Hơn 3 triệu người Việt Nam là nạn nhân chất độc da cam

Thứ Tư, 10/08/2016, 17:25 [GMT+7]

Quân đội Mỹ đã phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học xuống gần 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam, làm cho 4,8 triệu người bị phơi nhiễm.
 
Sáng nay (10/8) tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) tổ chức Mít tinh kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2016) và đón nhân Huân chương Lao động hạng Nhất.

Tới dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; lãnh đạo các Bộ, ngành; các đại biểu quốc tế cùng đại diện nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
 

1
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

 

Diễn văn do Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch VAVA, trình bày tại lễ Mít tinh nêu rõ: Cách đây 55 năm, ngày 10/8/1961, phi vụ đầu tiên rải cái gọi là “chất diệt cỏ” hay “chất khai quang” đã mở đầu cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa ít nhất 366 kg dioxin - chất độc nhất trong các chất độc mà con người từng biết - xuống gần 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam, làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân.

Dioxin có thể tác động xấu đến nhiều hệ thống của cơ thể như nội tiết, miễn dịch, sinh sản; nạn nhân chất độc da cam thường mắc những căn bệnh hiểm nghèo và nhiều chứng bệnh cùng một lúc. Nhiều người bị tước mất những quyền con người cơ bản nhất, trước hết là quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhiều phụ nữ bị mất quyền làm mẹ; rất nhiều trẻ em ra đời bị dị dạng, dị tật bẩm sinh do chất dioxin. Đặc biệt, ảnh hưởng của chất dioxin có thể gây tác hại đến hệ di truyền, và thực tế là ở Việt Nam đã xuất hiện nạn nhân thế hệ thứ 4.

Những năm qua, công cuộc khắc phục thảm họa da cam ở Việt Nam đã được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và  sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhiều chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam đã đi vào cuộc sống.

Từ khi ra đời đến nay, VAVA luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết, động viên nạn nhân vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi chế độ, chính sách đối với nạn nhân; vận động các nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; hỗ trợ đắc lực cho nạn nhân  trong cuộc đấu tranh buộc Mỹ phải có trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do họ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Phát biểu tại lễ Mít tinh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, hơn nửa thế kỷ qua, dân tộc ta phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Khổ đau, bệnh tật, nghèo túng đã và đang hiện hữu trong mỗi gia đình nạn nhân chất độc da cam. Có thể nói, không có nỗi đau hơn nỗi đau da cam; đó không chỉ là nỗi đau của nhân dân Việt Nam mà còn là nỗi đau của nhân loại tiến bộ.

Công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội; có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội và khoa học.

Khắc phục di họa da cam đòi hỏi  phải có rất nhiều thời gian, công sức, tiền của và rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và của toàn xã hội; có sự chỉ đạo thống nhất và sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp tục cuộc đồng hành nhân ái, vì hòa bình, công lý, cùng chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau da cam.

Tại lễ Mít tinh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao Huân chương lao động hạng Nhất cho VAVA./.

 

Theo VOV
 

.