Mường Nhé thiếu rau xanh quanh năm
Điện Biên TV - Dạo một vòng quanh Chợ Trung tâm huyện Mường Nhé có thể thấy mặt hàng rau ở đây rất đơn điệu. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, người có thâm niên bán rau tại Chợ Trung tâm huyện cho biết, rau xanh ở Mường Nhé chủ yếu là các loại như: Bắp cải, mùng tơi, rau muống; còn các loại rau thơm, rau sống, củ, quả (hành, mùi, húng, xà lách, cà chua, ớt, tỏi, cà rốt...) thì hiếm nên phải nhập từ nơi khác về. Người bán rau lẻ như chị Hằng thường phải hợp đồng với chủ rau, chủ xe nên mỗi cây rau phải “cõng” cả tiền xăng xe, chẳng thể nào rẻ được. Như bắp cải ở đây bán dao động từ 15.000-18.000 đồng/kg, rau cần 20.000 đồng/kg, dưa chuột giá từ 25.000-30.000 đồng/kg, đỗ 20.000 đồng/kg... Giá rau xanh cao khiến nhiều người khi mua rau cũng phải căn ke cho phù hợp với hầu bao của mình.
Cùng chung tâm lý với người tiêu dùng, chủ nhà hàng Tuấn Tú (trung tâm huyện) chia sẻ: Mỗi ngày, nhà hàng tiêu thụ từ 5 – 10kg rau xanh, hôm nào đông khách có thể nhiều hơn. Rau xanh tại chỗ mùa này chỉ có 2 loại chính là cải bắp và mùng tơi; để đảm bảo phong phú bữa ăn cho khách, nhà hàng thường nhập rau từ TP. Điện Biên Phủ.
Chị Bùi Thị Liệu, bản Mường Nhé, xã Mường Nhé chăm sóc vườn rau. |
Tìm hiểu về tình trạng khan hiếu rau trên địa bàn huyện, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Võ Hoài Nam, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé. Ông Nam cho biết: Toàn huyện Mường Nhé hiện có khoảng 253ha trồng rau màu, sản lượng đạt 3.749 tấn (số liệu năm 2015). Tuy nhiên, người trồng rau trên địa bàn vẫn làm theo kiểu manh mún; diện tích canh tác nhỏ lẻ, sản xuất phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác còn hạn chế; chủ yếu mùa nào thức ấy nên năng suất, chất lượng và hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, do thói quen sinh hoạt của người dân vẫn còn phụ thuộc vào tự nhiên hoặc chỉ sản xuất mang tính tự cấp tự túc, không có thói quen trao đổi, buôn bán... nên không có nguồn cung rau. Một số bản: Mường Nhé, Nậm Là... xã Mường Nhé, có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, gần suối, tận dụng được nguồn nước tưới tự nhiên nhưng ít hộ trồng rau theo hướng chuyên canh. Nhiều hộ có đất rộng nhưng bỏ không, hộ thì khoanh được vài mét trồng rau, nhưng không chú tâm chăm sóc nên không đảm bảo nhu cầu gia đình.
Anh Giàng A Say, bản Nậm Là, gia đình có diện tích đất khá rộng nhưng không trồng rau, cho biết: Người dân bản mình không quen trồng rau, ít nhà trồng lắm, mùa nào cũng có rau rừng, như mùa này mình đi rừng lấy măng một ngày thì ăn cả tuần.
Để đáp ứng đủ nhu cầu rau xanh, huyện Mường Nhé cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở hạ tầng, thủy lợi. Quan trọng nhất vẫn là sự chuyển biến về ý thức của người dân trong việc sản xuất rau sạch nhằm phục vụ nhu cầu gia đình và thị trường tại chỗ. Để làm được điều này, rất cần đến sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, các hội đoàn thể như: Đoàn thanh niên, hội phụ nữ trong công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức, tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân. Đặc biệt là vai trò của hội phụ nữ các thôn, bản trong việc thực hiện phong trào “vườn rau sạch” do Hội Liện hiệp Phụ nữ huyện Mường Nhé phát động./.
Tuấn Anh