Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Không nên phá hết xưởng Nhà máy dệt Nam Định

Thứ Năm, 07/07/2016, 11:24 [GMT+7]

Ông Trần Đăng Tuấn cho rằng các xưởng máy cũ được giữ lại sẽ là điểm nhấn lịch sử quý giá, đem lại lợi ích thiết thực cho Nam Định và nhà đầu tư.

Trong bối cảnh hiện có kế hoạch phá dỡ Nhà máy Dệt Nam Định để xây dựng khu đô thị, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã gửi một bức thư tới các vị lãnh đạo tỉnh Nam Định và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), bày tỏ mong muốn giữ một phần nhà máy Dệt Nam Định- biểu tượng một thời của nền công nghiệp XHCN:

1
Bác Hồ đến thăm Nhà máy Dệt Nam Định (Ảnh: Internet)

 

"Suốt hơn một thế kỷ qua, Nhà Máy Dệt Nam Định là nơi gắn liền với cuộc sống của hàng triệu người dân Thành Nam, gắn liền với hồi ức về các giai đoạn lịch sử, thời thuộc địa và thời độc lập, thời chiến và thời bình.

Trong nhiều thế hệ, cuộc sống của đa số các gia đình người dân Thành phố Nam Định gắn liền với thăng trầm của Nhà Máy Dệt. Lịch sử Nhà Máy Dệt Nam Định là lịch sử thu gọn của giai cấp công nhân Việt, với tất cả những vất vả, hy sinh, bi tráng, hào hùng.

Không chỉ người dân Nam Định mà người dân các vùng khác nhau của đất nước có những hồi ức, kỷ niệm và tình cảm sâu đậm với Nhà Máy Dệt và Thành phố Dệt. Vì vậy, dễ hiểu tại sao việc di dời Nhà Máy Dệt, và kèm theo đó là dỡ bỏ (theo từng giai đoạn) khu Nhà máy hiện nay, quy hoạch lại để xây dựng các công trình khác, đem lại những xúc động cho rất nhiều người Việt Nam thuộc các thế hệ khác nhau, nhất là những người trực tiếp gắn bó với nhịp sống của Thành phố Dệt qua các thời kỳ.
 

1
Nhà máy Dệt Nam Định (Ảnh: Nguyen Minh/Facebook Trần Đăng Tuấn)

 

Trong quá trình phát triển đô thị, việc quy hoạch lại và chuyển đổi địa điểm cơ sở sản xuất công nghiệp là khó tránh khỏi. Sử dụng diện tích Nhà Máy Dệt cho các mục đích khác, nếu góp phần để Nam Định phát triển năng động hơn, hiện đại hơn, là điều cần làm.

Mặt khác, lưu giữ lại các hiện vật về lịch sử xuyên suốt ba thế kỷ của Nhà Máy Dệt Nam Định, cùng với nó là ký ức về lịch sử hình thành, phát triển của thành phố Nam Định, của giai cấp công nhân, là việc vô cùng cần thiết, là nhu cầu tinh thần không chỉ của các thế hệ hôm nay, mà còn của nhiều thế hệ sau.

Tôi xin gửi tới Lãnh đạo Tỉnh Nam Định, lãnh đạo Vinatex (là đơn vị chủ đầu tư dự án khu đô thị dệt Nam Định) kiến nghị sau: Ngoài nhà bảo tàng Nhà Máy Dệt và các địa điểm khác có ý nghĩa lịch sử, khi tiếp tục di dời phần còn lại của Nhà máy, xin giữ lại một phần các xưởng máy ở trạng thái hiện nay.

Khu các xưởng máy này kết nối với Nhà bảo tàng và các địa điểm khác sẽ thành quần thể bảo tàng về Nhà Máy Dệt Nam Định. Khi có điều kiện sẽ gia cố và phục chế, để thành nơi tham quan, tìm hiểu, học tập, làm bối cảnh cho các tác phẩm điện ảnh liên quan đến công xưởng, công nhân Việt Nam trong các thời kỳ lịch sử trước đây.

 

1
Nhà máy Dệt Nam Định (Ảnh: Facebook Trần Đăng Tuấn)

 

Tôi tin rằng: Tại địa điểm Nhà Máy Dệt cũ, dù có xây dựng khu hành chính, khu đô thị, khu thương mại hay các công trình văn hoá - xã hội khác, thì phần các xưởng máy cũ được giữ lại là điểm nhấn lịch sử quý giá, sẽ trực tiếp và gián tiếp tác động vào hoạt động kinh tế - văn hoá - xã hội, đem lại lợi ích thiết thực cho Thành phố và cho nhà đầu tư. Đó không chỉ là lợi ích tinh thần, mà bao gồm cả lợi ích vật chất.

Đề xuất nói trên của cá nhân tôi xuất phát từ tình cảm của một người sinh ra, lớn lên ngay bên Nhà Máy Dệt, có nhiều thế hệ người thân là công nhân Nhà Máy Dệt. Tôi tin là tình cảm và mong muốn của tôi sẽ trùng hợp với tình cảm và ý muốn của nhiều người khác, dù là người Nam Định hay người ở các vùng miền khác. Tôi rất mong đợi Lãnh đạo Nam Định và Chủ đầu tư sẽ quan tâm thích đáng đến nguyện vọng này".

Trước đó, trên facebook cá nhân, nhà báo Trần Đăng Tuấn cũng chia sẻ cảm xúc khi hay tin khu xưởng nhà máy dệt Nam Định sắp bị phá dỡ. Ông viết:

"Khu Liên Hợp dệt Nam Định xưa lớn lắm. Cả tuổi thơ tôi, đường đi học hàng ngày là đi giữa hai khu bát ngát những xưởng máy. Tiếng máy ầm ào, đi khỏi khu nhà máy thì dần thành rầm rì. Sáng sớm, những người mẹ công nhân sau ca đêm cầm cặp lồng về nhà, trong đó có chiếc bánh bao nhân thịt - suất bồi dưỡng đặc biệt cho người phải thức suốt đêm đứng máy. Chẳng ai ăn mà dành đem về cho con. Mình đã nhiều sáng dậy sớm ngồi ngoài cửa đợi.

Khi đó, là đứa trẻ con, mình đã mong mẹ mau mau đến lượt làm đêm. Vì chỉ làm đêm mới có bánh bao nhân thịt. Sau lớn lên, biết thức đêm là thế nào, nhớ lại nỗi mong mẹ chóng đến phiên làm đêm, thấy cay mắt.
Chắc có nhiều đứa trẻ khi ấy nay đã nhiều tóc bạc, cũng như mình, nhớ những lần ăn bánh bao ca ba của bố mẹ công nhân dệt. Cũng như mình, chắc họ thấy xao lòng khi nghe tin rồi khu nhà máy Dệt sẽ không còn nữa. Đã có kế hoạch dỡ bỏ.

Mỗi viên gạch ở đó thấm đẫm ánh đèn đêm ca ba...
Chúng ta không thể sống mà không dỡ bỏ cái gì. Vậy chào nhé, khu nhà máy mênh mông như biển đời của bao thế hệ. Chỉ ước một điều: Hãy để lại một phần khu xưởng máy. Sau này khi có tiền,có nhiều tiền, và có nhiều tình, nhiều nỗi nhớ nữa về thời của bố mẹ, ông bà, chắc chắn sẽ có người làm phim về thời đó,về nơi đó. Sẽ không phải dựng cảnh bằng bìa và nhựa. Để cho thời gian thật, không gian thật của những nhà xưởng xưa ùa vào.../.

 

Theo VOV
 

.