Quản lý về an toàn thực phẩm còn chồng chéo: Giải pháp nào tháo gỡ?
Việc quản lý an toàn thực phẩm như hiện nay là chồng chéo. Vì vậy, cần một cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm.
Tại hội thảo về tính pháp lý của vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm do trường Đại học Luật TP HCM vừa tổ chức, nhiều chuyên gia pháp lý cùng chung một nhận định: Cần phải thành lập một cơ quan quản lý riêng về an toàn thực phẩm tại các thành phố trực thuộc trung ương.
Các chuyên gia pháp lý, giảng viên luật đã đưa ra nhận định, việc quản lý an toàn thực phẩm như hiện nay là chồng chéo. Bộ máy quản lý an toàn thực phẩm và hệ thống pháp luật đồ sộ nhưng lại thiếu sự phối hợp, thiếu một đầu mối có đủ thẩm quyền quản lí xuyên suốt vấn đề thực phẩm. Đặc biệt, hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về an toàn thực phẩm quá phức tạp và thậm chí trái ngược nhau.
Người dân mong muốn cơ quan quản lý chặt chẽ việc buôn bán các loại rau, củ qủa (Ảnh minh họa) |
Các chuyên gia dẫn chứng Thông tư 03 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm sử dụng hoạt chất Methamidophos trong trồng trọt, nhưng Quyết định 46 năm 2007 của Bộ Y tế vẫn cho phép sử dụng trong dưa chuột và rau bắp cải. Ngoài ra, quy định về chất cấm giữa các ngành cũng khác nhau, một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 178 không phù hợp với thực tiễn.
Vì thế, nếu tăng chế tài xử phạt lên cao hơn nữa thì cũng không thể chấm dứt được tình trạng thực phẩm "bẩn" tràn lan. Để giải quyết dứt điểm tình trạng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các chuyên gia pháp lý cho rằng, các thành phố trực thuộc trung ương cần có một cơ quan quản lí chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Cơ quan này phải có đủ năng lực, quyền hạn để quản lí các chợ hóa chất, chợ thực phẩm, các lò giết mổ, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm…
Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng trường Đại học Luật TP HCM cho rằng: Quy định pháp luật về an toàn thực phẩm phải minh bạch, rõ ràng. Đồng thời cũng phải tái cơ cấu lại cơ quan chức năng, chứ không thể để quá nhiều đầu mối như hiện nay.
Đại học Luật TP HCM ủng hộ việc thành lập một cơ quan làm đầu mối quản lí an toàn thực phẩm. Bên cạnh việc xử lí nghiêm minh các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân thì cũng phải xử lí nghiêm minh các cán bộ công chức đã lạm dụng quyền hạn chức năng của mình./.
Theo VOV