Đăng ký biển số cho xe máy điện: Chú trọng khâu tuyên truyền
Điện Biên TV - Đó là nhận xét của Trung tá Đặng Xuân Thụy, Đội trưởng Đội đăng ký, quản lý phương tiện, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh). Do làm tốt khâu tuyên truyền nên Điện Biên được đánh giá là một trong những tỉnh ở khu vực miền Bắc thực hiện tốt nhất việc đăng ký biển số cho xe máy điện.
Chỉ còn chưa đến 1 tháng nữa là hết hạn ưu đãi trong đăng ký xe máy điện. Theo quy định, kể từ ngày 1/7/2016, nếu chủ phương tiện không đi đăng ký mà sử dụng để tham gia giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Trước đây, việc đăng ký xe máy điện theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2014 của Bộ Công an nảy sinh một số vướng mắc về giấy tờ của xe. Nhiều người mua xe chưa quan tâm đến giấy tờ hoặc cửa hàng bán xe không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của xe cung cấp cho khách hàng. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 54/2015/TT-BCA ngày 22/10/2015 bổ sung vào Thông tư số 15 với nhiều điểm tạo thuận lợi cho nhân dân.
Sau khi có hướng dẫn của Bộ Công an, Công an tỉnh đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, huyện, thành phố cùng tham gia phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng ký xe máy điện đến toàn thể nhân dân trong tỉnh. Theo đó, khi đến làm các thủ tục đăng ký, chủ xe chỉ cần xuất trình những giấy tờ: bản photocopy sổ hộ khẩu xác nhận có hộ khẩu tại tỉnh (đối với chủ xe là cá nhân), mang theo bản chính để đối chiếu; giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức (đối với chủ xe là cơ quan, tổ chức); chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân của người đăng ký. Đối với xe có hóa đơn giá trị gia tăng và chứng từ nguồn gốc xe sử dụng giấy khai đăng ký xe và không phải lưu bản photocopy sổ hộ khẩu.
Người dân đăng ký xe tại Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) |
Những ngày đầu của kỳ nghỉ hè, tại điểm đăng ký biển kiểm soát của Phòng CSGT có khá đông người dân đến làm thủ tục, nhất là học sinh, sinh viên. Em Nguyễn Văn Anh, học sinh Trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ đang chờ gọi tên lên bấm biển số. Được hỏi về thủ tục đăng ký em cho biết: “Trước đó, các chú cảnh sát giao thông vào trường hướng dẫn kê khai các thủ tục đăng ký biển số cho xe máy điện nên khi đi đăng ký rất thuận tiện”.
Trung tá Đặng Xuân Thụy cho biết: Khi chưa có Thông tư số 54, gần như tất cả xe máy điện trong tỉnh đều chưa được đăng ký. Khi Thông tư có hiệu lực, phòng đã tham mưu cho Công an tỉnh gửi văn bản đến các sở, ban, ngành, huyện, thành phố đề nghị phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định về đăng ký xe máy điện. Lực lượng công an chủ động tuyên truyền đến các điểm bán xe máy điện biết để hướng dẫn cho khách hàng. Tính đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký được 1.409 xe máy điện.
Vừa đăng ký biển số cho chiếc xe máy điện xong, chị Nguyễn Thị Lành, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ cho biết: “Trước đây, tôi đi đăng ký nhưng chưa được, cán bộ Phòng CSGT nói thiếu giấy tờ, nhưng lần này tôi nghe trên loa, đài phát thanh thông báo việc đăng ký đã thuận lợi hơn, thậm chí xe chưa có số khung, máy sẽ được đóng số rồi đăng ký”.
Cũng theo Trung tá Thụy đánh giá, số phương tiện đăng ký trên là khá cao bởi so với tỷ lệ người dân sử dụng xe máy điện. Để có được những kết quả này, ngay từ trước khi triển khai Thông tư 54 bổ sung, chúng tôi đã chủ động đến tận nhà dân để tuyên truyền, phát tờ khai cũng như hướng dẫn cho nhân dân kê khai đăng ký xe máy điện, mô tô điện. Chúng tôi xác định số người sử dụng loại phương tiện này chủ yếu là học sinh, sinh viên, người cao tuổi, do vậy đơn vị cũng đã kết hợp với Ban giám hiệu các trường tuyên truyền, vận động phụ huynh, chủ sở hữu phương tiện đến đăng ký. Do các em học sinh chỉ đi đăng ký được ngoài giờ học nên chúng tôi phải làm ngoài giờ, chủ yếu từ 4 giờ chiều đến 6 giờ 30 tối, riêng ngày thứ 7 cả Đội làm toàn thời gian.
Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tiếp nhận và đăng ký đối với xe máy điện thời gian qua đã đạt kết quả rất cao. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, quá trình thực hiện các đơn vị vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, việc xác minh cụ thể chiếc xe máy điện và xe đạp điện vẫn còn nhiều lúng túng. Bên cạnh đó, do Thông tư 54 bổ sung “quá mở”, nên những phương tiện không có giấy tờ, hóa đơn vẫn được đăng ký miễn phí. Vẫn còn số lượng lớn xe máy điện đang lưu thông chưa làm thủ tục đăng ký; nhiều trường hợp xe không có số khung, số máy, hoặc số khung số máy mờ nên phải đóng lại số khung, số máy, dẫn đến mất nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ đăng ký. Chủng loại, nhãn hiệu các xe máy điện cũng đa dạng, không thống nhất dẫn đến quá trình nhập dữ liệu gặp khó khăn; nhiều trường hợp không có hóa đơn giá trị gia tăng, không có phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng... gây nhiều khó khăn cho công tác đối chiếu, kiểm tra cụ thể khi đăng ký.
Cũng theo Trung tá Đặng Xuân Thụy, qua công tác tuần tra kiểm soát, người tham gia giao thông bằng loại phương tiện trên chưa đăng ký còn khá nhiều, nhất là học sinh. Vì vậy, chúng tôi chỉ đạo lực lượng làm nhiệm vụ, trong quá trình xử lý các trường hợp đi xe máy điện vi phạm an toàn giao thông kết hợp tuyên truyền cho người dân thực hiện việc đăng ký xe. Đồng thời, theo quy định, bắt đầu từ ngày 1/7/2016, các chủ phương tiện xe máy điện nếu không đăng ký sẽ bị xử lý nghiêm khi tham gia giao thông. Mức phạt đối với các chủ phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự ATGT thấp nhất là 80.000 đồng, cao nhất đến 1 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tùy theo lỗi vi phạm.
Thiết nghĩ, việc đăng ký mô tô điện, xe máy điện là cần thiết đối với chủ phương tiện. Qua đó, sẽ giúp cho cơ quan chức năng quản lý tốt các phương tiện cơ giới đường bộ, giảm thiểu tai nạn giao thông, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật. Để việc đăng ký mô tô điện, xe máy điện mang lại hiệu quả cao, chủ phương tiện cần tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong việc đăng ký. Các cơ quan chức năng cũng cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm cũng như hiểu được lợi ích khi đăng ký mô tô điện, xe máy điện.
Văn Tâm