20.000 phạm nhân sắp được ra tù trước thời hạn

Thứ Năm, 28/07/2016, 08:40 [GMT+7]

Theo Đề án triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện bắt đầu từ năm 2016, dự kiến đến 2018 sẽ có 20.000 phạm nhân được tha tù
 
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Đề án triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện bắt đầu từ năm 2016, dự kiến đến năm 2018, sẽ có 20.000 phạm nhân được tha tù trước thời hạn.

Theo đề án được Thủ tướng thông qua, Bộ Công an được giao phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện thường xuyên theo quý.

Các trường hợp được tha tù trước thời hạn thuộc một trong những diện sau: người bị kết án phạt tù (chưa đến cơ sở giam giữ chấp hành án) nhưng bị bệnh nặng; phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; lao động duy nhất trong gia đình; bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng do nhu cầu công vụ.

Người đã chấp hành án phạt tù được một thời gian nhất định (một phần ba thời hạn tù hoặc một phần tư thời hạn tù đối với người chưa thành niên và các trường hợp có tình tiết ưu tiên) và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự, Tòa có thể quyết định giảm một phần hoặc giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại.

Tha tù trước thời hạn có điều kiện áp dụng đối với người đang chấp hành án phạt tù ở cơ sở giam giữ, phạm tội lần đầu, đã chấp hành án phạt tù được một phần hai thời hạn tù đối với án phạt tù có thời hạn, ít nhất 15 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn...

Thẩm quyền quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện do Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi phạm nhân chấp hành án quyết định.

Về bản chất, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vẫn là người đang chấp hành án, chỉ thay đổi hình thức từ chấp hành án trong các cơ sở giam giữ sang chấp hành án tại cộng đồng xã hội và phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách.

Người được tha tù trước thời hạn bị hạn chế quyền tự do cư trú; bị cấm tham gia các tổ chức chính trị; cấm đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn... chịu sự quản lý, giám sát, giáo dục của UBND cấp xã; cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi cư trú và người được cơ quan có thẩm quyền phân công quản lý, giáo dục.

Theo ước tính, chi phí trung bình cho một phạm nhân/1 năm khoảng gần 10 triệu đồng nên đề án được thực hiện sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng gần 200 tỷ đồng/năm và giảm nhu cầu biên chế khoảng hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ của các cơ sở giam giữ./.

 

Theo VOV
 

.