Điện Biên chăm lo cuộc sống cho các đối tượng chính sách bằng nghĩa tình và trách nhiệm

Thứ Tư, 27/07/2016, 18:53 [GMT+7]

Điện Biên TV - Cách đây 69 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng bào cả nước: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu”… "Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”... Thấm nhuần lời dạy của Bác, tỉnh Điện Biên luôn nỗ lực, quyết tâm chăm lo tốt hơn đời sống cho đối tượng người có công trong toàn tỉnh.
    
Ông Pờ Gia Tư ở bản Pờ Nhù Khồ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé là em của 2 liệt sĩ Pờ Gia Lòng và Pờ Gia Trừ. Bản thân ông Tư luôn tích cực giáo dục con cháu phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đoàn kết với nhân dân trong bản. Nhiều năm liền, gia đình ông Pờ Gia Tư được công nhận là gia đình văn hóa. Vào mỗi dịp lễ, tết hàng năm, gia đình ông cũng thường xuyên được cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể chính trị, xã hội của huyện, của xã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà.

Ông Pờ Gia Tư chia sẻ: "Năm 2014, từ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, gia đình tôi được hỗ trợ 70 triệu đồng để làm nhà mới. Ngôi nhà gỗ, mái ngói được dựng lên, bàn giao cho gia đình đưa vào sử dụng, là niềm an ủi, động viên thiết thực nhất."

Tỉnh Điện Biên hiện có hơn 15.500 người có công với cách mạng. Phong trào “đền ơn đáp nghĩa” hiện nay đã trở thành nét đẹp trong đời sống của nhân dân các dân tộc và có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Nhiều hành động, việc làm có ý nghĩa như: Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ; dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách; đưa đối tượng chính sách đi tham quan, nghỉ dưỡng; cấp thẻ bảo hiểm y tế và tích cực chăm sóc sức khoẻ miễn phí cho đối tượng chính sách ngay từ cộng đồng... được triển khai tích cực. Từ những chính sách ưu đãi này, hơn 98% đối tượng chính sách đã có mức sống cao hơn mức sống trung bình của người dân tại địa bàn cư trú. Các phong trào tình nghĩa, xã hội hoá chăm sóc người có công ngày càng được mở rộng, góp phần cải thiện đời sống cho các đối tượng chính sách. Hàng năm, các chế độ, chính sách dành cho các đối tượng người có công luôn được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

c
Toàn tỉnh có hơn 98% đối tượng chính sách đã có mức sống cao hơn mức sống trung bình của người dân tại địa bàn cư trú. (Trong ảnh: Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tặng quà gia đình chính trên địa bàn huyện Điện Biên)

 

Ông Bùi Văn Thức, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện Điện Biên Đông cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn huyện có 18 người có công đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Huyện đã thực hiện chi trả đúng, đầy đủ, kịp thời đến tận các đối tượng người có công; những đối tượng thực hiện trợ cập một lần, trợ cấp đột xuất thì cũng được hỗ trợ kịp thời. Qua đó, góp phần giúp người có công trên địa bàn có cuộc sống từ mức sống trung bình so với cộng đồng dân cư. Từ đó, nhằm nâng cao đời sống và giúp người có công tin tưởng hơn và vận động con cháu thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước."

Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách được các cấp, các ngành trong toàn tỉnh quyết tâm thực hiện. Bên cạnh các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, kể từ năm 2011, "Quỹ đền ơn đáp nghĩa" của tỉnh đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của hàng chục ngàn tấm lòng hảo tâm với số tiền hơn 7 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, đã có hơn 250 mái ấm tình thương, hơn 750 sổ tiết kiệm, trên 30.000 suất quà được trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng trong toàn tỉnh. Những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực là sự thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; đồng thời tiếp thêm sức mạnh về vật chất lẫn tinh thần để các gia đình chính sách và người có công vượt lên khó khăn, tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ tham gia xây dựng quê hương.

Ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: "Thông qua rà soát thì đối tượng người có công chưa được hưởng chính sách còn rất ít, chiếm khoảng 1%, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn rất nhiều khó khăn, phần lớn nguồn lực là từ ngân sách Trung ương. Qua đánh giá kết quả điều tra tổng rà soát hộ nghèo, trong đó có nhóm đối tượng người có công cho thấy, đến nay có trên 98% người có công với cách mạng có cuộc sống từ trung bình trở lên so với dân cư cư trú; còn lại một bộ phận người có công đang gặp nhiều khó khăn, bởi vì đa số người công rơi vào diện cao tuổi, rồi thương tật không có sức lao động. Chính vì vậy, chúng tôi đang tập trung tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm nhiều hơn với những đối tượng này."

“Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý của dân tộc ta, là tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của cộng đồng xã hội đối với những đóng góp, hy sinh to lớn của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Ở tỉnh ta, công tác phụng dưỡng, chăm sóc đời sống cho gia đình chính sách, đối tượng người có công với cách mạng đã trở thành việc làm thường xuyên, có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự tri ân đối với những người đã cống hiến tuổi trẻ, hy sinh xương máu, vì sự bình yên của cuộc sống hôm nay./.

 

Bùi Quang - Đức Trung
 

.