Làm tới cùng vụ ông Trịnh Xuân Thanh sẽ lộ mặt "nhóm lợi ích"
Làm tới cùng những chỉ đạo của Tổng Bí thư sẽ lộ mặt “nhóm lợi ích” đã “bảo kê” cho ông Trịnh Xuân Thanh.
Hơn 1 tháng sau khi yêu cầu kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung liên quan đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, ngày 18/7 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chỉ đạo về các công việc cần làm tiếp sau khi có Thông báo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ngày 11/7. Tổng Bí thư đã nêu ra 4 nội dung cụ thể, chi tiết với Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tỉnh ủy Hậu Giang, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam…yêu cầu phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm.
Ông Trịnh Xuân Thanh (giữa), Chủ tịch HĐQT PVC đại diện cho Tổng công ty nhận Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2010. Ảnh: Sài Gòn giải phóng |
Dư luận nhân dân cả nước đồng lòng và hoan nghênh chỉ đạo quyết liệt, triệt để của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy vậy, để Tổng Bí thư phải ra tiếp một chỉ thị nữa cho thấy, thời gian qua, việc xem xét, xử lý vụ việc này có vẻ chưa kịp thời, chưa đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh dù còn cần thời gian để làm sáng tỏ nhưng bước đầu có thể nhìn ra có dấu hiệu của “lợi ích nhóm”, của tệ chạy chức, chạy quyền, chạy danh hiệu…Đây là những bức xúc mà chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo đầu tiên công khai vấn đề này và yêu cầu phải đấu tranh, chấn chỉnh. Nhiều văn kiện của Đảng gần đây cũng nhắc đến cụm từ này.
“Lợi ích nhóm” là một nhóm có quyền lực và vị thế nhất định câu kết với nhau để mưu cầu lợi ích cho các thành viên trong nhóm, nhưng lợi ích này đi ngược lại với lợi ích quốc gia, ảnh hưởng không tốt đến lợi ích chính đáng của đại đa số người dân. Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương từng chỉ ra: “Lợi ích nhóm” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc hình thành các “nhóm lợi ích”. Các “nhóm lợi ích” kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động, cùng phân chia lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong Nhà nước và trong Đảng cầm quyền. Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội.
Vì sao để thua lỗ tới trên 3.200 tỷ đồng, ông Trịnh Xuân Thanh vẫn ung dung leo qua bao chức vụ rồi ngồi lên ghế Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang? Một mình ông Thanh chắc chắn có tài thánh cũng không làm nổi. Phải có cả một đường dây “tiền hô, hậu ủng”, nâng đỡ, bao bọc cho ông ta. “Nhóm lợi ích” rõ ràng là ở đây chứ cần phải tìm đâu (!).
Ông Trịnh Xuân Thanh (phải) nhận hoa chúc mừng được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Báo Hậu Giang |
Dư luận đặt câu hỏi, liệu từ chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chúng ta có thể làm tới cùng, buộc những người có “lợi ích” trong vụ này phải lộ mặt hay không?
Đương nhiên, đánh vào “nhóm lợi ích” không dễ dàng bởi quan hệ ràng buộc lợi ích tinh vi, liên quan tới những người có quyền lực, đương chức và bởi đây là mối quan hệ con người. Hoàn toàn có thể lường trước việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư sẽ gặp phải các lực cản rất tinh vi, phức tạp. Tuy nhiên, báo chí và dư luận nhân dân cả nước sẽ đứng sau những chỉ đạo này.
Nếu các cơ quan chức năng quyết tâm, công tâm, khách quan, trong sáng thì không thế lực hắc ám nào có thể cản trở được. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Cứ dựa vào đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân chân chính, việc dù khó mấy cũng đạt đến thắng lợi./.
Theo VOV