Bão số 1 gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương

Thứ Năm, 28/07/2016, 15:03 [GMT+7]

Nhiều căn nhà bị tốc mái, thuyền bè của ngư dân bị nhấn chìm, cây xanh bị ngã đổ. Đã có 1 người chết vì bão số 1.
 
Sáng nay 28/7, các lực lượng chức năng khẩn trương thực hiện công tác khắc phục hậu quả bão số 1, trong đó nỗ lực sớm đóng điện trở lại để vận hành trạm bơm chống ngập úng.

Đến sáng nay, nhiều tuyến đường ở Hà Nội ngập sâu, cây cối đổ ngổn ngang. Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an TP. Hà Nội,  đến 9h30 sáng nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 667 cây xanh đổ, trong đó có 4 cây đổ vào xe ô tô, 2 cây đổ làm 5 xe máy và 3 cây đổ chắn ngang đường sắt. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã có 10 điểm ngập úng, 2 cột điện đổ gãy và 19 nút đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố. Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội đã huy động 100% lực lượng và phương tiện làm nhiệm vụ phân luồng, chỉ huy điều khiển giao thông và giúp đỡ nhân dân tại các khu vực ngập úng, cây đổ, bảo đảm giao thông thông suốt.
 

1
Lực lượng công an phường Trung Hòa giúp người dân

 

Ông Nguyễn Xuân Vượng, Trưởng Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho biết, từ 4h sáng nay, đã huy động toàn bộ lực lượng công an, dân phòng và bộ đội thu dọn cây xanh gãy đổ, điều tiết giao thông và giúp người dân khi gặp nạn.

Giao thông qua các cầu Nhật Tân, Thanh Trì, Chương Dương rất nguy hiểm. Những người cần thiết phải qua cầu đều phải theo hướng dẫn của lực lượng Cảnh sát giao thông, xuống xe dắt bộ. Một số đoạn đường như Chùa Láng, Nguyễn Chí Thanh có nhiều điểm hút gió, nguy hiểm. Nhiều người bị ngã, chấn thương bỏ lại xe ngoài đường và tìm chỗ tránh gió. Lực lượng Cảnh sát giao thông ngoài làm nhiệm vụ điều tiết giao thông còn giúp người bị tai nạn. Nhiều người không thể đi tiếp cũng không thể quay lại vì gió quá lớn.

Theo thông tin ban đầu, tại huyện Phú Xuyên gió bão đã quật đổ lan can ngôi nhà khiến 1 người chết, 5 bị thương. Hiện nay một số địa phương đang bị mất điện, Công ty Điện lực Hà Nội đang khẩn trương kiểm tra, khắc phục sự cố điện tại các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, đảm bảo cấp điện sinh hoạt và trạm bơm tiêu úng.

1
Cây xanh ngã đổ trên phố Hà Nội

 

Tại tỉnh Nam Định, hiện mưa và gió đã giảm. Nam Định không có thiệt hại về người; nhưng 6 tàu cá của ngư dân bị đánh chìm; gần 100% diện tích lúa bị ngập trắng, hoa màu bị ngập úng. Gió lớn đã quật đổ nhiều cột điện nên hiện tại trên địa bàn tỉnh Nam Định mất điện hoàn toàn. Trên các tuyến phố, nhiều cây xanh bị quật gãy; gió to làm giật tung biển quảng cáo, rất nhiều nhà dân bị bung mái tôn, tốc ngói trên nóc nhà, một số tuyến phố bị ngập úng, các phương tiện di chuyển khó khăn.

Ông Nguyễn Phùng Hoan, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết: “Do mất điện toàn phần nên ưu tiên số 1 hiện nay là công tác tiêu úng nhưng đang bị vướng. Đối với 5 huyện phía Nam thì chiều nay có thể tiêu được nước, mở cống vì phụ thuộc vào nước triều. Nhưng còn 5 huyện phía Bắc tưới động lực thì phụ thuộc hoàn toàn vào điện, nên phải khắc phục khẩn trương điện lực để bơm tát. Tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt khẩn cấp khắc phục hậu quả sau bão”.

Tại tỉnh Ninh Bình, mưa lớn trên diện rộng kèm theo gió giật mạnh đã làm nhiều cây cối, cột điện trên địa bàn bị gãy đổ nên toàn tỉnh Ninh Bình đang bị mất điện. Hiện tỉnh và ngành điện đang nỗ lực khắc phục để sớm đóng điện trở lại. Mưa lớn làm nhiều nhà dân tốc mái, khoảng 36 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập úng, chòi canh ngao ngoài biển ở huyện Kim Sơn bị thổi bay. Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang có mưa rất lớn lên tới 250 mm, nên có thể sẽ còn gây ngập úng cho một số nơi. Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình đang chỉ đạo các địa phương chuẩn bị các phương án tiêu úng để cứu lúa, hoa màu.

Ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết: “Đối với cây đổ trên các tuyến đường, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đặc biệt là các công ty cây xanh đô thị đã tập trung khắc phục, cắt dọn để đảm bảo giao thông cũng như để khắc phục lưới điện để sớm có điện phục vụ trạm bơm tiêu úng. Còn các công ty thủy nông, khi nước sông còn đang thấp, cho mở các cống để tiêu nước ra hoặc cho người canh quai khi nước sông dâng cao thì đóng ngay lại”

Theo Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của huyện Tiền Hải thống kê sơ bộ, đến sáng nay chưa có hiện thiệt hại về người nhưng có tới hàng trăm tàu thuyền bị đắm tại khu vực neo đậu hoặc đứt neo trôi dạt trên biển,nhiều nhà mái ngói và mái tôn bị tốc./.

 

Theo VOV
 

.