"Tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức"
Tại kỳ họp thứ I Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội và quyết định các vấn đề quan trọng khác.
Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2016 của Chính phủ nêu rõ: Tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức.
Tăng trưởng GDP và sản xuất ngành nông nghiệp giảm sút mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tiến độ thu NSNN đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu không đạt kế hoạch và tốc độ tăng thấp hơn 6 tháng đầu năm trước.
Kỳ họp thứ I Quốc hội khóa XIV khai mạng sáng 20/7 tại Hà Nội |
Đặc biệt, chúng ta chưa phát huy được tiềm năng xuất khẩu khi đã hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, đặc biệt chưa phát huy được lợi thế khi tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN. Nhiều yếu tố cả thế giới và trong nước đang làm tăng chi phí đầu vào và gây áp lực mặt bằng giá, lạm phát sẽ tác động đến lãi suất, tỷ giá và việc ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.
Công tác bảo vệ môi trường còn yếu kém. Tình hình thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp đã gây ra những hậu quả lớn đến sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Sự cố môi trường biển miền Trung đã gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với sản xuất và đời sống của người dân trong vùng, mà còn hủy hoại môi trường sinh thái biển, mất thời gian dài mới tái tạo lại được. Xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được triệt để.
Tai nạn giao thông tuy giảm so với cùng kỳ năm trước, những các vụ tai nạn nghiêm trọng có xu hướng tăng. Đời sống nhân dân vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bị thiên tai còn rất nhiều khó khăn.
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ I Quốc hội khóa XIV sáng nay (20/7), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chỉ rõ: Trong những tháng đầu năm 2016, tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phát triển không ổn định, thị trường tài chính, tiền tệ biến động khó lường; tình hình Biển Đông đang diễn biến rất phức tạp… đang đặt ra nhiều thách thức đối với vấn đề bảo vệ và phát triển của đất nước ta trong tình hình mới.
Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ những chuyển biến tích cực của kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, an toàn xã hội, thì diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của nhân dân. Tai nạn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường còn khá nghiêm trọng.
Đặc biệt, sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Quốc hội chia sẻ khó khăn với đồng bào cả nước và yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nâng cao tinh thần trách nhiệm để giải quyết có hiệu quả, nhanh chóng những vấn đề liên quan đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Tăng trưởng GDP thấp hơn cùng kỳ
Báo cáo Chính phủ chỉ rõ: Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 đạt 5,52% thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32% nhưng cao hơn cùng kỳ 3 năm trước đó (năm 2012 là 4,93%; năm 2013 là 4,9%; năm 2014 là 5,22%); trong đó tốc độ tăng trưởng Quý II cao hơn Quý I.
Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 tăng 2,35% so với tháng 12/2015, và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 6 tháng tăng 1,72%; lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt trên 82,24 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đề ra cho cả năm là 10%. Tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Tổng chi NSNN trong 6 tháng đầu năm ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2015. Môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện. Số doanh nghiệp thành lập mới cùng với số vốn đăng ký tăng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm, chỉ đạo và thực hiện tốt./.
Một số giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong những tháng cuối năm: Thực hiện mạnh mẽ các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra. Tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, phát triển mạnh thị trường trong nước. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường; ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp. Thực hiện kiên quyết các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí. Theo dõi sát diễn biến, tình hình trên Biển Đông để chủ động có các phương án ứng phó kịp thời, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo và lợi ích quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bảo đảm an toàn các hoạt động kinh tế biển và quyền lợi của ngư dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn, xã hội... |
Theo VOV