Chủ động phòng chống bệnh đạo ôn và dịch hại khác cho lúa mùa

Thứ Sáu, 26/08/2016, 18:13 [GMT+7]

Điện Biên TV – Trong thời gian qua, nông dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại chính như bệnh đạo ôn, khô vằn, tập đoàn rầy,… Tuy nhiên, thời điểm phun trừ luôn có mưa ẩm kéo dài dẫn đến hiệu quả phòng trừ thấp; phạm vi, mức độ gây hại tiếp tục tăng, nhất là bệnh hại. Tổng diện tích nhiễm đạo ôn, khô vằn trên 1.380ha, chủ yếu tại địa bàn các huyện: Điện Biên, Mường Ảng, Mường Chà và Thành phố Điện Biên Phủ.

f
 Vết bệnh đạo ôn trên lá lúa (Ảnh: Nguồn internet)

Trong khi đó, hiện nay, các trà lúa vụ mùa đang trong giai đoạn mẫn cảm nhất; trà sớm – chính vụ giai đoạn đứng cái – ôm đòng; trà muộn giai đoạn cuối đẻ nhánh – đứng cái; dự kiến thời gian lúa trỗ trà sớm khoảng 25 – 30/8, trà chính khoảng 5 – 10/9.

Để quản lý tốt bệnh đạo ôn và sinh vật gây hại khác, bảo vệ năng suất, sản lượng lúa vụ mùa, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Điện Biên đề nghị Trạm bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phòng kinh tế thực hiện tốt một số nội dung sau: Chỉ đạo UBND cấp xã đôn đốc cán bộ phụ trách nông nghiệp, trưởng thôn bản, người dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng đánh giá hiệu quả sau phòng trừ; trường hợp bệnh chưa dừng hoặc xuất hiện vết bệnh mới tiếp tục chỉ đạo phòng trừ để hạn chế ảnh hưởng năng suất cuối vụ. Trong đó, đối với bệnh đạo ôn, trên những địa bàn, vùng đã có bệnh đạo ôn hại lá và các vùng thường xuyên bị bệnh gây hại, vùng có nguy cơ cao phun phòng bệnh khi lúa thấp tho trỗ và khi trỗ đều bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu có hoạt chất Propiconazole + Tricyclazole, Isoprothiolane + Tricyclazole, Tricyclazole,… Đối với sinh vật gây hại khác, theo dõi chặt chẽ bệnh đen lép hạt, sâu cắn gié, bọ xít hôi dài, chuột để dự báo sát phạm vi và mức độ gây hại, hướng dẫn phòng trừ kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng”…

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, diễn biến thời tiết trong thời gian lúa trỗ bông tập trung và cao điểm phòng trừ sinh vật gây hại để làm cơ sở tổng hợp, đánh giá tình hình sản xuất vụ mùa; trong dịp nghỉ 2/9, căn cứ vào diễn biến thực tế, nguy cơ gây hại của sinh vật gây hại trên đồng ruộng, các đơn vị chủ động bố trí cán bộ làm việc, sau đó nghỉ bù vào thời gian thích hợp.

 

Diệp Xuân
 

.