Phát huy vai trò cán bộ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Mường Nhé

Thứ Hai, 25/07/2016, 09:13 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những năm qua, Đảng bộ huyện Mường Nhé (Điện Biên) luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS), nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, thực hiện hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của hệ thống chính trị ở cơ sở. Từ đó đội ngũ cán bộ, đảng viên là DTTS đã góp phần quan trọng, trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.

Mường Nhé là một huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, huyện có ngã ba biên giới A Pa Chải tiếp giáp với hai nước Lào và Trung Quốc, là một trong những huyện nghèo của cả nước thực hiện theo Đề án 30A của Chính phủ. Huyện có 11 xã, trong đó có tới 6 xã biên giới, với 93 bản, cụm dân cư, hơn 3,6 vạn dân, chủ yếu là đồng bào các DTTS sinh sống của 10 dân tộc anh em. Nơi đây, đời sống của đồng bào các DTTS còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 45%, phong tục tập quán còn lạc hậu; tình trạng di dịch cư tự do, vượt biên trái phép, buôn bán ma túy qua biên giới vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp.

 

s
Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Mường Nhé nơi đào tao nguồn cán bộ DTTS cho cơ sở

 

Có thể thấy, với những đặc thù khó khăn của một huyện miền núi, biên giới như vậy, nên việc xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS để thực hiện các nhiệm vụ Chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh ở cơ sở là hết sức quan trọng. Xác định đây là nhiệm vụ cấp thiết trong công tác cán bộ của huyện, do vậy để làm tốt công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống Chính trị ở cơ sở, Đảng bộ huyện Mường Nhé đã mở nhiều hội nghị, ra Nghị quyết Chuyên đề để bàn về công tác cán bộ, nhất là đối với cán bộ là người DTTS.

Công việc đầu tiên, xuất phát từ thực tiễn về công tác cán bộ của một huyện còn nhiều khó khăn, đó là muốn có nguồn lực để xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS thì phải coi trọng công tác phát triển Đảng viên, xóa các thôn, bản còn chưa có Chi bộ, chưa có Đảng viên, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở những địa phương này. Vậy nên, đảng bộ huyện đã Ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05 NQ/HU và Chương trình hành động số 10 - CTr/HU của Huyện ủy Mường Nhé để thực hiện NQ 08-NQ/TU ngày 03/7/2012 của Tỉnh ủy Điện Biên về xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ Đảng, giai đoạn 2012-2015". Trong đó, chú trọng phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số ở những thôn, bản, cụm bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên.

Do nắm được những ưu điểm nổi bật của đội ngũ cán bộ, đảng viên người DTTS, là họ am hiểu về đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán và điều kiện sản xuất, gần gũi với người dân, nhất là họ có uy tín được Nhân dân tín nhiệm. Nắm được những ưu điểm này, nên huyện Mường Nhé đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS, để nâng cao trình độ chuyên môn, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với các xã trên địa bàn. Từ khi huyện được thành lập theo Nghị định 08/2002/NĐ/CP ngày 14-1-2002 của Chính phủ đến nay, huyện đã chọn cử hơn 1.500 lượt cán bộ công chức của huyện, xã và cán bộ các tổ chức Chính trị xã hội là người DTTS tham gia các lớp Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Vì vậy, đội ngũ cán bộ là người DTTS có trình độ và nhận thức ngày càng cao, biết phát huy khả năng, phục vụ tốt công tác chuyên môn.

Thực tế cho thấy, do luôn quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ là người DTTS nên đội ngũ cán bộ, Đảng viên của huyện ngày một trưởng thành, gắn bó với địa phương. Chỉ tính riêng giai đoạn 2010 – 2015 huyện đã cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận Chính trị, quản lý Nhà nước cho 2.529 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó trình độ Đại học là 70 người, quản lý Nhà nước ngạch Chuyên viên 282 người, Trung cấp lý luận Chính trị 131 người, cao cấp lý luận Chính trị 12 người, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho 538 người. Tỷ lệ đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số 877/1.329 đảng viên (chiếm tỷ lệ 65,98% số lượng đảng viên của toàn Đảng bộ), số lượng Ủy viên tham gia vào Ban chấp hành Đảng bộ khóa IV (nhiệm kỳ 2015-2020) là người DTTS chiếm 50%. Với chủ trương đúng đắn về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ cơ sở của huyện, nhất là đội ngũ cán bộ DTTS đã thực sự trở thành nhân tố quan trọng, phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở địa phương, đơn vị vẫn đang được huyện Mường Nhé đặc biệt quan tâm.

Đồng chí Nguyễn Quang Sáng, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Mường Nhé cho biết: Trên cơ sở thực trạng trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người DTTS nói riêng. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiến hành điều tra, rà soát xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể theo từng năm và cả nhiệm kỳ đối với đội ngũ cán bộ của huyện. Quan tâm đào tạo lực lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS, đồng thời thực hiện tốt công tác tạo nguồn, sử dụng cán bộ là người DTTS một cách hợp lý, có hiệu quả, gắn với bố trí, sử dụng và luân chuyển cán bộ.

Việc sắp xếp, bố trí cán bộ là người DTTS có đủ tiêu chuẩn vào các chức danh ở cơ sở, đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Mường Nhé phát triển bền vững. Với sự nỗ lực vươn lên của Nhân dân các dân tộc, trong đó có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên là người DTTS. Thời gian qua, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Mường Nhé đã giảm đáng kể giảm từ 77,8% năm 2010 xuống còn 45% năm 2015; trung bình mỗi năm giảm 6,56% hộ nghèo (cao hơn mức bình quân của tỉnh 1,16%), huyện phấn đấu đạt mục tiêu sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 còn dưới 20%.

Trong thời gian tới, vấn đề dân tộc và công tác cán bộ là người DTTS sẽ được Đảng bộ huyện Mường nhé tiếp tục quan tâm, nhất là việc tạo nguồn phát triển Đảng viên và thực hiện một số chính sách ưu đãi về giáo dục cho con em các vùng đồng bào các DTTS (chế độ cử tuyển, dự bị đại học, trường dân tộc nội trú, chế độ ưu đãi giáo viên, cán bộ các trường chuyên biệt,...) nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của huyện, coi trọng nguồn cán bộ DTTS trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Có thể nói, công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ là người DTTS trên địa bàn huyện Mường Nhé đã được quan tâm đúng hướng, từ đó đã nâng cao được năng lực công tác cho hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố khối đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện./.

 


                                            Khánh Toàn

.