Hiệu quả mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực gia đình ở xã Thanh Yên
Điện Biên TV - Được triển khai từ năm 2012, đến nay sau 4 năm thực hiện xây dựng mô hình điểm về “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của người dân trên địa bàn về bình đẳng giới được nâng cao, góp phần giảm tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ).
Là xã nằm ở phía Tây Nam lòng chảo huyện Điện Biên, xã Thanh Yên có hơn 1.890 hộ sinh sống với tổng số gần 7.300 nhân khẩu. Trong đó, có hơn 10% dân số thuộc hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, dân trí còn thấp, cộng với việc tồn tại một số hủ tục nên thường xuyên xảy ra tình trạng bất bình đẳng giới, BLGĐ và vấn nạn xã hội khác. Trước thực trạng trên, năm 2012, xã được UBND tỉnh và huyện Điện Biên lựa chọn triển khai xây dựng mô hình điểm về ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới.
Thành viên Câu lạc bộ “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” thôn Chiềng Đông, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, bạo lực gia đình cho người dân. |
Chị Lò Thị Út, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Yên cho biết: Ngay sau khi được lựa chọn triển khai xây dựng mô hình, xã đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới gồm 11 thành viên để chủ động đề ra kế hoạch, biện pháp, hướng dẫn các thôn, bản tổ chức thực hiện. Cùng với đó, Ban chỉ đạo thành lập 4 câu lạc bộ “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” tại các thôn: Tiến Thanh, Na Tông, Chiềng Đông và Pa Pháy với tổng số trên 70 thành viên. 4 năm qua, Ban chỉ đạo thực hiện mô hình của xã đã mở gần 10 lớp tập huấn về bình đẳng giới, tác hại của bạo lực trên cơ sở giới cho bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, cán bộ chủ chốt và thanh niên trong xã. Bên cạnh đó, 4 câu lạc bộ đã tổ chức các buổi truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho người dân để ngăn ngừa và giảm thiểu hệ lụy của bạo lực giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Với nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú như: Lồng ghép vào cuộc họp thôn, bản; các buổi sinh hoạt của chi hội phụ nữ; kết hợp với các câu lạc bộ: “Không sinh con thứ ba”; “5 không 3 sạch”; câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ… các câu lạc bộ đã tổ chức được nhiểu buổi nói chuyện chuyên đề, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, BLGĐ, Luật Hôn nhân và Gia đình… để nâng cao nhận thức cho người dân. Mặt khác, thành viên trong câu lạc bộ ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại các thôn còn thường xuyên bám sát địa bàn, chủ động phát hiện những trường hợp có nguy cơ bị BLGĐ để kịp thời tư vấn, hỗ trợ nạn nhân khắc phục khó khăn trong cuộc sống.
Đặc biệt, xã đã thành lập nhà tạm lánh cộng đồng tại Trạm y tế xã với đầy đủ giường, chăn, màn, thuốc… Đồng thời, thành lập được tổ phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và “địa chỉ tin cậy” tại 23/23 thôn, bản trong xã; thiết lập đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin phản ánh về bạo hành gia đình; kịp thời giúp đỡ nạn nhân trong trường hợp khẩn cấp; hỗ trợ và ngăn chặn các trường hợp có nguy cơ xảy ra BLGĐ… Nhờ đó, nhiều trường hợp bị bạo lực hay có những vướng mắc, mâu thuẫn trong gia đình đã được tư vấn, giúp đỡ kịp thời. Điển hình như trường hợp của chị L.T. L, thôn Chiềng Đông. Do chồng chị mắc nghiện ma túy nên mỗi lần không có tiền đưa cho chồng mua thuốc, chị đều bị chồng chửi bới, đánh đập. Nhờ được các thành viên câu lạc bộ và tổ phòng chống bạo lực trên cơ sở giới của thôn thường xuyên đến nhà tư vấn, giúp đỡ, sau một thời gian đi cai nghiện và uống thuốc methadone, đến nay, chị không còn phải sống trong cảnh bị chồng bạo hành, xúc phạm, đánh đập…
Thực hiện hiệu quả mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới, thời gian qua, số vụ BLGĐ xảy ra trên địa bàn xã đã giảm đáng kể. Nếu như đầu năm 2013, trên địa bàn xã vẫn còn 7 trường hợp bị BLGĐ, đến nay toàn xã chỉ còn 2 trường hợp. Đáng chú ý, tình trạng BLGĐ không chỉ giảm về số vụ mà mức độ nghiêm trọng của các vụ việc đã giảm, đồng thời nhận thức của người dân trong xã về bình đẳng giới, BLGĐ được nâng cao. Qua đó, giúp người dân xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, hạn chế hành vi, tình trạng bạo lực trong gia đình.
Đức Linh