Nước C2 và Rồng đỏ nhiễm chì: Người tiêu dùng phải làm gì?

Thứ Tư, 01/06/2016, 16:36 [GMT+7]

Người tiêu dùng đã mua và uống phải nước C2, Rồng đỏ nhiễm chì có thể thông qua Hiệp hội Bảo vệ NTD để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của mình.
 
Thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn URC Hà Nội. Đây là công ty sản xuất lô sản phẩm Trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực hiệu Rồng đỏ có hàm lượng chì cao hơn mức công bố.

Theo Quyết định xử phạt hành chính của Thanh tra Bộ Y tế, Công ty TNHH URC Hà Nội đã có các hành vi vi phạm như: Kho bảo quản sản phẩm Hataco và kho Lan Khoa của Công ty không đảm bảo kín, biện pháp phòng chống động vật gây hại tại kho chưa đảm bảo theo quy định.

Đáng lưu ý, Công ty TNHH URC Hà Nội đã sản xuất hai lô sản phẩm thực phẩm, gồm: Trà xanh hương chanh C2 (NSX: 4/2/2016 – HSD: 4/2/2017), nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng đỏ (NSX: 10/11/2015 – HSD:10/8/2016) có hàm lượng chì cao hơn mức công bố, vi phạm quy định tại điểm a, khoản 2, điều 17, Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

“Công ty Công ty TNHH URC Hà Nội còn vi phạm khi bán hai lô sản phẩm thực phẩm này ra thị trường với tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã xuất bán, không thu hồi được là hơn 3,875 tỷ đồng” – kết luận Thanh tra nêu rõ.

Điều này cũng có nghĩa, rất nhiều người tiêu dùng đã mua và uống phải lô hàng hóa nhiễm chì của URC. Nhiều người tiêu dùng đã từng mua và uống các loại nước uống này của URC lo lắng sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe, quyền lợi. Tuy nhiên, lo sợ là vậy nhưng họ lại đang không biết kêu ai?

Về vấn đề này, trao đổi với Luật sư Nguyễn An – Công ty Luật Cộng đồng, được biết: Người tiêu dùng đơn lẻ khó có thể kiện được URC bởi thực tế, rất ít người còn lưu giữ chứng cứ (sản phẩm kém chất lượng), và họ cũng khó chứng minh được đã bỏ ra số tiền bao nhiêu và mua số lượng hàng hóa như thế nào và gây thiệt hại (cụ thể là ngộ độc chì) ra sao.

Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn An, người tiêu dùng có thể thông qua Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trao đổi với VOV.VN, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: "Theo thông tin từ báo chí, cơ quan chức năng cho biết, công ty URC còn vi phạm do có hành vi bán hai lô sản phẩm thực phẩm này ra thị trường với tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã xuất bán, không thu hồi được là hơn 3,875 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng bị thiệt hại về mặt kinh tế, chưa tính đến thiệt hại về sức khỏe khi đã mua, sử dụng những sản phẩm độc hại này".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền được bồi thường theo khoản 6, điều 8 và  có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo khoản 7, điều 8. Theo Luật An toàn thực phẩm,  người tiêu dùng có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo khoản d, điều 9 và được bồi thường thiệt hại theo quy định do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra, theo khoản đ, điều 9.

Như vậy, theo luật pháp hiện hành, người tiêu dùng được bồi thường thiệt hại theo quy định. Người tiêu dùng thông qua các phương thức: Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài; Tòa án để bảo vệ quyền lợi cho mình. Chỉ xin lưu ý, người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

Về phía Hội, đã kịp thời lên tiếng trên báo chí, trong đó báo Người tiêu dùng (cơ quan ngôn luận của Hội), số 230, ra ngày thứ 6 ( 27/5/2016) đã có bài viết khá chi tiết và thể hiện rõ quan điểm về vấn đề này.

“Trước mắt, tôi cho rằng, ngoài việc chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền của nhà nước, Công ty URC cần có lời xin lỗi công khai đối với người tiêu dùng” – ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh./.

 

Theo VOV
 

.