Ký ức tháng 5 lịch sử của các cựu chiến binh Điện Biên Phủ

Thứ Bảy, 07/05/2016, 10:22 [GMT+7]

Mỗi dịp tháng 5 về, những người lính năm xưa lại càng thêm tự hào vì mình cũng đã được góp công sức trong chiến thắng Điện Biên Phủ.
 
62 năm đã trôi qua, nhưng với những người lính được tham gia trong chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu hiện sinh sống tại tỉnh Điện Biên, ký ức về những ngày vẻ vang đó vẫn vẹn nguyên.

Năm nay, ông Phạm Bá Miều ở thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ký ức về tinh thần chiến đấu anh dũng của Bộ đội ta những ngày tham gia trong trận đánh Đồi A1 vẫn vẹn nguyên trong ông.

Khi đó, ông Miều được cấp trên điều về Đại đội 76, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với chức vụ Tiểu đội trưởng. Vào tháng 4/1954, Tiểu đội ông và Đại đội công binh có nhiệm vụ cùng đào đường hầm ngầm từ chân đồi vào Sở chỉ huy của địch để đặt khối bộc phá. Lúc đó, Điện Biên đang là mùa mưa, bầu trời xám xịt màu chì, mưa tầm tã, nhưng hàng trăm chiến sỹ trong đại đội vẫn thay nhau đào hầm ngầm.

1
Điện Biên xua (ảnh: Tư liệu)

 

Ông Miều nhớ lại: Đất ở Đồi A1 rất cứng, dụng cụ chỉ có cuốc chim và xẻng gấp thô sơ nên tiến độ bị chậm. Theo kế hoạch, trong 7 ngày phải hoàn thành nhưng phải mất 12 ngày mới hoàn thành đường hầm ngầm đặt khối bộc phá nặng gần 1 tấn. Trong quá trình đào hầm, nhiều chiến sỹ đã hy sinh vì bị ngạt. Thế nhưng, Bộ đội ta vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu quả cảm. Đêm 6/5/1954, quân ta kích nổ khối bộc phá, tiêu diệt gần một đại đội của địch. Lúc này số quân địch còn lại chống cự rất yếu ớt, thừa thắng Trung đoàn 174 đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Tiếng nổ của khối bộc phá trên còn là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cựu chiến binh Phạm Đức Cư ở C4, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên chính là một trong những chiến sỹ ưu tú được lựa chọn cử sang Trung Quốc để học chiến thuật, kỹ thuật sử dụng về pháo cao xạ khi Trung đoàn pháo cao xạ 367 đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam thành lập ở Thái Nguyên.

Ông Cư kể lại: Vào cuối tháng 1/1954, các pháo thủ Trung đoàn 367 đã vượt qua gian khổ, hy sinh đưa được 12 khẩu pháo, mỗi khẩu nặng 2,4 tấn có mặt tại Điện Biên. Trên chặng đường đó đã có chiến sỹ hy sinh, nhưng các pháo thủ không hề nao núng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của cấp trên.

Điển hình tấm gương anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình để cứu pháo đã càng thêm củng cố tinh thần quyết chiến đấu đến cùng của các pháo thủ. Trong suốt 54 ngày đêm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, cán bộ, chiến sĩ pháo cao xạ luôn nêu cao khẩu hiệu “còn một người, một pháo, một viên đạn cũng quyết chiến đấu đến cùng” để yểm hộ cho bộ binh chiến đấu, đồng thời tiêu hao sinh lực không quân của quân đội thực dân, cắt đứt đường tiếp tế của quân địch.

1
Hình ảnh Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của những người lính năm xưa (ảnh: Tư liệu)

 

Ông Phạm Đức Cư không thể quên được những trận đánh ác liệt trong chiến dịch và không khỏi xúc động khi nhớ đến những người đồng đội đã hy sinh. Đó là trong ngày 16 và 17/3, vị trí đồi Độc Lập, quân Pháp tập trung lực lượng đánh trả. Máy bay địch ném hai quả bom vào trận địa pháo Đại đội 827, Đại đội trưởng Dương Bá Sanh, Đại đội phó Bùi Văn Phú và một số pháo thủ hy sinh. Chỉ còn lại hai khẩu pháo, tham mưu Phạm Đức Cư và Chính trị viên phó Tiểu đoàn Đăng Trình liền nhảy xuống cùng với pháo thủ tiếp tục chiến đấu.

Ông Cư nói: “Lúc đó chúng tôi nghe tiếng máy bay rú ở trên đầu. Từ chỗ cánh đồng bản Tâu, một cái vạt mấy cây số liền lên đến đồi Độc Lập vùng trời tối đen lại như mực, không nhìn thấy gì. Không nhìn thấy mục tiêu để bắn nhưng pháo thủ vẫn cứ đứng trên mâm pháo để bắn với tinh thần là không ngừng chiến đấu”.

62 năm đã trôi qua, trên mảnh đất Điện Biên anh hùng, cuộc sống đang  đổi thay và những người lính Điện Biên vẫn luôn tự hào khi được góp sức mình làm nên chiến thắng vang dội năm châu, chấn động địa cầu./.

 

Theo VOV

.