"Trị" chất cấm trong chăn nuôi: Lỗ hổng to trong quản lý

Thứ Sáu, 13/05/2016, 15:54 [GMT+7]

 Chất cấm trong chăn nuôi vẫn được bán tràn lan trên thị trường. Vì lợi nhuận, thương lái và người nuôi vẫn lén lút “đút” cho heo ăn.

Dù đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục cấm trong sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi từ năm 2002 nhưng Salbutamol (hay còn gọi là chất tạo nạc) vẫn được sử dụng tràn lan trong nuôi heo. Người tiêu dùng đang bị đầu độc bởi cách thức làm ăn gian dối. Vì sao việc ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo khó đến vậy?

Đồng Nai được mệnh danh là “thủ phủ” của nghề chăn nuôi heo ở Nam Bộ với tổng đàn hơn 1,6 triệu con vào thời điểm hiện tại. Đây cũng là nơi có nhiều vụ sử dụng chất cấm Salbutamol bị phát hiện. Hỏi người chăn nuôi có biết Salbutamol bị cấm không, hầu hết trả lời có. Nhưng vì sao vẫn mắc? Đó phần nhiều do họ sử dụng cám do thương lái mang tới.

Ông Nguyễn Văn Hùng, đã 20 năm làm nghề chăn nuôi heo ở ấp 2, xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai phân trần: “Có nhiều khi thương lái nói, tôi đưa cho anh cái này, anh cho ăn đi rồi tôi mua giá cao hơn. Nhiều chủ chăn nuôi chỉ quan tâm đến heo có nhanh lớn hay không, có nhanh bán được không, ngoại hình có đẹp không”.

Salbutamol là thuốc do ngành Y tế nhập về để dùng trong thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí, viêm phế quản mãn tính, giãn phế nang… Heo ăn chất này tỷ lệ nạc cao hơn, màu thịt đẹp hơn, giá bán cao hơn từ 2000-3000 đồng/kg nhưng người tiêu dùng ăn thịt heo lâu dần sẽ bị tăng huyết áp, run cơ, rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục cấm sử dụng. Thế nhưng, vì lợi nhuận thương lái và người nuôi vẫn lén lút “đút” cho heo ăn.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết: “Chất cấm trong chăn nuôi được từ các công ty nhập ở nước ngoài về. Nó có ở các cửa hàng bán thuốc thú y hoặc có ở một số cửa hàng bán cám. Thậm chí một số người tiếp thị cám mang sản phẩm này bán kèm với cám đó”.

Như vậy, để Salbutamol tuồn ra bên ngoài để những người không có lương tâm dùng cho heo ăn, đầu độc người tiêu dùng có trách nhiệm của ngành Y tế do “thả nổi” quản lý. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an, lực lượng chức năng chưa phát hiện vụ buôn lậu Salbutamol nào qua đường biên giới. Trong 9,1 tấn Salbutamol mà các công ty dược được Bộ Y tế chấp thuận cho nhập về trong hai năm 2014-2015 thì có đến 6,2 tấn không được ngành dược sử dụng mà bán ra thị trường.  Salbutamol được nhập về với giá 1,5 triệu đồng/kg, nhưng bán ra đến 15 triệu đồng/kg, mức lãi gấp 10 lần giá vốn.

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, chế tài xử phạt không đủ răn đe những người chăn nuôi heo sử dụng chất cấm. Mức phạt từ 5-10 triệu đồng đối với nông hộ, từ 10-20 triệu đồng đối với trang trại khi phát hiện sử dụng chất cấm là quá nhẹ. Vì vậy, những đối tượng vi phạm sẵn sàng nộp phạt rồi lại tái phạm với thủ đoạn tinh vi hơn.

Khi lực lượng thú y đến kiểm tra, một số trại heo chống đối nên không kiểm tra được. Theo quy định, nếu phát hiện có chất cấm thì người nuôi phải tiếp tục nuôi đến khi kiểm tra lại có kết quả âm tính thì mới được xuất bán, nhưng họ không tuân thủ mà lén lút xuất bán hết đàn heo hoặc bán hết đàn heo có chất cấm rồi mua đàn khác về bỏ vào đó thay thế.

Ông Trần Văn Quang cho biết, người dân kiểm tra trong lò mổ mà phát hiện heo dương tính với chất cấm thì chúng ta phải lưu giữ đàn heo đó lại. Khi lưu giữ đàn heo đó lại thì phải có chính quyền địa phương giám sát hoặc lực lượng thú y giám sát ở đó chứ không là người ta sẽ đánh tháo đàn heo. Nếu phát hiện trên quầy thịt thì phải có tủ đông lạnh để cấp đông. Ở các lò mổ hiện nay không đáp ứng được điều kiện này.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đến thời điểm này, vẫn còn nhiều bất hợp lý từ các văn bản, chính sách về thanh tra chuyên ngành nên rất khó áp dụng đối với thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất.

“Cơ quan thanh tra vào kiểm tra, nếu báo trước thì người ta sẽ giấu đi. Còn lại thanh tra hành chính thì thanh tra trên hồ sơ, giấy tờ. Chủ yếu thanh tra chuyên ngành là thanh tra trên hiện vật nhưng trình tự, thủ tục tiến hành 1 cuộc thanh tra lại gần giống một cuộc thanh tra hành chính, nên cần thiết phải sửa. Đối với Luật Thanh tra năm 2010, chúng ta có một bộ phận thanh tra chuyên ngành, nhưng bộ phận này không nói rõ về mặt tổ chức như thế nào”- ông Nguyễn Văn Việt nói.

Sẽ rất nguy hiểm khi hơn 6 tấn chất cấm đang trôi nổi ngoài thị trường đủ để “tạo nạc” cho 6 triệu con heo. Khi công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi còn nhiều “lỗ hổng” như vậy, người tiêu dùng vẫn sẽ tiếp tục bị đầu độc./.

 

Theo VOV

.