Giản dị, đầm ấm những bữa cơm sum vầy

Thứ Ba, 28/06/2016, 19:20 [GMT+7]

Điện Biên TV - Bữa cơm gia đình là yếu tố rất quan trọng gắn kết hạnh phúc của một gia đình. Bữa cơm không chỉ đơn giản là nơi cung cấp những chất dinh dưỡng để bảo vệ sức khỏe mà còn là dịp gắn kết các thành viên trong gia đình, tạo tình cảm yêu thương gắn bó. Chính vì vậy, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định vẫn chọn chủ đề "Bữa cơm gia đình - ấm áp yêu thương" cho ngày gia đình Việt Nam năm nay.

Từ xưa tới nay, bữa cơm gia đình không chỉ là bữa ăn đơn thuần để hưởng thụ mà không khí của bữa ăn còn có giá trị tinh thần rất lớn. Đó là những khoảnh khắc sum họp, là nơi để thể hiện sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc nhau của mỗi thành viên trong gia đình. Ngồi ăn cơm cùng nhau là dịp duy nhất trong ngày để mọi người quan tâm thể hiện tình cảm với nhau. Con trẻ thể hiện sự kính trọng với ông bà, cha mẹ qua từng cử chỉ ăn uống; cha mẹ có dịp hỏi han việc học hành của con, chia sẻ những ý tưởng, những tâm tư của con cái; vợ chồng thể hiện tình yêu thương, chăm sóc nhau.

f
Bữa cơm sum họp của gia đình bà Lò Thị Hoa, bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên.

 

Hiểu được giá trị to lớn mà bữa cơm gia đình mang lại, nên dù bận rộn với công việc, hàng ngày gia đình bà Lò Thị Hoa, bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên luôn cố gắng cùng nhau vào bếp để chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Mỗi người một việc, bữa cơm dường như ý nghĩa hơn rất nhiều. Bà Lò Thị Hoa chia sẻ: "Tôi đang tham gia công tác xã hội, còn chồng thì ở nhà. Mặc dù công việc của mỗi người rất bận rộn nhưng trong mỗi bữa cơm gia đình, vợ chồng tôi đều giúp nhau nấu ăn, chia sẻ công việc dọn dẹp nhà cửa."

Dù là cán bộ, công chức, viên chức hay người nông dân đang bận rộn mùa cấy thì bữa cơm gia đình vẫn là phút giây sum họp, mong chờ. Khi chuẩn bị bữa cơm cũng là lúc người mẹ dạy các con mình sắp bát đũa và “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”; trước khi ăn phải mời theo thứ bậc trong gia đình; cách xới cơm cho mọi người. Là lúc các ông bố có thêm thời gian để bên gia đình, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ qua đó có thể tìm hiểu, cảm thông và sẻ chia những áp lực mà mỗi người gặp phải trong cuộc sống. Bên mâm cơm thơm lừng mùi lúa mới, không thể thiếu các món ăn truyền thống của mỗi dân tộc. Khi đó, bữa cơm không đơn thuần là nơi cung cấp dinh dưỡng mà còn là nơi lưu giữ các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Lò Văn Piếng, Đội 12, bản Mển, xã Thanh Nưa tâm sự: "Trong bữa cơm của gia đình tôi thường trao đổi về công việc của mỗi thành viên, ví như công việc đồng áng của gia đình, lúa hôm nay có bị sâu bệnh gì và cần phun thuốc, bón phân như thế nào cho phù hợp; việc học của các cháu trong gia đình ra sao."

Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình đầm ấm, yêu thương là điểm tựa để mỗi thành viên trong gia đình gặt hái được những thành công trong cuộc sống. Bữa cơm gia đình được ví như sợi chỉ hồng gắn kết các thành viên trong một gia đình với nhau. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, khi mà mọi người đều bận rộn với cuồng quay cuộc sống thì việc sum họp, đầm ấm bên mâm cơm gia đình lại càng quan trọng và cần thiết vun đắp hạnh phúc gia đình để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

 

Nguyễn Hằng - Hoàng Út
 

.