Vũng Chùa – Những ngày tháng 5

Thứ Tư, 25/05/2016, 10:52 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trải qua một chặng đường gần 900Km từ Điện Biên Phủ về thăm nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, bản thân sống trên mảnh đất Điện Biên Phủ những chiến công lừng lẫy về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mặc dù chỉ nghe qua câu chuyện lại tràn về trong tôi.

d
Nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Để đi vào Vũng Chùa, chúng tôi phải đi qua rất nhiều tỉnh như: Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Cuối địa phận Hà Tĩnh, đoàn xe chúng tôi đi qua Đèo Ngang - ranh giới của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình để đến được nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sinh ra và lớn lên tại Điện Biên, là thế hệ đi sau không được trứng kiến trận đánh Điện Biên Phủ năm xưa nhưng qua lời kể các nhân chứng, qua sách báo bản thân tôi cũng thấy được sự chỉ huy tài tình của Đại tướng và cũng không thể quên được sự hi sinh anh dũng của nhiều chiến sĩ bộ đội trong trận đánh này. Tôi cảm thấy tự hào vì được sinh ra và lớn lên ở đây!

Chưa một lần đến Vũng Chùa, khi đoàn xe dừng chân tại Đèo Ngang hỏi đường thì gặp bà Hải, chủ cửa hàng tạp hóa gần Đèo mới biết bà sinh sống ở đây đến nay đã gần 60 năm; nhìn bà Hải rất vui mừng hỏi chúng tôi "Các anh vào thăm mộ Đại tướng à? Cũng nhiều đoàn vào đây không biết đường đều qua quán nước này hỏi, các anh người Điện Biên đúng không? Đợt này người Điện Biên vào thắp hương mộ Đại tướng nhiều lắm!". Khi lên tiếp tục chuyến đi tôi cảm thấy trong lòng rất vui, phấn khởi khi mà mảnh đất tôi đã sinh ra và lớn lên lại được nhiều người biết đến, cảm ơn Đại tướng, cảm ơn trận đánh Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm xưa. Cuối cùng đoàn chúng tôi cũng đến được nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào những ngày tháng 5 năm này, do đợt nghỉ lễ này khá dài ngày nên lượng khách thập phương có điều kiện đến với Quảng Bình càng nhiều. Và hiển nhiên, khi đặt chân đến mảnh đất nắng gió miền Trung này, ai trong số họ cũng có tâm nguyện được một lần đến dâng hương viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, để được tri ân sâu sắc đối với vị tướng huyền thoại của nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.

Để lên viếng mộ Đại tướng, từ bãi đậu xe, mọi người đi bộ theo con đường rộng trải nhựa phẳng lì uốn cong theo triền núi, rồi men theo bờ biển Vũng Chùa dẫn tới chân núi Thọ Sơn. Tại điểm gác đầu tiên của Đội bảo vệ khu mộ, người đến viếng sẽ được hướng dẫn, nhắc nhở khách tham quan chỉnh đốn trang phục khi lên viếng mộ và các đoàn làm thủ tục đăng ký. Đến chốt gác thứ hai ngay dưới chân khu mộ Đại tướng, mọi người sẽ được hướng dẫn thủ tục đến dâng hoa và thắp hương. Được biết, người đến viếng sẽ được thắp hương trước mộ Đại tướng vào những ngày số lượng khách viếng ít; riêng vào các dịp lễ, tết có số lượng khách viếng  đông, người đến viếng được yêu cầu không thắp hương nhằm bảo đảm an toàn, không bị ùn tắc.

Trong dòng người nối dài viếng mộ, mọi người đã tỏ lòng tri ân sâu sắc trước anh linh Đại tướng. Tôi gặp và nói chuyện với một Cựu chiến binh từ TP. Hồ Chí Minh ra, được biết: " Vợ chồng tôi đi xe khách từ trong ấy ra đây viếng mộ Đại tướng. Tôi ở xa quá, tuổi cao sức yếu, rất khó có lần thứ 2 đến viếng mộ của Đại tướng, hôm nay được thắp nén hương thơm cho Người, vợ chồng tôi đã thỏa tâm nguyện". Cảm xúc của người cựu chiến binh ấy cũng như cảm xúc của tất cả mọi người khi một lần đến đây, họ đều thỏa mãn tâm nguyện khi được dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của Đại tướng.

Tạm biệt Vũng Chùa - Đảo Yến trong nghẹn ngào niềm tiếc thương. Dưới cái nắng như đổ lửa của miền Trung gió cát, dòng người vẫn không ngừng nối dài, nối dài mãi. Thế mới biết sức mạnh lòng dân, của tình yêu nước không bao giờ nguội tắt./.

 

Tuấn Anh

 

.