kế hoạch toàn tỉnh sẽ trồng mới 416 ha rừng phòng hộ nhưng đến thời điểm này khi mùa trồng rừng đã cơ bản kết thúc con số báo cáo của 10 huyện, thị, thành phố chỉ vỏn vẹn 72,6 ha đạt 17% kế hoạch giao. Trong số 10 huyện thị, thành phố chỉ có 4 địa phương triển khai trồng mới rừng phòng hộ tập trung từ nguồn ngân sách trung ương gồm huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên Đông và huyện Mường Chà. Còn các huyện khác chỉ là kế hoạch triển khai, thậm chí không có cả kế hoạch giao chỉ tiêu cho phường, xã, thị trấn thực hiện.

Việc không thực hiện được khối lượng trồng rừng đã giao dẫn đến nguồn vốn ngân sách cấp hàng năm kết dư khá lớn. Tình trạng "tiền có khó tiêu", "có tiền không tiêu được" đã trở thành điệp khúc quen thuộc. Điển hình như năm 2014 vốn giao cho trồng rừng phòng hộ là trên 2,4 tỷ đồng nhưng thực hiện giải ngân chỉ đạt trên 800 triệu đồng, năm 2015 giao gần 17 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 3,1 tỷ đồng đạt tỷ lệ 17% và năm 2016 giao trên 12,6 tỷ đồng nhưng ước thực hiện chỉ hơn 2 tỷ đồng đạt tỷ lệ 15%. Tiền không tiêu được, kế hoạch không đạt hoặc đạt thấp trong khi diện tích cần trồng rừng lại rất lớn. Đó là sự lãng phí và cũng là bài toán nan giải trong nhiều năm qua của tỉnh Điện Biên.

 

d
Do nhiều nguyên nhân diện tích rừng tự nhiên nói chung và rừng phòng hộ nói riêng trên địa bàn tỉnh Điện Biên bị xâm hại, tàn phá nghiêm trọng. Mỗi năm có hàng trăm ha rừng bị đốn hạ, đốt phá không thương tiếc trong đó diện tích rừng phòng hộ là không hề nhỏ

 

Trồng rừng phòng hộ đụng đâu khó đó

Lý giải cho việc trồng rừng phòng hộ đạt thấp so với kế hoạch đề ra, bà Đinh Thị Thu Hiền - Phó chi cục trưởng chi cục lâm nghiệp tỉnh cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng nguyên nhân chính vẫn là do thiếu quỹ đất. Các ban quản lý rừng phòng hộ trước đây chưa được giao quyền sử dụng đất hoặc đã được giao - đến cuối năm 2015 Ban quản lý rừng phòng hộ Mường Chà và huyện Điện Biên mới được giao với diện tích lần lượt là trên 5000 ha và 1300 ha đất lâm nghiệp - nhưng chưa thể thực hiện các dự án trồng rừng. Thiếu quỹ đất để triển khai trồng rừng phòng hộ là thực trạng chung của nhiều địa phương. Một nguyên nhân khác là vốn giao muộn, thường khi mùa trồng rừng đã bắt đầu, thậm chí có năm sắp kết thúc nguồn vốn giải ngân mới được chuyển đến các địa phương. Trong khi đó tại nhiều địa bàn người dân tham gia trồng rừng đòi hỏi phải được ứng tiền trước mới thực hiện.

Ngoài ra còn nhiều khó khăn khác như: Định suất đầu tư cho trồng rừng phòng hộ còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; công tác quy hoạch 3 loại rừng còn nhiều bất cập; chương trình 327, dự án 661 kéo dài chưa thể thanh, quyết toán dứt điểm gây nhiều khó khăn cho việc quy hoạch, kiến thiết, đầu tư trồng rừng phòng hộ mới.v.v.

Bên cạnh những khó khăn kể trên, trong thực tế việc triển khai trồng rừng phòng hộ còn gặp nhiều vướng mắc đến từ phía người dân - những người trực tiếp thực hiện việc trồng rừng. Tại nhiều địa bàn, các cơ quan chức năng, cấp ủy chính quyền địa phương đã xuống tận các thôn, bản vận động người dân tham gia trồng rừng phòng hộ nhưng do suất đầu tư quá thấp người dân không mấy mặn mà. Thêm vào đó, các diện tích triển khai trồng rừng phòng hộ thường nằm tại các khu vực sâu, xa đi lại khó khăn đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, công sức lao động nên người dân ngại tham gia. Ngoài ra tập quán sản xuất, đời sống kinh tế dựa chủ yếu vào nương rẫy trong khi quỹ đất sản xuất nông nghiệp hạn hẹp người dân lo sợ khi trồng rừng phòng hộ sẽ mất đất sản xuất. Nên xuất hiện tình trạng người dân đã đăng ký và đồng tình với chủ trương trồng rừng nhưng đến khi phát dọn thực bì, chuẩn bị cho mùa trồng rừng thì lại thay đổi không nhất trí tham gia.

