Điện Biên chủ động phòng chống lụt bão

Thứ Tư, 01/06/2016, 10:39 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mặc dù mới bước vào mùa mưa, song thiên tai đã gây thiệt hại lớn tại một số địa phương trên địa  bàn tỉnh, chủ yếu là nhà cửa, trường học bị tốc mái và hệ thống cột điện tại một số địa phương bị gãy, đổ gây ra sự cố mất điện trong nhiều ngày mới có thể khắc phục trở lại. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đã tập trung triển khai nhiều phương án ứng phó và giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt do mưa lũ gây ra.

d
Từ đầu mùa mưa đến nay, mưa lớn, mưa đá kèm theo lốc xoáy xảy ra trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại trên 170 tỷ đồng.

 

Là một tỉnh miền núi, địa hình bị chia cắt, kết cấu địa chất ở một số khu vực không bền vững. Mỗi mùa mưa đến, nhiều địa phương trong tỉnh phải đón nhận những trận mưa lớn gây ra sạt lở đất đá, vùi lấp hoa màu và nhà cửa của người dân. Hậu quả để lại là rất lớn và việc khắc phục triệt để những hậu quả này không thể giải quyết trong một sớm, một chiều mà đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở. Nhận thức rõ điều đó, công tác chủ động phòng chống, ứng phó với thiên tai vào mỗi mùa mưa luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Ông Trần Hà Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Trên cơ sở đánh giá, nhận định của cơ quan chuyên môn, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai các phương án cụ thể nhất với phương châm 4 tại chỗ đó là: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát những vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân nâng cao ý thức và trách nhiệm trong công tác phòng chống lụt bão."

Điện Biên hiện có 130 xã, phường, thị trấn thì vẫn còn rất nhiều xã chưa có đường bê tông, đường nhựa hoặc cấp phối nên cứ mỗi mùa mưa việc di chuyển, đi lại tại những nơi này gần như là không thể. Bên cạnh đó, ngay tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ mặc dù liên tục được sửa chữa, nâng cấp bằng nguồn vốn của Trung ương cũng như của tỉnh. Song thực tế cho thấy, nguy cơ sạt lở vào mùa mưa vẫn diễn ra do kết cấu địa chất không bền vững, mưa lớn lâu ngày thẩm thấu vào đất nên dẫn đến sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông trong nhiều ngày. Vì vậy, công tác đảm bảo giao thông tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cũng như đường liên xã, liên thôn, bản được các đơn vị, các địa phương lên kế hoạch chi tiết, cụ thể. Bố trí con người, phương tiện, máy móc để sẵn sàng hót sụt sạt, làm cống tạm hoặc kè rọ đá với quyết tâm cao nhất là đảm bảo giao thông trên địa bàn toàn tỉnh được thông suốt.

d
Các địa phương và đơn vị chức năng đã bố trí con người, phương tiện, máy móc để sẵn sàng hót sụt sạt, làm cống tạm hoặc kè rọ đá với quyết tâm cao nhất là đảm bảo giao thông trên địa bàn toàn tỉnh được thông suốt.

 

Ông Đinh Ngọc Tỏa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Quản lý đường bộ 2 cho biết: "Trên cơ sở các tuyến đường giao quản lý, Công ty đã chủ động xây dựng phương án để kiện toàn bộ máy ứng cứu đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ năm 2016; đồng thời xác định các vị trí trọng tâm, trọng yếu để đầu tư máy móc phương tiện, thiết bị và nguyên vật liệu tại các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở trong mùa mưa lũ với phương châm 4 tại chỗ."

Theo thống kê của cơ quan thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh: Từ đầu mùa mưa đến nay, mưa lớn, mưa đá kèm theo lốc xoáy đã gây thiệt hại trên 170 tỷ đồng. Do chủ yếu xảy ra vào ban đêm nên công tác khắc phục hậu quả rất khó khăn. Việc khắc phục sự cố mất điện, nhà cửa, cơ quan, đơn vị và trường học đã được các địa phương khẩn trương khắc phục để ổn định cuộc sống cũng như công tác của cán bộ và nhân dân. Ban chỉ huy cũng chỉ đạo các địa phương di chuyển dân cư, tài sản đến nơi an toàn tại những vị trí có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn, thời tiết năm nay tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là trong mùa mưa. Tỉnh Điện Biên đã và đang tiếp tục tập trung triển khai nhiều phương án cùng với sự chủ động của người dân nhằm phòng chống, ứng phó và giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai trong mùa mưa năm nay./.

 

Anh Thu – Văn Hùng
 

.