Tai nạn giao thông thảm khốc: Không thể thiệt thòi mãi đổ lên dân

Thứ Hai, 23/05/2016, 13:49 [GMT+7]

Hàng chục người bị chết và bị thương trong vụ tai nạn giao thông ở Bình Thuận. Hậu quả được so sánh khủng khiếp hơn cả chiến tranh.
 
Sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Bình Thuận làm 12 người chết, 32 người bị thương, không khí tang tóc đang bao trùm lên biết bao nhiêu gia đình. Trong số các nạn nhân xấu số, mới chỉ có 2 người đã được nhận dạng. Những nạn nhân còn lại, dù gia đình đã biết hung tin, nhưng vẫn chưa thể nhận thi thể nạn nhân về lo hậu sự.

Những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng hình như chỉ để lại sự cảnh tỉnh cho các lái xe, người tham gia giao thông trong một thời gian ngắn? Bằng chứng là, liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Điều đáng nói, cuối cùng người phải hứng chịu hậu quả đau thương nhất là hành khách, là những người dân, trong số họ không ít người có gia cảnh vô cùng khốn khó.

Đi tìm nguyên nhân của những vụ tai nạn giao thông, cụ thể tại Bình Thuận, theo UBND tỉnh này, trong năm 2015, trên một số đoạn đường đã cải tạo, sửa chữa mặt đường của tuyến QL1A không lắp dải phân cách đã xảy ra nhiều vụ tai nạn rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Để ngăn chặn TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại đoạn đường trên, UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT lắp dải phân cách cứng và các điều kiện ATGT, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ tai nạn tại Bình Thuận. Nhưng điều khiến mọi người bất an là chúng ta có rất nhiều qui định về ATGT mà sao tai nạn vẫn xảy ra? Thực tế này bắt buộc chúng ta phải xem lại cách thức quản lý ATGT. Sau những vụ TNGT này, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận một thực trạng “nhờn luật” của những người lái xe và cả những người thi hành công vụ.

Không phải nói đâu xa, ngay đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa rồi, lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông hoạt động rất tích cực nhưng tình trạng xe khách nhồi nhét, chở quá số người qui định vẫn tái diễn. Thử hỏi, nếu không có sự “cho qua” của những người thi hành công vụ, sự tham lam, coi thường pháp luật của nhà xe thì làm gì còn “đất” cho những vi phạm này sống? Nếu như các địa phương không thực hiện quyết liệt, nghiêm túc để đánh giá đúng thực trạng, xử lý nghiêm vi phạm thì không hy vọng sẽ tạo được sự chuyển biến thực sự đối với đội ngũ lái xe khách.

Xe khách đang được ví như những “hung thần xa lộ” vẫn ngày đêm ngang nhiên hoành hành trên các tuyến đường, mang theo đó là biết bao nhiêu mạng sống. Người dân biết nhưng vẫn phải nhắm mắt giao mạng sống của mình cho các hung thần vì không còn lựa chọn nào khác. Vì sao lại có tình trạng lái xe coi thường pháp luật như vậy? Đây là hệ quả của việc buông lỏng quản lý, khoán trắng cho đội ngũ lái xe của những chủ xe tư nhân. Chính vì vậy để có thu nhập lái xe thường phóng  nhanh, tranh giành khách, chở quá số người quy định... Chưa kể tới việc do đặt lợi nhuận lên trên hết nên nhiều nhà xe tư nhân chỉ thuê một người cầm lái. Do phải lái xe liên tục nhiều giờ, nhiều lái xe buồn ngủ, sức khỏe không đảm bảo nên đã gây tai nạn giao thông. Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra do tài xế ngủ gật.

Sau tai nạn, lái xe chết, nhiều người chết. Quá nhiều người dân chết. Nhiều người đau xót nói rằng, hậu quả còn hơn cả chiến tranh! Người chịu trách nhiệm chính trong vụ tai nạn là những lái xe cũng đã chết. Sau cái chết của hàng chục người, đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại việc quản lý và chấp hành pháp luật. Bởi một chiếc xe khách để được chạy trên đường phải qua bao nhiêu qui trình kiểm định, giám sát, kiểm tra… vì thế nó liên quan tới rất nhiều tổ chức, cá nhân.

Theo ý kiến một độc giả gửi đến VOV.VN, cần phân tích nguyên nhân vụ tai nạn với nhiều khía cạnh. Thứ nhất, lỗi của lái xe: Nên xem xét anh ta có vội vàng không, có mệt mỏi không, có bực tức gì không, có tự mãn không… Thứ hai, lỗi về kỹ thuật của xe: về tay lái, lốp... Thứ 3 là lỗi về các yếu tố ngoại vi: mặt đường gồ ghề, trơn trượt, tầm nhìn che chắn... Từ đây xác định được lỗi do ai gây ra. Nếu là yếu tố 1 thì chủ phương tiện và lái xe phải cùng chịu trách nhiệm vì chủ phương tiện và lái xe không thực hiện tập huấn an toàn hàng năm; Nếu là yếu tố 2 thì chủ phương tiện và cơ quan kiểm định chịu trách nhiệm; Nếu là yếu tố 3 thì lái xe phải chịu trách nhiệm.

Ngay sau khi vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Bình Thuận xảy ra, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình - Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia đã có công văn chỉ đạo khẩn việc khắc phục hậu quả vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại Bình Thuận làm 12 người chết, 35 người bị thương. Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân gây ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng này, nhất là trách nhiệm liên đới của chủ phương tiện và chủ doanh nghiệp vận tải, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.

 

Theo VOV
 

.