Giảm tối đa tiền điện sinh hoạt: Áp dụng chuẩn nguyên tắc "4 đúng"
Để sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm, người sử dụng áp dụng chuẩn nguyên tắc “4 đúng”: Đúng lúc; đúng nhu cầu; đúng chỗ và đúng cách.
Thời tiết vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của hầu hết các hộ gia đình đều tăng cao, nhiều thiết bị làm mát được sử dụng dẫn đến điện năng tiêu thụ của hộ gia đình tăng theo nhu cầu và tiền điện cũng tăng theo.
Sử dụng máy lạnh nên đặt ở nhiệt độ hợp lý từ 26 độ C trở lên sẽ tiết kiệm đáng kể tiền điện hàng tháng. (Ảnh minh họa: KT) |
Làm thế nào để vừa đảm bảo được nhu cầu sử dụng điện tăng cao, trong khi việc chi trả tiền điện vẫn ở mức hợp lý luôn là mối quan tâm của đa số các hộ gia đình. Do đó, nếu các hộ gia đình quan tâm và biết áp dụng một số biện pháp sử dụng điện hiệu quả, sẽ tránh được những tổn thất không đáng có trong việc chi trả quá nhiều tiền điện, đặc biệt trong mùa nắng nóng.
Trao đổi về vấn đề này tại buổi giao lưu trực tuyến do báo Pháp luật TP HCM tổ chức ngày 20/5, ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVN HCMC) cho biết, để sử dụng điện có hiệu quả, tránh lãng phí và tiết kiệm được tiền điện, đầu tiên người sử dụng điện phải tuyệt đối áp dụng theo nguyên tắc “4 đúng”: Đúng lúc; đúng nhu cầu; đúng chỗ và đúng cách.
Mặt khác, tiền điện tăng chủ yếu trong mùa nắng nóng là do sử dụng thiết bị làm mát nhiều như máy lạnh, tủ lạnh, quạt… do đó người sử dụng cần phải làm vệ sinh thiết bị này để tăng hiệu quả sử dụng điện. Đồng thời, có thể thay các thiết bị làm mát mà có hiệu suất sử dụng kém nên sử dụng các thiết bị có hiệu suất cao. Nếu là máy lạnh, nên sử dụng loại có công nghệ invester có thể giúp tiết kiệm được trên 30% điện năng tiêu thụ.
Đáng chú ý là, khi lắp đặt các máy lạnh tại gia đình, vị trí của dàn nóng phải đặt ở nơi thông thoáng, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào để tăng hiệu quả tiết kiệm điện. Trong quá trình sử dụng máy lạnh, nên đặt ở nhiệt độ hợp lý từ 26 độ C trở lên. Điều này vừa đảm bảo về sức khỏe nhưng vẫn tiết kiệm được một lượng điện năng đáng kể.
Cũng theo ông Bảo, việc tắt các thiết bị không cần thiết khi không sử dụng cũng là một biện pháp hữu hiệu để giúp tiết kiệm điện cho các hộ gia đình.
Mất điện giờ cao điểm được xử lý trong 2 giờ
Nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa hè đã khiến nhiều nơi, nhiều khu vực xảy ra hiện tượng mất điện đột ngột, đặc biệt trong các giờ cao điểm buổi trưa, buổi tối và ban đêm.
Giải thích về hiện tượng này, ông Phạm Quốc Bảo cho biết, việc mất điện đột ngột (nhất là vào ban đêm) chủ yếu là do sự cố phân tử lưới điện. Nguyên nhân dẫn đến sự cố chủ yếu là do ngoại vật tác động hoặc quá tải cục bộ (bật Ap tô mát hoặc cầu dao,...) trên lưới điện.
“Theo quy định, ngành điện sẽ xử lý sự cố này trong vòng 2 giờ đồng hồ. Riêng EVN HCMC đang thực hiện xử lý trong thời gian 75 phút. Sau khi xử lý, ngành điện sẽ phân tích, đánh giá nguyên nhân sự cố để có giải pháp ngăn ngừa trường hợp tương tự tái diễn”, ông Bảo nói.
Ông Bảo cũng khẳng định, hiện nay nguồn cung cấp điện tương đối ổn định tại nhiều tỉnh, thành phố. Do đó việc có một số khu vực mất điện đột ngột không được báo trước trong giờ cao điểm hoàn toàn là do sự cố quá tải cục bộ trên lưới điện, hoặc tác động ngoại vật, không có việc phải cắt điện luân phiên do thiếu điện.
“Trong năm 2016, ngành điện cam kết không để thiếu điện trên địa bàn TP HCM. Để đảm bảo cấp điện trong thời gian nắng nóng như vừa qua, từ cuối năm 2015, Tổng công ty đã xây dựng phương án cấp điện chi tiết cho năm 2016 và đã triển khai các giải pháp đồng bộ từ đầu tư phát triển lưới điện cho đến các kịch bản dự phòng cấp điện trong các trường hợp sự cố nếu có”, ông Bảo cho biết./.
Theo VOV