Formosa phải có trách nhiệm với ngư dân và môi trường
Formosa phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho ngư dân khi gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt và phải có trách nhiệm khôi phục lại môi trường biển.
Chiều 30/6 diễn ra cuộc họp báo Chính phủ chuyên đề công bố nguyên nhân sự cố môi trường gây ra hiện tượng cá chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế trong thời gian vừa qua.
Nội dung cuộc họp tập trung vào công bố nguyên nhân, thủ phạm gây ra cá chết hàng loạt cùng với đó là giải pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường và phương án đền bù cho ngư dân vùng ảnh hưởng.
Ngay sau khi cuộc họp báo, phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Phan Cao Thanh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh.
Cá chết ở tỉnh Hà Tĩnh |
PV: Là địa phương chịu thiệt hại nặng nề khi cá chết hàng loạt, xin ông cho biết người dân địa phương đang mong mỏi điều gì sau khi biết nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố này?
Ông Phan Cao Thanh: Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã rất tích cực, khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan tìm hiểu nguyên nhân sự cố môi trường gây ra hiện tượng cá chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung trong thời gian qua. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã kịp thời có những giải pháp và đưa ra lộ trình phù hợp để khắc phục sự cố môi trường này nhằm giúp ngư dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Hiện nay, người dân đang rất quan tâm và tin tưởng vào những giải pháp của Chính phủ về việc khắc phục sự cố môi trường sau vụ cá chết hàng loạt.
Trong thời gian tới, nhân dân Hà Tĩnh mong muốn Chính phủ sẽ đưa ra những giải pháp tổng thể để giúp ngư dân khôi phục lại thị trường tiêu thụ hải sản, kinh tế biển ở các tỉnh miền Trung và ổn định cũng như nâng cao đời sống của nhân dân.
PV: Ngày 28/6, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường gây ra hiện tượng cá chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung. Thông tin này đã được nhắc lại trong cuộc họp báo Chính phủ chiều 30/6. Theo ông, trách nhiệm của Formosa đối với ngư dân cần phải được thực hiện ra sao?
Ông Phan Cao Thanh: Những đơn vị gây ra sự cố môi trường làm cá và hải sản chết bất thường ở các tỉnh miền Trung (mà cụ thể ở đây là công ty Formosa) phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho ngư dân và có các biện pháp khôi phục lại môi trường biển cũng như có cam kết với Chính phủ, các Bộ, ngành tỉnh Hà Tĩnh không để tái diễn những sự cố môi trường ảnh hưởng đến việc nuôi trồng, đánh bắt hải sản của ngư dân.
Đối với đơn vị gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt thì phải có trách nhiệm khôi phục lại môi trường biển và phải có báo cáo, cam kết với Chính phủ và tỉnh Hà Tĩnh về chiến lược phát triển sau này là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho môi trường biển.
Ông Phan Cao Thanh |
PV: Dư luận không chỉ quan tâm đến việc công bố nguyên nhân cá chết mà còn đang mong đợi một giải pháp khắc phục hậu quả môi trường biển. Theo ông, giải pháp hữu hiệu để khắc phục môi trường biển tại các tỉnh có cá chết bất thường nên được thực hiện như thế nào để có hiệu quả?
Ông Phan Cao Thanh: Tỉnh Hà Tĩnh rất quan tâm đến việc thu hút đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại địa phương. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp nước ngoài sản xuất kinh doanh và phát triển sản xuất phải bền vững, đảm bảo an toàn môi trường.
Để thực hiện được việc làm trên, các Bộ, ngành và địa phương phải xây dựng hệ thống quan sát môi trường độc lập, có sự kiểm soát thường xuyên đối với hệ thống xả thải cũng như kiểm soát các chất gây độc của các doanh nghiệp, công ty.
Theo đó, hệ thống xả thải của doanh nghiệp phải có kế nối dưới sự theo dõi của Sở Tài nguyên &Môi trường ở địa phương; đồng thời chúng ta cần xây dựng hệ thống quan sát việc xả thải hoạt động một cách độc lập của các Bộ, ngành nhưng lại có sự kết nối với địa phương. Hai hệ thống quan sát này hoạt động độc lập với nhau, có chức năng phát hiện những chất độc trong quá trình xả thải hoặc những chất độc chưa được doanh nghiệp xử lý kỹ càng.
PV: Sau vụ việc cá chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, ngư dân lao đao vì sản lượng đánh bắt hải sản sụt giảm; hải sản không tiêu thụ được hoặc bán với giá rẻ không đủ bù chi phí đánh bắt nên họ luôn sống trong tâm trạng lo lắng. Ông có lời khuyên gì đối với họ trong thời điểm hiện tại?
Ông Phan Cao Thanh: Hiện nay, ngư trường an toàn để ngư dân đánh bắt cũng như thị trường tiêu thụ hải sản ở Hà Tĩnh rất khó khăn. Chính phủ đang làm hết sức mình để làm rõ nguyên nhân xảy ra hiện tượng cá chết hàng; đồng thời yêu cầu các đơn vị, cá nhân phải có trách nhiệm khôi phục lại thị trường tiêu thụ hải sản cho ngư dân.
Người dân Hà Tĩnh mong muốn Chính phủ công bố ngư trường đánh bắt hải sản an toàn để ngư dân khôi phục lại hoạt động đánh bắt và sản xuất.
Trước sự mất mát, thiệt hại lớn của ngư dân khi cá chết hàng loạt, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành một số chính sách để tháo gỡ khó khăn cho bà con nhằm ổn định cuộc sống như: hỗ trợ gạo, kinh phí phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề…
Sắp tới, tỉnh Hà Tĩnh cũng đề xuất một chính sách tổng thể để khôi phục hoạt động sản xuất, ổn định đời sống cho ngư dân. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và có một tổ tham mưu cho Ban thường vụ tỉnh ủy đưa ra những giải pháp kịp thời để bà con khắc phục khó khăn sau sự cố cá chết hàng loạt.
Việc khắc phục sự cố môi trường gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường tại miền Trung phải là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng. Vì vậy, nhân dân cần cùng với Chính phủ và tỉnh Hà Tĩnh hãy cùng nhau vượt qua khó khăn để khắc phục sự cố này, làm sao ổn định đời sống, sản xuất và khôi phục lại thị trường tiêu thụ hải sản.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Theo VOV