Để trồng rừng không chỉ là kế hoạch

Theo số liệu rà soát năm 2015, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp toàn tỉnh là trên 760 nghìn ha, trong đó diện tích đất có rừng là trên 367 nghìn ha, tỷ lệ che phủ đạt 38,5%. Riêng diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch cho trồng rừng phòng hộ là gần 360 nghìn ha. Như vậy quỹ đất lâm nghiệp để trồng rừng phòng hộ của tỉnh ta còn rất lớn. Và rõ ràng để công tác phát triển rừng, trồng rừng đạt kết quả theo kế hoạch đề ra đòi hỏi phải có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách cũng như xây dựng kế hoạch mang tính dài hơi. Đồng thời phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

 

d
Trong số 10 huyện thị, thành phố chỉ có 4 địa phương triển khai trồng mới rừng phòng hộ tập trung từ nguồn ngân sách trung ương gồm huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên Đông và huyện Mường Chà. Còn các huyện khác chỉ là kế hoạch triển khai, thậm chí không có cả kế hoạch giao chỉ tiêu cho phường, xã, thị trấn thực hiện.

 

Một yêu cầu bức thiết nữa để công tác trồng rừng đạt kết quả chính là sự đồng thuận, ủng hộ tham gia của người dân. Trong thực tế, ở đâu người dân hiểu rõ lợi ích của rừng và đồng thuận tham gia thì ở đó việc trồng rừng diễn ra thuận lợi, rừng được bảo vệ và phát triển tốt.

Đây là những diện tích rừng phòng hộ được trồng năm 2015 và 2016 của bản Tẩu Pung 1 xã Nà Nhạn huyện Điện Biên. Gần 40 ha rừng thông phòng hộ đã được 64 hộ gia đình trong bản nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ. Những vạt rừng đã phủ màu xanh lên những khu đất trống, đồi núi trọc.

Việc tuyên truyền, vận động và thực hiện thành công việc trồng rừng tại bản Tẩu Pung 1 là kinh nghiệm quý báu trong công tác trồng rừng phòng hộ. Khi cấp ủy chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa cũng như lợi ích từ trồng rừng mang lại, tỷ lệ che phủ rừng không những tăng lên mà nguồn tài nguyên rừng quý giá được chăm sóc, bảo vệ tốt. Xã Quài Tở một trong những xã đi đầu trong công tác trồng rừng của huyện Tuần Giáo. Chỉ riêng trong năm 2015, xã đã triển khai trồng 60 ha rừng phòng hộ tại bản Có và bản Có Hón. Từ đó, góp phần tăng diện tích rừng trồng trên địa bàn xã lên gần 750 ha và tổng diện tích rừng trên địa bàn xã tăng lên trên 3000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 30%.

Chưa bao giờ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng lại được Đảng, nhà nước quan tâm như hiện nay. Các nguồn vốn, chương trình dự án cho trồng, phát triển rừng được triển khai đồng bộ, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đi vào cuộc sống tạo động lực to lớn cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chính vì vậy, tập trung nguồn lực tối đa cho trồng rừng, phát triển rừng là yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho tỉnh Điện Biên trong giai đoạn tới.

 

d
Hội nghị tổng kết công bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2015 và bàn giải pháp thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020

 

Trong hội nghị tổng kết công bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2015 và bàn giải pháp thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 vào đầu tháng 8 vừa qua. UBND tỉnh, các sở ngành liên quan, các huyện, thị thành phố đã bàn và đề ra nhiều giải pháp quan trọng cũng như đặt quyết tâm chính trị rất lớn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Hi vọng, trong những năm tiếp theo công tác phát triển rừng nói chung và trồng rừng phòng hộ nói riêng của tỉnh Điện Biên sẽ không chỉ là kế hoạch đề ra hàng năm mà sẽ hiện thực hóa bằng những diện tích rừng phòng hộ cụ thể.

 

 


Chu Linh - Anh Tuấn

.