Huyện Điện Biên: Na Tông vai trò của Đảng viên trong phát triển kinh tế
Điện Biên TV - Na Tông là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên (Điện Biên). Hiện toàn xã có 15 bản, 908 hộ với 4.469 nhân khẩu, có 5 dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Thái và dân tộc Mông sinh sống. Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của xã còn gặp rất nhiều khó khăn, cuộc sống của người dân nơi đây còn vô cùng thiếu thốn. Song, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ các đồng chí Đảng viên đã phát huy được vai trò của mình, gương mẫu, xung kích đi đầu, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo dựng được niềm tin của Nhân dân vào tổ chức Đảng và Đảng viên.
Hiệu quả kinh tế thu được từ cây Dong riềng ở xã Na Tông huyện Điện Biên đã và đang góp phần nâng cao đời sống người dân. |
Đảng bộ xã hiện có 115 đảng viên, sinh hoạt tại 14 chi bộ. Các đồng chí trong cấp ủy, tổ chức Đảng luôn trăn trở trước những khó khăn của bà con các dân tộc vùng cao biên giới, làm sao để người dân thoát nghèo, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự gương mẫu của mỗi cán bộ đảng viên, để lãnh đạo nhân dân thực hiện có hiệu quả các mục tiêu xóa đói - giảm nghèo, chương trình xây dựng Nông thôn mới, tham gia giữ gìn an ninh khu vực biên giới, đó vừa là trách nhiệm của mỗi đảng viên và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Đồng chí Lò Văn Khụt, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: Là một xã vùng cao, biên giới, địa bàn rộng, người dân sống xa trung tâm xã, cuộc sống gặp không ít những khó khăn, vai trò lãnh đạo của các Chi bộ và Đảng viên còn nhiều hạn chế. Do vậy, sau Đại hội đảng bộ xã đã xây dựng được chương trình hành động, bám sát thực tiễn của địa phương, các mục tiêu đều đúng, trúng với nguyện vọng của nhân dân nên khi thực hiện đã được sự đồng thuận của Nhân dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc. Để thực hiện có hiệu quả chủ trương này, Đảng bộ xã đã phân công 10 đồng chí trong Ban Chấp hành (trong đó có 4 Ủy viên Ban Thường vụ, một đồng chí là bộ đội Biên phòng tăng cường) để phụ trách 15 bản, thực hiện ba cùng với nhân dân (Cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Trong đó, yêu cầu mỗi cấp ủy viên và đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm và gương mẫu thực hiện trước. Đồng thời, gắn trách nhiệm của từng đảng viên với thực hiện các mục tiêu Nghị quyết để tuyên truyền, vận động các gia đình, dòng họ tích cực thực hiện.
Trong điều kiện của xã sản xuất Nông - Lâm nghiệp là chính, Đảng bộ đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất cho thu nhập cao. Ở những nơi có điều kiện sản xuất lương thực được tăng cường thâm canh, đồng thời mở rộng tối đa diện tích lúa ở nơi có điều kiện thủy lợi (hiện nay có trên 45 ha ruộng cấy lúa nước thường xuyên được đủ nước), đưa các giống lúa, ngô năng suất cao để đảm bảo an ninh lương thực; những vùng không có khả năng phát triển cây lương thực thì phát triển cây có củ, quả có chất bột vừa có thể thay lương thực, thực phẩm vừa làm hàng hóa như ngô, sắn và các loại cây khác như: khoai sọ, khoai lang, dong riềng để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Trước đây, hầu hết các hộ dân chỉ quen việc gieo trồng các loại cây truyền thống như lúa nương, ngô địa phương, diện tích 1 vụ bỏ hoang lên đến hàng trăm héc-ta. Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ với phương châm không để đất hoang, tích cực thâm canh tăng vụ, đưa giống mới vào sản xuất kết hợp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều loại vật nuôi, cây trồng có giá trị cao đã được đưa vào gieo trồng. Tiêu biểu là phong trào trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như lạc và cây lương thực như cây ngô, khoai, sắn. Trong đó cây Lạc 2,5ha, Sắn 174,5ha, cây Ngô 510,8ha; Khoai 12,3ha. Nhờ tuân thủ các biện pháp kỹ thuật, năng suất của các loại cây trồng ngày càng tăng, xe ô tô đã vào tận các bản vùng cao để thu mua với giá cao.
Với những quyết tâm và kết quả đã đạt được, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đáng kể của xã (mỗi năm trung bình giảm từ 5 đến 7%). Nổi bật, đi đầu trong lĩnh vực này là vai trò của các đồng chí Đảng viên. Nhiều đảng viên đã tiên phong trong mô hình vườn - ao - chuồng chăn nuôi, thả cả và trồng cây lấy hạt, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất như: đồng chí Lò Văn Liên, Bí thư Chi bộ 3, bản Pa Kín 1; Giàng Giống Và, Bí thư Chi bộ 14, bản Sơn Tống; Lầu Chù Xá, Phó Bí thư Chi bộ 14, bản Gia Phú A xã Na Tông… Những đầu tàu gương mẫu này có tác dụng lớn trong vận động nhân dân cùng làm theo để đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Cùng với những nghị quyết chuyên đề về Chương trình xây dựng Nông thôn mới là nghị quyết về phát triển Nông - Lâm nghiệp, chăn nuôi, phát triển văn hóa, giáo dục, giữ gìn an ninh trật tự (ANTT). Do có sự gương mẫu, đi đầu của mỗi cán bộ, đảng viên mà kinh tế của xã ngày càng phát triển, trẻ em được quan tâm chăm sóc, được học hành, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc được phát huy, ANTT được giữ vững, cộng đồng dân cư trong bản đoàn kết, yên vui, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Trong thời gian tới, Đảng bộ xã Na Tông tiếp tục đẩy mạnh phát huy vai trò gương mẫu của Đảng viên, coi trọng xây dựng đoàn kết nội bộ, phát huy tinh thần dân chủ, sáng tạo để tìm hướng đi cho phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ trách nhiệm và hiệu quả của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên trong việc giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn, để phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở các bản, để kịp thời nắm bắt tình hình, từ đó có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, làm tốt công tác phân loại tổ chức đảng, đảng viên trên tinh thần tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc. Đây sẽ là những giải pháp tích cực để xây dựng đảng bộ xã Na Tông ngày càng trong sạch vững mạnh, phát huy tối đa vai trò của Đảng viên trong việc tham gia phát triển kinh tế xã hội trên mỗi địa bàn dân cư./.
Phong Lâm