Sau vụ Formosa: Công cụ kiểm soát môi trường vừa thiếu, vừa yếu

Thứ Tư, 20/07/2016, 09:03 [GMT+7]

Các cơ quan quản lý Nhà nước hiện vẫn còn thiếu công cụ để quản lý, kiểm soát môi trường, nhất là khi các nhà máy bắt đầu triển khai hoạt động.
 
Sự cố môi trường nghiêm trọng ở biển miền Trung, vụ xả thải gây cá chết ở sông Bưởi (Thanh Hóa) và gần đây nhất là vụ rò rỉ hóa chất từ công ty Cổ phần Khoáng sản Đồng An Phú trên thượng nguồn sông Đà tại Hòa Bình cho thấy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp bị phát hiện gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến dư luận bất bình.

Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là do doanh nghiệp không tuân thủ các đánh giá tác động môi trường đã được các cơ quan nhà nước phê duyệt. Đồng thời về phía các cơ quan quản lý Nhà nước hiện vẫn còn thiếu công cụ để quản lý, kiểm soát môi trường, nhất là khi các nhà máy bắt đầu triển khai hoạt động.
 

2
Tiến sỹ Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường


Theo các chuyên gia môi trường, việc triển khai thực hiện công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và bản cam kết bảo vệ môi trường vừa là phương tiện hữu hiệu trong lĩnh vực quản lý nhà nước, vừa là công cụ để bảo vệ sản phẩm của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong nước và sản phẩm hàng hoá, thiết bị, máy móc… nước ngoài khi họ tham gia thị trường Việt Nam, phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, công tác xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và báo cáo đánh giá tác động môi trường hiện còn nhiều bất cập do chất lượng cán bộ tư vấn và nhận thức của đơn vị chủ quản chưa thực sự coi trọng công tác này. Chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhiều dự án hiện còn thấp, biện pháp bảo vệ môi trường thiếu tính khả thi.

Tiến sỹ Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu ví dụ, đối với một dự án tương đương dự án thủy điện Hòa Bình, quốc tế sẽ phải tiêu tốn 5 triệu USD trong khoảng 5 năm để thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thế nhưng ở Việt Nam chỉ chi khoảng 700 triệu đến 800 triệu đồng và thực hiện trong thời gian 2 tháng.

Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Đình Hoè, Trưởng ban phản biện xã hội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng: “Khâu thẩm định cấp phép của các cấp thẩm quyền không coi trọng đủ mức về vấn đề môi trường, cho nên đến 80% khu công nghiệp của chúng ta không có hệ thống xử lý nước thải mà vẫn hoạt động. Ai cho phép hoạt động, ai cấp phép cho họ? Đây là do cơ quan có thẩm quyền khi cấp phép, thẩm định hoạt động đã không tính đến việc đó. Cho nên hiện nay, kiểm soát vấn đề này rất khó khăn.”

Với hàng loạt sự cố môi trường xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy, việc giám sát xả thải của Việt Nam hiện đang rất yếu, vì vậy, phải có thêm sự giám sát của bên thứ 3 là người dân và các tổ chức dân sự. Tuy nhiên, để có thể thực hiện việc giám sát, người dân và các tổ chức dân sự cần được tiếp cận các thông tin về báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch quản lý môi trường của từng dự án. Điều này không mấy khó khăn trong điều kiện mạng Internet phổ biến và dễ tiếp cận như hiện nay.

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết, theo điều 104 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, các thông tin, dữ liệu về môi trường, như báo cáo đánh giá tác động môi trường, quyết định phê duyệt và kế hoạch quản lý môi trường phải được công khai. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngành tài nguyên môi trường vẫn chưa thực hiện.

Ông Trịnh Lê Nguyên: “Một khi công khai thông tin, bắt buộc các bên liên quan đến đánh giá tác động môi trường từ công ty tư vấn, cơ quan phê duyệt đến hội đồng thẩm định bắt buộc phải làm việc nghiêm túc hơn vì họ chịu sự giám sát của công chúng. Các quy định của luật rất tốt, nhưng nếu không có động thái thực thi thực sự thì luật vẫn chỉ là các văn bản trên giấy.

Nếu vậy, chúng ta sẽ vẫn phải gặp lại báo cáo tác động môi trường của dự án này sao chép của dự án khác, hay một số chính quyền địa phương tìm cách đẩy nhanh các quy trình về đánh giá môi trường hơn thời gian cần có bằng cách làm báo cáo một cách sơ sài”.

Theo các nhà chuyên môn, ở nhiều địa phương, ban ngành hiện nay, công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và bản cam kết bảo vệ môi trường mới chỉ dừng ở việc xem xét tác động môi trường và giảm thiểu ô nhiễm, còn quá trình hậu kiểm báo cáo đánh giá tác động môi trường sau khi dự án đi vào đầu tư, hoạt động thì hầu như chưa có.

Chính vì vậy, đã dẫn đến một loạt lỗ hổng trong việc kiểm tra, giám sát và kiểm soát việc xả thải. Đơn cử như vụ Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, sau báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ lược, đã có hơn 50 hành vi sai phạm, trong đó, có hành vi tự ý thay đổi công nghệ từ xử lý cốc khô (là công nghệ thân thiện) sang công nghệ xử lý cốc ướt (là công nghệ phát tán rất nhiều chất thải).

Chính những hành vi này đã gây ra những hệ lụy không nhỏ về môi trường, cũng như kinh tế xã hội và chỉ được phát hiện khi đoàn thanh tra kiểm tra sau sự cố môi trường gây hải sản chết hàng loạt tại biển miền Trung.

Tiến sỹ Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường – người ký thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa năm 2008 thừa nhận: “Tất cả các báo cáo đánh giá tác động môi trường đều sơ sài cả là do thông tin chưa đủ. Yêu cầu đủ không thể đủ được. Nếu không phê duyệt lại bảo gây khó khăn, chậm cho đầu tư. Không có báo cáo đánh giá tác động môi trường nào phê duyệt xong là cứ thế triển khai. Cần quan niệm đánh giá tác động môi trường chỉ là kết quả dự báo, còn sau khi doanh nghiệp quyết định đầu tư rất nhiều thứ phải làm nữa. Khi đầu tư còn thay đổi rất nhiều. Lúc đó mới có các thông tin cụ thể mới làm vấn đề môi trường được”.

Cả nước hiện có khoảng 300 khu công nghiệp, gần 30 khu kinh tế biển và nhiệt điện than đang hoạt động. Việc thiếu các công cụ kiểm soát, xử lý những nguồn thải nông nghiệp, sinh hoạt, khiến hầu hết lượng chất thải lần lượt sẽ được xả ra biển theo nhiều con đường khác nhau. Nếu không có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt, nguy cơ tiếp tục xảy ra những sự cố, thảm họa môi trường trong tương lai chắc chắn là khó tránh khỏi./.

 

Theo VOV
 

.