Cần cơ chế hợp tác chủ động về nguồn nước sông Mê Kông
Lượng nước ngọt từ sông Mê Kông đổ về khu vực ĐBSCL đã tăng lên đáng kể, giúp một số địa phương có thêm nguồn nước chống chọi với hạn hán.
Trong chuyến công tác mới đây đến đập Tiểu Loan và Cảnh Hồng trên sông Mê Kông qua tỉnh Vân Nam (còn gọi là sông Lan Thương) do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức, phóng viên Đài TNVN có bài viết liên quan đến thông tin về quy trình vận hành, xả nước đập thủy điện thượng nguồn ở Trung Quốc và cơ chế hợp tác, cung cấp thông tin giữa các nước lưu vực sông Mê Kông - Lan Thương trong việc đối phó với hạn hán, mặn xâm nhập khu vực hạ du của dòng sông này.
Trên dòng sông Lan Thương qua tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã hoàn thành 6 đập thủy điện gồm: Công Quả Kiều, Tiểu Loan, Mạn Loan, Đại Triều Sơn, Ngọa Trát Độ và Cảnh Hồng.
Cảnh Hồng là con đập cuối cùng trên sông Lan Thương tính đến thời điểm hiện nay xả nước qua phát điện vào sông Mê Kông qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Mặt trước của đập Tiểu Loan - nơi nước xả xuống đập Cảnh Hồng phía hạ du |
Ông Đường Thanh Đệ, Phó giám đốc Nhà máy thủy điện Cảnh Hồng cho biết, đập thủy điện Cảnh Hồng xây dựng tháng 7/2013, phát điện vào tháng 6/2008, với 5 tổ máy phát điện, tổng công suất 1.750 MW. Đập nước Cảnh Hồng độ cao 108m, chiều ngang 746m, dung tích trữ nước khoảng 1,2 tỷ m3.
Ông Đường Thanh Đệ nói: “Về mặt điều hành, quy chế vận hành của đập Cảnh Hồng chủ yếu là dựa theo yêu cầu của cấp trên và tình hình sử dụng điện, cũng như tình hình nước đến từ thượng nguồn. Cơ chế vận hành chia thành 2 giai đoạn, mùa khô và mùa lũ. Cơ chế này được vận hành hợp lý tùy thuộc vào lưu lượng nước về từ thượng nguồn bởi vì trên đập nước Cảnh Hồng còn có một số đập nước khác”.
Báo cáo của Nhà máy thủy điện Cảnh Hồng cho thấy, trong thời gian từ 15/3 đến 31/5 vừa qua, đập Cảnh Hồng đã xả nước qua phát điện vào sông Mê kông theo 3 giai đoạn, với tổng lượng nước xả đạt khoảng 12,6 tỷ m3, gấp 1,96 lần so với lượng nước tự nhiên, và gấp 1,4 lần so với lượng nước điều tiết thông thường. Theo ông Vương Hồng Minh, đại diện Cục Khoa học và Công nghệ, Vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ Thủy lợi Trung Quốc đang phối hợp với các nước hạ nguồn trong đó có Việt Nam để đánh giá tình hình xả nước lần này.
Trong khuôn khổ hợp tác, các nước lưu vực sông Mê kông - Lan Thương đang ở mức nhóm công tác chung với các cuộc họp hàng năm. Nếu gặp vấn đề khẩn cấp, Bộ trưởng của 6 nước sẽ nhóm họp. Trong khuôn khổ hợp tác cứ 2 năm sẽ tổ chức hội nghị cấp cao giữa lãnh đạo Mê kông - Lan Thương.
Ông Vương Hồng Minh cho biết: “Phía Trung Quốc với thái độ cởi mở đối với việc hợp tác về nguồn nước tài nguyên với 6 nước. Đã có cơ chế đối thoại Trung Quốc – Myanmar và 4 nước Ủy hội Mê Kông. Đồng thời cũng có cơ chế hợp tác Lan Thương – Mê kông, trong đó lấy hợp tác về nguồn tài nguyên nước là một trong những trọng điểm và sẽ tiếp tục trao đổi về vấn đề này”.
Ông Paradis Someth, chuyên gia thuộc Phòng Kế hoạch Phát triển Lưu vực của Ủy hội sông Mê Kông cùng tham gia chuyến công tác chia sẻ: hiện nay, Trung Quốc mới chỉ cung cấp cho Ủy hội sông Mê Kông thông tin về mực nước, quy trình vận hành xả nước của các đập thủy điện của mình trên phần sông Lan Thương trong mùa lũ, còn trong mùa khô thì chưa có, hoặc chỉ trong trường hợp khẩn cấp mới thông tin.
Ủy hội Sông Mê kông đang phối hợp Bộ Thủy lợi Trung Quốc để đánh giá hiệu quả đợt xả nước này. Báo báo sẽ được gửi cho các nước thành viên trong Ủy hội trước khi công bố, dự kiến trong tháng 7/2016.
Ông Paradis Someth nói: “Hiện nay, Trung Quốc và các nước thành viên Ủy hội sông Mê Kông đang cùng hợp tác. Tôi rất hy vọng việc hợp tác tiếp tục được tăng cường và chặt chẽ hơn. Trong thời gian tới chúng tôi mong muốn được chia sẻ thông tin nhiều hơn. Thông qua nội dung bản báo cáo đánh giá chung giữa Trung Quốc và Ủy hội sông Mê Kông, đây cũng là khởi đầu từ phía Trung Quốc cung cấp thông tin trong mùa khô”.
Dịp này, bà Trần Thị Bích Vân, Vụ Phó Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn đầu đoàn phóng viên khảo sát tình hình xả nước tại đập Cảnh Hồng bày tỏ, Việt Nam mong muốn tăng cường hơn nữa cơ chế hợp tác Lan Thương – Mê Kông để sử dụng nguồn nước hiệu quả hơn trước những tác động của biến đổi khí hậu.
Bà Vân nói: “Chúng tôi đánh giá cơ chế đem lại kết quả bước đầu hỗ trợ các nước hạ du sông Mê Kông ứng phó biến đổi khí hậu. Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới cơ chế hợp tác giữa các nước Mê kông - Lan Thương có những hoạt động thiết thực và trách nhiệm hơn để hỗ trợ cho các nước hạ lưu sông Mê Kông ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời thông qua đó cũng là kênh để trao đổi thông tin giúp cho các nước ở hạ lưu sông Mê Kông phát triển bền vững và sử dụng nguồn nước hiệu quả nhất”.
Vào tháng 3/2016, theo đề nghị của Việt Nam, Trung Quốc và Lào đã thực hiện xả nước tại các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông để hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với tình trạng hạn hán và mặn xâm nhập do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng nước ngọt từ sông Mê Kông đổ về khu vực ĐBSCL đã tăng lên đáng kể, giúp một số địa phương có thêm nguồn nước chống chọi với hạn hán và đẩy mặn.
Cũng vào tháng 3 vừa qua, tại Hải Nam, Trung Quốc đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Kông - Lan Thương lần thứ nhất với chủ đề “Cùng chung dòng sông, cùng chung tương lai”.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung Tam Á "Vì một cộng đồng chung tương lai hòa bình và thịnh vượng giữa các nước Mê kông - Lan Thương” và khẳng định cam kết của sáu nước đối với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại tiểu vùng Mê kông, đồng thời đề ra các định hướng lớn cho hợp tác Mê Kông - Lan Thương./.
Theo VOV