Hà Nội: Kiểm soát thực thực phẩm bẩn còn khó khăn
Mỗi ngày, thị trường Hà Nội tiêu thụ một lượng thực phẩm rất lớn. Trong đó có không ít thực phẩm thiếu an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, mỗi năm, thị trường Hà Nội tiêu thụ khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900.000 tấn rau... Trong đó, các hộ sản xuất trên địa bàn chỉ cung cấp lượng thực phẩm đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, số còn lại do các địa phương khác cung cấp hoặc nhập khẩu từ nước ngoài.
Riêng về rau an toàn, diện tích mới đạt 5.100 ha trong tổng số 12.000 ha trồng rau, với 72 cơ sở sơ chế, công suất mỗi ngày đạt gần 8 tấn rau, trong khi nhu cầu về rau, củ, quả mỗi ngày của thành phố khoảng 2.500 tấn. Điều này dẫn đến một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên thị trường Hà Nội, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Một số quần hàng bán rau, củ tại chợ Định Công |
Hiện có hơn 80% người tiêu dùng Hà Nội vẫn mua thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ cóc, hàng rong. Trong khi hàng hóa, thực phẩm tại các điểm phân phối này rất khó kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều mặt hàng tươi sống không có bao bì, tem nhãn.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Ban quản lý chợ Mơ cho biết, việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại địa bàn chợ rất khó khăn do thực phẩm được đưa vào chợ từ nhiều nguồn khác nhau nhưng Ban quản lý chợ chưa có trang thiết bị kiểm tra chất lượng thực phẩm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, cần bổ sung thêm các trạm kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố, kịp thời phát hiện, ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và an toàn vệ sinh.
“Chúng tôi kiến nghị với lực lượng chức năng là ở chợ hiện tại không có hàng rào kỹ thuật nào để ngăn cấm thực phẩm không an toàn vào chợ. Như vậy rất cần cơ quan quản lý Nhà nước sâu sát trong việc kiểm tra vì chỉ có cơ quan quản lý Nhà nước mới có chức năng phạt và thu hồi các sản phẩm không an toàn”- ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Trong 4 tháng đầu năm nay, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 700 vụ vi phạm về chất lượng và an toàn thực phẩm. Tổng số tiền thu nộp hơn 9 nghìn 940 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình trạng nhập lậu thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra với nhiều hình thức, thủ đoạn, quy mô khác nhau. Thường xuyên thay đổi các tuyến đường vận chuyển; giấu hàng hóa ở phía cuối các phương tiện sau đó che lấp bằng hàng hóa khác bên ngoài; hoặc thay biển kiểm soát là những cách được dùng để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng....
Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng: “Cái cần nhất là chúng ta phải giám sát được từ khâu nhập khẩu. Mong muốn của chúng tôi là phải giám sát được ngay từ khâu kiểm hóa ban đầu, tức làm thế nào để tại tất cả các cửa khẩu chúng ta có đủ lực lượng, đủ trang thiết bị, đủ nguồn lực để kiểm nghiệm nhanh, thông quan nhanh cho doanh nghiệp và khẳng định rằng hàng hóa đó phải đáp ứng đủ hóa đơn chứng từ và đảm bảo chất lượng thông quan”.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác quản lý, kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất rau, thực phẩm an toàn, từ khi sản xuất đến đưa vào lưu thông đến tay người tiêu dùng là những sản phẩm đảm bảo an toàn. Đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Y tế, các đơn vị có liên quan thực hiện đồng bộ công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
“Sở Công thương Hà Nội đang tập trung vào các hộ kinh doanh tại các chợ truyền thống, để làm sao phấn đấu từ 80-90% cuối năm nay các hộ đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh an toàn thực phẩm. Đồng thời sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường rồi kiểm tra công tác lưu thông sản phẩm trên địa bàn thành phố, để làm sao ngăn chặn những sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đưa vào thị trường Hà Nội. Bên cạnh đó là sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất để đưa ra được những sản phẩm an toàn.
Những sản phẩm đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại thì phải truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo những sản phẩm đó thực sự là an toàn để cho người tiêu dùng yên tâm”-bà Phương Lan nói.
Để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, ngày 17/5, Sở Y Tế, Sở Công Thương và sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã đồng loạt công bố đường dây nóng để người dân phản ánh những cơ sở sản xuất, kinh doanh không hợp vệ sinh.
Theo đó, đường dây nóng của Sở Công Thương Hà Nội là 1900 585826, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội là 043 3800 115 và Sở Y Tế Hà Nội là 043 998 5765. Hy vọng với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng và sự phối kết hợp của các đơn vị liên quan, sẽ hạn chế được vấn nạn thực phẩm bẩn trên địa bàn Hà Nội và người dân Thủ đô sẽ có nhiều cơ hội được tiếp cận với nguồn thực phẩm sạch, an toàn./.
Theo VOV