Vì sao sinh viên báo chí ra trường còn thiếu tự tin?

Thứ Năm, 16/06/2016, 08:13 [GMT+7]

Nhiều sinh viên tốt nghiệp, khi vàocơ quan báo chí kỹ năng viết bài báo chưa thực hiện được.
 
Các loại hình, chương trình đào tạo, nội dung và phương pháp đào tạo cũng được cải tiến, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, kỷ nguyên số đã và đang tác động trực tiếp đến báo chí truyền thông hiện đại, tạo ra không ít thách thức trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí.

Để đáp ứng yêu cầu xã hội, đòi hỏi các cơ sở đào tạo báo chí chuyển sang đào tạo, bồi dưỡng sinh viên báo chí theo hướng tích hợp kỹ năng đa phương tiện.
 

1
Các nhà báo tác nghiệp (ảnh: KT)

 

Hiện nay, trong phạm vi cả nước, có hàng chục cơ sở đào tạo hoặc tham gia đào tạo các chuyên ngành báo chí từ các bậc trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Mặc dù, các loại hình, chương trình đào tạo cũng đã được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, nhưng thực tế cho thấy công tác đào tạo báo chí, truyền thông hiện nay vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Nhiều nhà báo cho rằng, sinh viên mới ra trường còn thiếu tự tin, kiến thức và kỹ năng tác nghiệp chưa vững.

Ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong nêu thực tế: "Các sinh viên của chúng ta dường như đang được học lý thuyết nhiều nhưng thực tiễn ít, các cơ quan đào tạo báo chí không quan tâm nhiều đến việc các em đi vào thực tiễn thế nào. Chúng ta đào tạo lý thuyết báo chí truyền thống đang nhiều, nhưng hiện tượng lý thuyết mới và những  phát triển tiếp theo của lý thuyết báo chí hiện đại thế giới chưa nhiều. Đặc biệt sau khi tốt nghiệp các trường báo chí vào trong cơ quan báo chí kỹ năng viết bài báo chưa thực hiện được".

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ và bùng nổ của công nghệ thông tin đã làm thay đổi thói quen đọc, nghe, nhìn của công chúng. Chính vì vậy, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho sinh viên, nhà báo để trở thành các nhà báo đa năng là công việc cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.

PGS TS Nguyễn Văn Dũng, Chủ nhiệm khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Việc kết hợp giữa đào tạo trong nhà trường và bồi dưỡng nghiệp vụ tại các cơ quan báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi nó có thể giúp sinh viên thích ứng với những công nghệ làm báo mới, đáp ứng với yêu cầu của chính các cơ quan báo chí.

Ông Dũng nói: “Hiện nay, vấn đề đặt ra là tích hợp kỹ năng đa phương tiện cho sinh viên, nhà báo. Do đó học bất kỳ chuyên ngành nào nhà trường, các cơ sở đào tạo cũng phải có những mô đun tích hợp kỹ năng đa phương tiện cho tất cả các sinh viên, không chỉ riêng báo chí và bắt mạch với cái mới. Việc thực tập thực tế và kỹ năng làm việc tôi nghĩ ai cũng trăn trở, mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí và nhà trường. Hiện nay, mối quan hệ giữa cơ quan báo chí và Học viện báo chí là rất tốt. Nhưng sắp tới chúng ta cần thảo luận, đưa ra những mô hình để làm tốt hơn nữa”.

PGS-TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Hiện nay rất cần đội ngũ giảng viên có kiến thức và kỹ năng tốt, nền tảng tri thức phong phú, nắm bắt các kỹ năng truyền thông đa phương tiện, sử dụng thành thạo truyền thông xã hội…

Do đó, ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho sinh viên và các nhà báo, các cơ sở đào tạo cũng cần dành thời gian để nâng cao kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ giảng viên trong trường đại học, khuyến khích các giảng viên tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn tại các trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí.

Thông tin báo chí ngày nay không chỉ dành cho một phương tiện truyền thông đơn nhất mà còn phục vụ cho nhiều loại hình truyền thông khác nhau, điều đó yêu cầu người làm báo phải có kỹ năng sản xuất và truyền tải thông tin theo xu thế hội tụ.

Để thích ứng với những thay đổi của các phương tiện truyền thông, các cơ sở đào tạo báo chí cần đổi mới nội dung và hệ thống chương trình… theo hướng tích hợp kỹ năng đa phương tiện để người học có thể tích lũy kiến thức phong phú, nắm bắt được các kỹ năng truyền thông hiện đại, đồng thời thích ứng với môi trường truyền thông mới./.

 

Theo VOV

.