Nhiều trẻ em bị tai nạn trong chính ngôi nhà của mình
Tỷ lệ trẻ em bị tai nạn thương tích ngay trong chính ngôi nhà của mình chiếm tỷ lệ lớn nhất như: bị bỏng, bị điện giật, bị ngã…
Chỉ trong vòng 1 ngày (29/5), đã có 6 trẻ em ở tỉnh Nghệ An tử vong do đuối nước và trong giai đoạn 2010-2014, trung bình mỗi ngày ở Việt Nam có 580 trẻ em bị tai nạn thương tích do tai nạn giao thông, chết đuối, bị ngã và điện giật. Tai nạn thương tích không chỉ gây tổn thất nặng nề về người và tài sản, mà còn để lại nỗi đau dai dẳng đối với nhiều gia đình.
Để giảm thiểu tình trạng này và huy động sự chung tay, vào cuộc hơn nữa của gia đình- nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Tháng hành động vì trẻ em năm nay diễn ra từ ngày 1/6 đến ngày 30/6 có chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”.
Phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan về nội dung này.
Bà Đào Hồng Lan tại buổi họp báo Tháng hành động vì trẻ em 2016 |
PV: Thưa bà, việc phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em là vấn đề không mới, vậy tại sao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại chọn chủ đề này cho Tháng hành động vì trẻ em năm nay?
Thứ trưởng Đào Hồng Lan: Việc chọn chủ đề phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đó là để đảm bảo quyền sống của trẻ em - là quyền cơ bản đầu tiên quan trọng đối với mỗi con người. Vấn đề sống còn của trẻ em bao giờ cũng là mối quan tâm hàng đầu của các cấp, các ngành cũng như đối với mỗi gia đình.
Chính vì vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn quyết định chọn chủ đề năm nay là phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Thứ nhất là triển khai Quyết định 234 được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 2/2016, trong đó có việc tăng cường công tác truyền thồng phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em.
Với chủ đề như vậy thì sẽ có nhiều sự quan tâm hơn từ Trung ương đến địa phương, với nhiều hành động cụ thể hơn. Bởi theo thống kê thì tai nạn thương tích ở trẻ em thời gian qua là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng không chỉ đến cộng đồng xã hội nói chung mà để lại nỗi đau rất lớn cho mỗi gia đình khi có con em bị tai nạn thương tích, hoặc tử vong do tai nạn thương tích.
Thứ 2, đây cũng là để triển khai Luật trẻ em vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có 4 quyền cơ bản của trẻ em. Đó là quyền sống, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia của trẻ em. Do vậy, tôi nghĩ không bao giờ thừa, năm nay có làm, sang năm vẫn là việc chúng ta cần cảnh báo, bởi tai nạn thương tích đến với các em không chỉ có mùa hè.
Qua các hoạt động như vậy, chúng ta cần nâng cao nhận thức của xã hội, sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như mỗi gia đình trong việc bảo vệ con em mình.
PV: Bà đánh giá như thế nào về việc phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em trong cả nước thời gian qua?
Thứ trưởng Đào Hồng Lan: Qua đánh giá việc triển khai Chương trình phòng chống tai nạn thương tích giai đoạn 2013-2015, cũng như xây dựng chương trình giai đoạn 2016-2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ, ngành liên quan đánh giá tình hình thực trạng việc phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, cũng như tình hình trẻ em bị tai nạn thương tích trong thời gian qua.
Có thể nói, tỷ lệ trẻ em bị tai nạn thương tích của giai đoạn này so với giai đoạn trước có giảm. Trước đây, có trên 1.000 trẻ em bị tai nạn thương tích trong vòng mội ngày, nhưng nay con số này giảm còn khoảng trên 500 trẻ mỗi ngày. Nguyên nhân gây ra tai nạn thương tích cho trẻ thì có nhiều, ở cộng đồng, ở trường học, thậm chí ngay ở trong mỗi gia đình.
Ở đây chúng tôi thống kê là tai nạn từ nhỏ đến lớn, chứ không chỉ tai nạn thương tích gây tử vong, nhưng tỷ lệ trẻ em bị tai nạn thương tích ngay trong chính ngôi nhà của mình lại chiếm tỷ lệ lớn nhất (khoảng 50% các vụ tai nạn gây thương tích ở trẻ thời gian qua, mà các em có thể bị bỏng, bị điện giật, bị ngã ngay trong ngôi nhà của mình), tiếp đó là trẻ bị tai nạn thương tích do tai nạn giao thông và tai nạn thương tích do đuối nước.
Do vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai các chương trình phòng chống tai nạn thương tích ở các địa phương, hướng tới cả cộng đồng an toàn, trường học an toàn và trường học an toàn để mà có những giải pháp cụ thể.
PV: Như bà vừa nói thì một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích nhiều ở trẻ em vừa qua là do chết đuối, vậy phải chăng phong trào dạy bơi cho trẻ thời gian gia vẫn chỉ dừng ở khẩu hiệu?
Thứ trưởng Đào Hồng Lan: Tôi nghĩ rằng để dạy bơi cho các em chúng ta phải kết hợp nhiều giải pháp. Không phải tất cả đều đầu tư đồng loạt xây dựng các bể bơi, vì đặc điểm ở các vùng là khác nhau. Đặc biệt là ở phía Bắc có 4 mùa, để xây được một bể bơi mà có thể áp dụng được 4 mùa thì rất là tốn kém, cùng với đó là việc duy trì vận hành nó cũng rất là tốn kém.
Nếu mà chúng ta triển khai đồng loạt trong tất cả các trường học xây dựng bể bơi thì gây lãng phí lớn. Do vậy, tôi nghĩ rằng để có có thể dạy bơi cho các cháu chúng ta phải kết hợp nhiều giải pháp. Có thể đối với những nơi mà có bể bơi sẵn có thì chúng ta tổ chức các lớp học bơi, có thể hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ phí học bơi cho các em.
Đối với những vùng mà không có điều kiện xây bể bơi thì chúng ta tận dụng những địa hình sẵn có, tổ chức dạy bơi cho các cháu ở đó. Tôi nghĩ chúng ta phải kết hợp được nhiều biện pháp và ngoài trách nhiệm của cộng đồng, cơ quan ra thì vai trò, trách nhiệm của bố mẹ rất lớn. Những gia đình nào có điều kiện có thể cho con học bơi, những gia đình nào khó khăn thì có thể nhờ đến sự hỗ trợ của các cơ quan để chúng ta dạy bơi được nhiều hơn cho các em.
PV: Xin cảm ơn bà./.
Theo VOV