Nhọc nhằn nữ cửu vạn
Điện Biên TV - Dưới cái nóng gần 40oC, mọi người rủ nhau tìm nơi mát mẻ tránh nắng thì những người phụ nữ mồ hôi nhễ nhại, nước da đen sạm vẫn đang gồng mình bên những chiếc xe ngất ngưởng, chất đầy hàng hóa bên đường Võ Nguyên Giáp (TP. Điện Biên Phủ). Khuân vác, vận chuyển những thanh kim loại, bao gạo, hàng hóa nặng vốn dĩ là công việc của những người đàn ông sức dài vai rộng, nhưng vì miếng cơm manh áo, các chị cũng phải sốc vác, kiếm ăn từng ngày.
Nhìn các chị vác những bao tải gạo nặng tới nửa tạ lên vai thoăn thoắt bước từ trên xe vào kho khiến chúng tôi không khỏi cảm phục. Người phụ nữ ăn mặc tuềnh toàng và khoác trên mình chiếc áo màu nâu đất đã cũ sờn với vẻ lam lũ là chị Vì Thị Chiến (45 tuổi), bản Pa Kín, xã Na Tông, huyện Điện Biên – người có thâm niên hơn 5 năm trong nghề “cửu vạn”. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, không vốn liếng, nghề nghiệp nên hàng ngày chị Chiến phải mưu sinh bằng đôi vai trần, gầy guộc. Ngày ngày cần mẫn khuân vác hàng hóa, gom góp chút tiền chăm lo cho con cái. Lau những giọt mồ hôi nhễ nhại, chị Chiến ngậm ngùi chia sẻ: Sau khi lập gia đình, tài sản của 2 vợ chồng có được là 500m2 ruộng và 2.000m2 nương. Từ khi sinh con, hoàn cảnh gia đình càng thêm khó khăn, quanh năm vợ chồng chỉ biết trông vào vụ lúa, vụ ngô; nếu “mưa thuận gió hòa” thì còn có hạt ngô, hạt thóc nuôi con, còn mất mùa thì cả nhà lại chịu đói.” Càng vất vả hơn khi chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo và mất năm 2010, gánh nặng gia đình, 2 đứa con đặt cả lên đôi vai chị. Để có tiền nuôi con, chị phải làm đủ nghề từ giúp việc nhà, phụ bán quán ăn… nhưng dù có làm thường xuyên cũng không đủ chi tiêu cho gia đình. Thế nên chị phải đổi nghề liên tục, chị xin tham gia một nhóm lao động khuân vác “bán sức” để kiếm tiền. Nghề khuân vác không chỉ vác 1, 2 bao hàng mà có thể khuân vác mấy chục tấn hàng hóa một ngày rất vất vả nên thấy chị Chiến là phụ nữ, các thành viên đội khuân vác cảm thấy ái ngại. Lúc đầu, chưa quen nên chị bị đuối sức nhưng làm dần cũng quen. Lúc mới vào nghề, đêm nào về nhà chị cũng bị đau nhức, ê ẩm cả người, có khi còn bị bong gân, trật khớp. Khuân vác quần quật cả ngày nhưng những người phụ nữ làm nghề cửu vạn như chị Chiến cũng chỉ kiếm được 160 - 200 nghìn đồng/ngày. Do giờ giấc làm việc không ổn định và nhà xa nên để tiện cho công việc của mình, 3 – 4 ngày, chị Chiến mới về nhà một lần. Làm nghề “bán sức ăn tiền” hại sức khỏe và còn nhiều rủi ro; nhưng vì không công ăn việc làm nên chị Chiến và những người “nữ cửu vạn” vẫn phải chấp nhận.
Chị em nữ cửu vạn hỗ trợ nhau chuyển hàng từ trên xe xuống |
Cũng làm nghề cửu vạn như chị Chiến là chị Khiêm (43 tuổi) nhà ở đội 6, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) - người có thâm niên 5 năm trong nghề cửu vạn. Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình mình, chị Khiêm giãi bày: Lấy chồng muộn, vợ chồng ăn ở với nhau được 1 đứa con gái. Năm 2001, chồng mất vì bệnh hiểm nghèo khiến cuộc sống càng thêm khổ cực. Để kiếm tiền nuôi con, chị quyết định theo nghề cửu vạn. Lao động vất vả, thu nhập cũng chẳng được là bao nhưng các chị vẫn phải làm vì các con, vì cuộc sống của gia đình. Đội cửu vạn có gần 20 thành viên nhưng có tới 8 người là phụ nữ. Mỗi khi các con cần tiền đóng học phí hay mua sắm đồ dùng học tập là các chị lại phải gắng sức làm việc nhiều hơn. Làm nghề này không có giờ giấc ổn định nên bất kể khi nào chủ hàng gọi là các chị phải có mặt ngay. Có hôm làm quần quật từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối mới được nghỉ. Vất vả, nặng nhọc, nhưng vì đồng tiền bát gạo, cố gắng làm rồi cũng quen việc. Ngày nào không mang vác là cảm thấy uể oải, khó chịu vì không có việc làm, không có tiền. Có những ngày vác 4 – 5 xe hàng nhưng cũng có ngày chị em ngồi chơi từ sáng đến chiều, cuối buổi, nét mặt ai cũng buồn rười rượi. Nhưng các chị cũng lo lắng khi ngày ngày gánh gồng hàng chục tấn hàng trên vai thì vẹo xương sống, còng lưng và tai nạn lao động là chuyện bình thường. Như để minh chứng cho những lời nói của mình, với vẻ mặt trầm ngâm, chị Khiêm nhớ lại: “Năm 2014, đội “cửu vạn” của tôi nhận chuyển xe tải chở kính cường lực. Trong khi đang bê tấm kính xuống xe thì đuối sức nên cả tấm kính to, dày đổ sập vào người tôi và một đồng nghiệp nữa. Rất may, chị cùng làm với tôi chỉ bị rạn xương; còn tôi bị xây xát nhẹ. Công việc vất vả, nguy hiểm như vậy nhưng chị em cũng chỉ thu nhập 2 – 3 triệu đồng/tháng.”
Chuyện những người phụ nữ kiếm sống bằng nghề cửu vạn như chị Chiến, chị Khiêm là những câu chuyện buồn, gắn với số phận những người phụ nữ nghèo, long đong kiếm sống từng ngày. Thiết nghĩ, ngoài chị Chiến, chị Khiêm còn biết bao người phụ nữ khác phải long đong, lận đận mưu sinh bằng nghề “cửu vạn”. Ngay trong đội cửu vạn của các chị, có chị em làm nghề “cửu vạn” kiếm tiền nuôi con ăn học; còn có người thì phải phụng dưỡng cha mẹ già…
Sau khoảng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi, người đội trưởng lại thúc giục chị em tiếp tục vác hàng xuống xe. Mồ hôi trên tấm áo của các chị chưa kịp khô thì công việc lại bắt đầu; dù vất vả, cực nhọc nhưng những người cửu vạn như chị Chiến, chị Khiêm vẫn mong mỗi ngày có thật nhiều xe hàng để có cơ hội kiếm tiền nuôi con, chăm lo cuộc sống gia đình.
Quang Hưng